Khi chúng tôi và cô Dương đến lớp học thì cô Kiều và cô Nhung đã có mặt ở đây cùng các trò nhỏ. Các cô lên từ hôm qua để kịp đón trẻ trong những ngày đầu năm học mới này.
Lớp học bằng mái tôn tuy đã bạc phếch màu vì sương gió, nhưng vẫn sống động bởi những mảnh ghép trang trí bằng giấy màu trên tường, giống như mảnh ghép cuộc đời các cô với hơn 60 đứa trẻ nơi đây. Những mảnh ghép chất chứa hy vọng, rằng con chữ các cô mang lên cái đỉnh cao này bằng bao nỗi khó nhọc sẽ giúp đổi thay cuộc đời của lũ trẻ.
Để có nước sinh hoạt, các cô phải dậy sớm ra suối xách nước. |
“Bọn trẻ bây giờ ngoan lắm, mấy bữa trước, lần đầu tiên đến trường còn khóc như ri, chỉ biết bốc ăn, giờ đã biết cầm thìa, biết chào và biết hát”, cô Nhung tâm sự.
Theo quy định, cứ 2 đến 3 năm, các cô lại luân chuyển sang các bản khác trong xã. Với “thâm niên” 4 bản, cô Nhung kể lần đầu tiên lên Làng Giàng, ở với 3 thầy, giường chỉ ngăn một tấm bạt, chẳng có ai nhỏ to tâm sự, buồn lắm. Giờ lên Lùng Cúng tuy vất vả, đường xá khó khăn hơn nhưng có 3 chị em đi ra đi vào cũng thấy ấm lòng.
Ở trên này đâu có nước sạch như dưới xuôi nên mới tinh mơ sáng, khi những làn sương như tấm voan trắng còn vương trên đỉnh cây táo mèo, các cô thay phiên nhau đi bộ chừng một cây số ra khe suối xách nước, nấu cơm, quét lớp chuẩn bị đón trẻ. Cuộc sống cứ thế xoay quanh việc dạy và dỗ những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi.
Cô Nhung soạn bài dưới ánh sáng của chiếc điện thoại di động. |
Chiều về, trả trẻ xong, ngồi dưới mái hiên của căn nhà lợp bằng gỗ ép nhìn ra dãy núi xa xa lất phất mưa giăng, nỗi buồn nhớ nhà lại bắt đầu len lỏi, thấm dần vào tâm can. “Cảm giác sống trong một thế giới riêng khi mọi liên lạc với thế giới bên ngoài bị cắt đứt. Em sống ở đây 2 năm rồi mà vẫn chưa quen được với cảm giác đó, vẫn buồn lắm, nhưng phải cố gắng”, cô Dương nghèn nghẹn giọng.
Trên núi trời tối nhanh, như mọi ngày, các cô sẽ đi ngủ từ chập tối nhưng hôm nay có khách nên cùng nhau quây quần bên bếp củi với vài bắp ngô vùi trong than, tâm sự đến khuya.
Câu chuyện trùng xuống khi những tấm ảnh gia đình trong chiếc điện thoại được các cô chia sẻ. Các cô bảo, nhìn những tấm hình ấy, lòng nhẹ hơn, nỗi nhớ nhà cũng vợi bớt phần nào. Vậy nhưng, ngay cái việc ngắm nhìn những khuôn mặt yêu thương từ chiếc điện thoại đôi khi cũng phải dè sẻn, bởi điện thoại phải sạc, mà nơi đây đâu có điện. Để “nuôi” được những chiếc di động này, các cô thi thoảng phải xin điện chạy bằng nước của nhà dân.
Cô Kiều vẫn miệt mài giảng dạy bên những "đứa con" thơ của mình. |
Cố tránh những câu hỏi khơi gợi vào nỗi niềm sâu thẳm của các cô, nhưng cơn mưa trên đỉnh núi cứ rào rào từ chập tối như xoáy sâu vào nỗi nhớ nhà, nhớ con của cô Nhung và cô Kiều. Trong ánh lửa chập chờn không rõ khuôn mặt, giọng nói bỗng ngập ngừng, trùng xuống khi cô Nhung nhắc về gia đình.
Cô bảo, thứ 6 là ngày mà các cô luôn đau đáu mong chờ, là ngày bắt đầu một hành trình mới, hành trình về với tổ ấm yêu thương, dẫu con đường phía trước dài tới hơn 100 cây số. Lúc mở cửa nhà cũng là khi trời đã khuya, và sau một ngày ngắn ngủi quấn quýt bên gia đình, họ lại sấp ngửa rời nhà lên bản.
Ở trên này, thường thì mỗi tối các cô lấy việc cắt dán đồ dùng học tập làm niềm vui, còn hôm nào cô Nhung nhận được thư gia đình là tối đó mấy cô lại cùng nhau đi bộ xuống núi với quãng đường chừng hơn 4 cây số để “bắt sóng” đi động, gọi về nhà. Ở đây, chỉ có những cuộc gọi một chiều từ phía heo hút về gia đình, tại cái điểm “bắt sóng” này. Cuộc sống vật chất thiếu thốn thế nào cô cũng khắc phục được nhưng mỗi lần nghĩ về đứa con gái bé nhỏ 7 tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh, thiếu vắng vòng tay chăm sóc của mẹ, cô lại yếu lòng, rơi nước mắt.
Năm nay con bé không lên được lớp 2, phải học lại lớp 1. Giá có mẹ ở bên, chắc sẽ khác!
“Nhiều hôm nhận được thư gia đình, chỉ muốn bật khóc luôn bởi biết con gái ở nhà không khỏe, nhưng lúc đó đang dạy nên phải chờ đến chiều tối mới đi gọi điện được. Lắm hôm trời mưa, 3 chị em đi gọi điện về trông như vừa từ dưới đất chui lên, mặt bạc trắng bệch vì lạnh, lấm lem bùn đất”, cô Nhung nhớ lại.
Với cô Kiều, cái kỷ niệm cách đây hơn một năm lại ùa về, khắc khoải. Hôm ấy, cô rời nhà mà nước mắt cứ tuôn rơi suốt quãng đường hơn 120 cây số vì đứa con thơ 15 tháng tuổi vẫn còn khát sữa mẹ. Con bé không chịu ăn sữa ngoài!
Một tuần sau về, nó không theo mẹ nữa, Kiều tủi thân rơi nước mắt.
Kiều kể, ngày đầu lên Lùng Cúng, chồng đi theo mang giúp nồi niêu xoong chảo, dầu gạo... 2 vợ chồng cứ thế cuốc bộ lên bản, vừa đi vừa hỏi đường, hỏi cả chục lượt mà câu trả lời lúc nào cũng là khoảng 5km nữa. Hôm chồng xuống núi, quay lại nhìn sương giăng mịt mùng, trắng trời trắng núi, vừa đi vừa khóc vì thương vợ.
Sau một vài lần gia đình có việc gửi thư lên nhưng khi mấy người dân buôn bán cầm lên tới nơi thì việc đã qua mấy hôm, cứ 2 ngày Kiều lại đi bộ mấy cây số xuống điểm “đón sóng”, chủ động gọi về nhà. “Giờ đây cả nhà đã quen với cảnh đấy, con bé cũng đã gần 3 tuổi, ngoan lắm. Tối thứ sáu nào cũng ngóng mẹ về mới chịu đi ngủ”, Kiều kể.
Tôi thắc mắc với Kiều:
- Động lực nào khiến cô tình nguyện ở lại khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở đây?.
Cô thật lòng nói:
- Em đã quen với sự khó, sự khổ ở đây rồi. 2 năm gắn bó, thấu hiểu từng hoàn cảnh, không biết từ lúc nào, họ đã thân thiết, gần gũi như gia đình. Em thương bọn trẻ lắm! Không thương sao được khi nhìn cảnh mùa đông tuyết đóng đá ngoài sân, vậy mà bọn trẻ mặc mỗi chiếc áo mỏng manh, không quần, không dép đến lớp. Bữa ăn chỉ có cơm trộn mì chính. Nhiều hôm, có đứa đau ốm, cô hỏi, bố mẹ chúng chỉ bảo “kệ nó tự khỏi thôi!”.
Bọn trẻ của cô không chỉ đói ăn, đói mặc, đói chữ mà còn đói tất cả...
Còn cô Dương, nghe nói không cho người yêu lên thăm vì sợ thấy mình khổ thì lo lắng. Tối tối, cơm nước xong, 3 cô 3 góc với ánh sáng le lói phát ra từ chiếc điện thoại di dộng, vội vàng ngồi soạn bài, vào danh sách lớp điểm xem còn thiếu cháu nào chưa ra lớp hôm nay... làm xong bao nhiêu việc mà đồng hồ mới 7 giờ tối.
Khó khăn là thế nhưng các cô vẫn cùng nhau vượt qua, không chỉ quãng đường đến trường, đời sống thiếu thốn, mà còn vượt qua những hủ tục, đến từng nhà vận động các gia đình cho con em đi học.
Ở đây, với nhiều gia đình việc cho con tới trường là không cần thiết!
(Còn nữa)
Bài 3: “Mở tương lai” cho những đứa trẻ vùng cao