Người thầy cần được tôn trọng một cách đặc biệt

GD&TĐ - Những ngày qua, câu chuyện người phụ nữ dạy tiếng Anh mắng chửi học viên tại Trung tâm MST English (Hà Nội) đang làm nóng dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, hành động làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của nhà giáo. PV báo Giáo dục và Thời đại đã phỏng vấn PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam để hiểu hơn về vấn đề này.

Người thầy cần được tôn trọng một cách đặc biệt

Làm xấu hình ảnh nhà giáo

Vừa qua, cộng đồng mạng chia sẻ một video clip người phụ nữ chửi bới học viên bằng nhiều từ ngữ thô tục tại Trung tâm Ngoại ngữ MST English gây ảnh hưởng đến uy tín của những người dạy học. Bà đánh giá thế nào về vụ việc này?

Trước hết, tôi muốn chúng ta đừng dùng từ “giáo viên” để chỉ về người phụ nữ xuất hiện trong clip đó. Cô ấy không phải là một giáo viên.

Về phía cá nhân, tôi rất sốc khi được một chị nhà báo chia sẻ thông tin. Những ngày tiếp đó, tôi có tìm hiểu qua bạn bè và Facebook thì được biết, cô ấy đã nhiều lần nói chuyện livestream (trực tuyến), cũng có dùng những lời lẽ thô tục như vậy. Tôi đánh giá đây là một sự việc đáng lên án, vì đã xâm hại đến thuần phong mĩ tục của dân tộc và ảnh hưởng đến uy tín của nghề giáo.

- Dân gian thường nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Vậy nên có ý kiến cho rằng, dù dạy ở Trung tâm Ngoại ngữ tư nhân cô ấy cũng được coi là giáo viên. Việc thóa mạ học viên ngay trong phòng học như vậy, theo bà có xứng đáng với vai trò của người thầy?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Như trên tôi đã nói, cô ấy không phải là giáo viên về cả pháp lý lẫn giá trị. Về mặt pháp lý, theo các thông tin đã đưa, cô ấy không xuất trình được các chứng chỉ liên quan đến nghiệp vụ giảng dạy, cô ấy chỉ có bằng cấp về kế toán.

Như thế, cô ấy không đủ tiêu chuẩn để làm giáo viên. Tuy nhiên, những người làm công việc huấn luyện, đem đến cho người khác những bài học giá trị phù hợp với những tiêu chuẩn, đạo đức, văn hóa thì với truyền thống của dân tộc ta, những người đó vẫn xứng đáng được tôn vinh làm thầy (với những học trò rất cụ thể). Trong trường hợp này, cô ấy không có những điều đó.

Hình ảnh người giáo viên cần được tôn trọng

-Theo bà, nhà giáo cũng như người truyền thụ kiến thức, văn hóa cần có những phẩm chất gì?

Trong Luật Giáo dục đã quy định rất rõ phẩm chất của nhà giáo. Trong lịch sử giáo dục thế giới và Việt Nam, nhà giáo là những người có đạo đức, có trình độ chuyên môn, có văn hóa cao. Đó là những người am hiểu và biết thực hiện cư xử văn minh, lịch sử, phù hợp với truyền thống địa phương. Những người thầy có tự trọng, tự tôn, biết yêu thương, tôn trọng học trò.

Người thầy tốt là người truyền cảm hứng cho người học, chứ không dạy cưỡng bức, không dùng hình phạt (về thể chất, về tâm hồn, về kinh tế…) để ép học trò học, dù rằng việc ép buộc có thể giúp học trò về đích. Chúng ta hãy liên tưởng việc ép buộc, xúc phạm, phạt… khiến học trò sợ để học không khác gì việc “trói vào mà đánh, mà lôi đi” thì kiểu gì cũng đến đích, nhưng khi đó có còn là giáo dục nữa không.

Qua những câu chuyện như thế này, có lẽ dư luận xã hội hơi đổ oan cho người giáo viên. Nếu dư luận xã hội nhìn nhận người dạy ở trung tâm tiếng Anh này đơn giản chỉ là “huấn luyện viên ngôn ngữ Anh” thay vì “cô giáo” thì có lẽ hình ảnh người thầy không bị ảnh hưởng? Bà cho biết quan niệm của bà về vấn đề này?

Theo tôi, chúng ta cần nhắc lại, người dạy ở trung tâm tiếng Anh này không phải là giáo viên, không phải đồng nghiệp của bất kì giáo viên đúng nghĩa nào.

Người ta luôn nói: Hãy cho tôi biết bạn học ai? Bạn học những gì? Bạn học như thế nào? Tôi sẽ trả lời được bạn là ai. Do đó, văn hóa dạy – văn hóa học, việc dạy – việc học luôn đi kèm với nhau.

Không thể tách rời việc dạy kiến thức với quá trình giáo dục, mà văn hóa, đạo đức của người dạy, người học là một yếu tố được hòa quyện ở đó. Về văn hóa của giáo viên, tôi luôn vương vấn trong đầu những lời nhận xét kiểu như “cô giáo mà thế…”, “thầy giáo mà thế…” để biết rằng, dư luận luôn đòi hỏi rất khắt khe đối với nghề giáo, hình ảnh người giáo viên luôn cần gìn giữ, cần được tôn trọng một cách đặc biệt.

Xin cảm ơn bà!

Liên quan vụ việc này, ngày 8/5, thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty MST, mức phạt là 20 triệu đồng về việc tự ý thành lập cơ sở giáo dục để tổ chức dạy ngoại ngữ. Riêng với hành vi vi phạm quy định về kỉ luật người học, xúc phạm danh dự, nhân phẩm qua các clip đã đăng tải trên mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - Giám đốc Công ty MST, bị xử phạt hành chính mức 5 triệu đồng.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ra Thông báo số 1644/TB-SGDĐT ngày 8/5 về việc dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại MST; giải thể đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục của Công ty MST, đồng thời dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy đối với bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - Giám đốc Công ty MST.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Barca vẫn chưa thể đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.

Barcelona được La Liga báo tin vui

GD&TĐ - Barcelona được La Liga 'bật đèn xanh' để hoạt động tài chính bình thường, qua đó có cơ hội đăng ký Dani Olmo và Pau Víctor.

Minh họa/INT

Nhà ở xã hội khởi sắc?

GD&TĐ - Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ có khoảng 21 nghìn căn được xây dựng, tương đương hơn 16% kế hoạch.