Hiểu thiết kế như lòng bàn tay
PGS.TS Tạ Cao Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với các hoạt động chính trong nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh), tư vấn, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.
Trung tâm có phòng thí nghiệm Điều khiển ô tô điện. Đây là nơi những nhà khoa học tiến hành các công việc và hướng dẫn sinh viên các đề tài về ô tô điện. Phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị, vật tư, mà điểm nhấn là chiếc ô tô điện.
PGS Tạ Cao Minh chia sẻ ý tưởng triển khai nghiên cứu về ô tô điện ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2004, khi ông trở về nước sau thời gian học tập và làm việc tại Canada và Nhật Bản. Ông và các cộng sự đã dày công xây dựng đề cương, viết thuyết minh đề xuất.
Đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ truyền động và điều khiển cho ô tô điện” đã được giao thực hiên, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.03/11-15 (Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ Cơ khí và Tự động hóa).
Để có “nguyên liệu” nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã mua một xe ô tô điện từ Nhật Bản, sau đó giải mã và thậm chí đã tháo từng phần để tìm hiểu nguyên lý, cấu trúc. “Chúng tôi đã biến cái xe thành một phòng thí nghiệm di động.
Chúng tôi phải tận dụng toàn bộ hệ thống cơ khí, kết cấu khung vỏ, động cơ điện, hệ thống ắc-quy... và tập trung nghiên cứu trước hết phần truyền động và phần điều khiển”, PGS.TS Tạ Cao Minh chia sẻ.
Đề tài đã được nghiệm thu thành công, đạt và vượt mức nhiều chỉ tiêu đề ra. Hệ truyền động điện và hệ điều khiển đã được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công, đặt nền móng cho những nghiên cứu tiếp theo về ô tô điện, mở ra hy vọng làm chủ công nghệ sản xuất ô tô điện trong tương lai.
Bởi hệ truyền động điện và hệ điều khiển chính là “trái tim” của ô tô điện. Các bộ phận khác có thể gia công, nhập khẩu, lắp ráp… khá đơn giản. Từ đây, những nghiên cứu về xe ô tô điện made in Việt Nam của thầy trò Trường ĐH Bách Khoa bắt đầu.
Đặt hàng, nhà khoa học sẽ có
Hiện nay các nghiên cứu về ô tô điện đã được chú trọng hơn tại Việt Nam, cùng với đó là thị trường ô tô điện đã được hình thành và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Vấn đề cốt lõi là Nhà nước cần xây dựng lộ trình phát triển xe ô tô điện, đặt hàng cho các nhà khoa học, hoạch định chính sách cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, cung ứng dịch vụ… để trong tương lai chúng ta có thể làm chủ sân chơi ô tô điện trong nước, và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Chúng ta cần sớm có bản đồ công nghệ trong lĩnh vực ô tô điện. Việc xây dựng bản đồ công nghệ cần có công sức đóng góp và trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp. Các nhà khoa học của Trường ĐH Bách khoa đang nghiên cứu về lĩnh vực này cũng có thể tham gia vào ban soạn thảo bản đồ công nghệ, hoạch định chính sách.
Bản đồ công nghệ trong lĩnh vực ô tô điện sẽ giúp chúng ta có định hướng một cách bài bản và dài hạn, xác định công nghệ nào cần nhập khẩu, công nghệ nào có thể tự phát triển, với một lộ trình và nội dung cần thực hiện từ phía Nhà nước, từ các doanh nghiệp và từ các nhà khoa học tại các viện – trung tâm nghiên cứu/trường đại học”, PGS.TS Tạ Cao Minh nhấn mạnh.
Có rất nhiều lĩnh vực nhà khoa học trong nước có thể đảm nhận nếu được đặt hàng, đầu tư bài bản, mà ô tô điện là một ví dụ. Với kinh phí eo hẹp của một đề tài nghiên cứu thì khó có thể làm ra nhiều chiếc xe ô tô điện “chạy vù vù” trên phố. PGS.TS Tạ Cao Minh hy vọng tới đây sẽ có những đặt hàng, chính sách cụ thể để khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu, làm ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, không phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Xe điện là xu hướng tất yếu
Ngành công nghiêp ô tô của Việt Nam đã trải qua 30 năm phát triển, nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương thì đã không thành công. Các doanh nghiệp ô tô hiện nay chủ yếu lắp ráp, với tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Với sự xuất hiện của ô tô điện hiện nay trên thế giới, nhiều người đã đặt câu hỏi, “khi nào thì Việt Nam có thể làm ra được một chiếc xe ô tô điện ?”.
Sản xuất xe ô tô điện là câu chuyện dài, phức tạp. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là một chuyện, hiện thực hóa nó lại là chặng đường còn xa. Đã có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào dòng xe ô tô điện, người tiêu dùng đang ngóng chờ những sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường.
“Để sản xuất được xe ô tô điện, Nhà nước cần có chiến lược dài hạn với các lộ trình cụ thể và những chính sách phù hợp, từ định hướng, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà máy, hệ thống các trạm sạc), các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, trợ giá cho người tiêu dùng... Tiếp đến là vai trò của các doanh nghiệp trong viêc đầu tư, góp vốn, nhập khẩu công nghệ và dây chuyền sản xuất.
Các nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đóng vai trò chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực. Trong mối quan hệ ba Nhà (Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa hoc), Nhà nước đóng vai trò chủ chốt, quyết định đường hướng và các đầu tư cơ bản”, PGS. Tạ Cao Minh chia sẻ.
“Kinh nghiệm của các nước đã có bề dày hàng trăm năm trong lĩnh vực ô tô, như Mỹ, Đức, Nhật, Pháp… cho thấy: Để ra đời một thế hệ ô tô mới, cần có một nền công nghiệp vững mạnh, với đội ngũ hàng nghìn kỹ sư làm việc Nghiên cứu – Phát triển trong hàng chục năm trời.
Sự hợp tác và chia sẻ thị trường, thị phần giữa các công ty, tập đoàn, quốc gia cũng là điều không thể tránh khỏi, bởi thông thường một chiếc xe ô tô có tới 4.000 – 5.000 chi tiết, linh kiện khác nhau”, PGS Tạ Cao Minh cho biết.
“Sản xuất ô tô điện là xu hướng tất yếu của thế giới. Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều đặt ra lộ trình về tỷ lệ xe ô tô điện trong thời gian 10 – 20 năm tiếp theo. Ví dụ như Canada phấn đấu đến năm 2040 sẽ có 40% lượng xe bán mới trên thị trường là ô tô điện”, PGS.TS Tạ Cao Minh chia sẻ.