Con gái A Rem rất có giá
Bản người A Rem nằm giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẽ Bàng (Quảng Bình). Ngôi làng của người A Rem lọt thỏm trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.
Sau 55 năm được phát hiện với tổng số người chỉ trên dưới 100 nhân khẩu, đến nay, cuộc sống của người dân A Rem xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có nhiều thay đổi, để hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nét văn hóa lạ lẫm.
Đàn bà được đi nhậu thoải mái, trong khi đó, đàn ông trông nom công việc nhà, phục vụ, chăm sóc khi vợ… say. Tộc người này không lấy người ngoài dân tộc mình, nên con gái A Rem rất có giá. Thế nên mới có chuyện trong số 54 dân tộc của nước ta, hiếm có dân tộc nào lại thích đẻ con gái như người A Rem. Ai sinh được nữ nhi là cả bản mở tiệc ăn mừng.
Những đứa trẻ A Rem ở Tân Trạch. Ảnh T.M |
Theo lý giải của ông Đinh Rầu, Chủ tịch xã: “Khi con trai sang làm lễ “bỏ của” nhà con gái, nếu gia đình nhà gái nhận thì người này sẽ được coi là vợ luôn. Người A Rem thích sinh con gái hơn con trai, thậm chí trong gia đình, họ còn có quyền hành hơn đàn ông. Mỗi khi các mế, các cô trong bản uống rượu, đàn ông phải ra khỏi nhà. Họ không được uống rượu chung mâm, ngồi chung bàn tiệc với phụ nữ. Còn nếu người đó không ra khỏi nhà thì phải phục vụ cho những người đàn bà ở đó uống rượu”.
Trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ riêng người chồng mà ngay cả gia đình chồng cũng phải e dè với những cô con dâu. Bởi nếu để họ phật ý bỏ về nhà mẹ đẻ, gia đình chồng sẽ bị phạt “lỉnh kỉnh” thứ.
Khi rơi vào hoàn cảnh này, phía nhà chồng phải chuẩn bị 3 con gà trống, 3 hũ rượu ngon và 2 triệu đồng làm quà cho nhà gái để xin lại vợ. Nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi. Nhà trai không đủ tiền thì khất nợ và sau đó, chú rể phải đến làm việc cho nhà cậu cô dâu trả nợ. Hóa ra, phụ nữ A Rem có một cái quyền được coi là thượng tôn.
Ông Nguyễn Trí Sỹ chia sẻ các tập tục, văn hóa của người A Rem với PV. Ảnh: T.M |
Ông Đinh Rầu cho biết tiếp: “Đây là những bản sắc riêng của người A Rem từ khi còn sống trong hang đá. Người phụ nữ ở đây rất được coi trọng, họ có những thứ đặc quyền nhất định.
Người A Rem bao đời nay hễ nhà nào sinh con gái thì rất vui sướng, làm gà, mổ lợn, nấu rượu mở tiệc ăn mừng. Con gái được xem là tài sản quý của dòng họ. Việc cưới xin ở đây cũng khá độc đáo, lễ "bỏ của" bên nhà gái do cậu ruột (em hoặc anh trai của mẹ cô dâu - PV) quyết định và hưởng trọn vẹn quà lễ, bố mẹ của cô gái không được gì”.
Không phải câu chuyện một sớm một chiều
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Trí Sỹ, Bí thư xã Tân Trạch cũng không giấu giếm: “Cũng như các dân tộc khác của Việt Nam, tộc người A Rem có khá nhiều lễ cúng bái. Họ chẳng những cúng ma nhà (tổ tiên) mà còn cúng cả ma rừng.
Mang trong mình nhiều nét văn hóa đặc sắc, lạ lẫm, tuy nhiên, vì ít tiếp xúc với cuộc sống văn mình nên ở đây vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm lạc hậu. Chính quyền cũng thường xuyên phối hợp với các thầy cô giáo vùng xuôi lên công tác ở đây tổ chức tuyên truyền, vận động bà con hủy bỏ những tập tục trên. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm, một chiều”.
Nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng già Trường Sơn, nhờ những tấm lòng thơm thảo từ khắp mọi miền Tổ quốc, người A Rem hôm nay không còn sống kiểu “ăn lông ở lỗ” như mấy mươi năm về trước, nhưng cuộc chiến chống đói nghèo, mù chữ vẫn còn gian nan lắm…