Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Hành động ngay trước khi quá muộn

GD&TĐ - Theo thông tin tại buổi tọa đàm về chất lượng không khí ở Hà Nội do Đại sứ quán Mỹ tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, hiện nay mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đứng thứ hai trong các thủ đô ở khu vực Đông Nam Á. Phóng viên Báo GD&TĐ đã trao đổi TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) xoay quanh vấn đề này.

Ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông chiếm 60%. Ảnh: VH
Ô nhiễm khí thải từ phương tiện giao thông chiếm 60%. Ảnh: VH

Mức ô nhiễm đáng lo ngại

- Theo ông, chất lượng không khí của Hà Nội cách đây 10 năm so với bây giờ có khác nhau nhiều không?

Theo tôi, rõ ràng là so với 10 năm trước thì chất lượng không khí của Thủ đô bây giờ tồi hơn. Người dân nào cũng có thể dễ dàng nhận biết. Nếu so với năm 2008, Thủ đô không có nhiều khu nhà cao tầng, khu đô thị, nhiều đường như bây giờ. Quá trình đô thị hóa đã khiến cho không khí ở Thủ đô ngàn năm tuổi bị ô nhiễm.

- Ông đánh giá thế nào về chỉ số không khí hiện nay của Hà Nội?

Chất lượng không khí được đánh giá qua các chỉ số. Hiện nay, đối với Hà Nội và một số nước ở châu Á vấn đề e ngại nhất là bụi mịn PM2.5, là hạt bụi nhỏ đường kính 2,5 micro, nhỏ hơn 1/30 sợi tóc. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá bụi này gây nguy hiểm nhất đối với sức khỏe của con người.

Thực tế mấy năm qua, chất lượng không khí ở Hà Nội cũng đã ở mức đáng lo ngại. Đặc biệt, có một số ngày, một số tháng trong mùa đông hoặc những ngày đầu năm, thời cao điểm, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt quá quy chuẩn cho phép. Mức độ ô nhiễm thay đổi dao động trong những tháng, mùa trong năm, trong ngày.

Những tháng mùa hè, do gió, do mưa, do các điều kiện khí hậu, hiện tượng thời tiết thì nó có thể giảm bớt. Nhưng trong những tháng mùa đông, nhiệt độ, gió, độ ẩm, sương mù cũng là nguyên nhân làm tăng ô nhiễm không khí.

Để dễ hiểu, người ta chia chỉ số ô nhiễm ra làm nhiều mức với nhiều màu như: Màu xanh là tốt nhất, màu vàng là còn được nhưng màu da cam, màu đỏ là đã đến mức gây ảnh hưởng sức khỏe. Một số ngày đầu tháng 4 này Hà Nội đang ở mức đỏ, trong tháng 2, 3 cũng có. Đây là mức ô nhiễm đáng lo ngại.

Người dân ra đường có thói quen sử dụng khẩu trang chống bụi. Ảnh: VH
Người dân ra đường có thói quen sử dụng khẩu trang chống bụi. Ảnh: VH 

- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho không khí Hà Nội ở mức đáng lo ngại như vậy?

Nguồn ô nhiễm không khí hiện nay được người ta đề cập nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, thứ nhất phải kể đến nguyên do khí thải từ các phương tiện giao thông.

Theo một số dự báo, lượng ô nhiễm từ các phương tiện giao thông hiện chiếm khoảng 60%. Số lượng ô tô, xe máy tăng nhiều mà chưa có biện pháp hạn chế. Đa số xe máy không bảo trì thường xuyên, kiểm định định kỳ như ô tô.

Thứ hai, là từ các công trình xây dựng không che chắn, gây bụi. Thứ ba, do các nhà máy, khu chế xuất, công nghiệp, các làng nghề tái chế nhựa, tái chế giấy thủ công gây nên.

Nói chung, Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên có rất nhiều làng nghề như thế hàng ngày, hàng giờ đang thải ra môi trường nhiều loại khí độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Ngoài ra, việc đốt rác cũng là nguyên nhân. Nhiều khi dân ta cứ tự gom, rồi tự đốt, gây khói bụi mù mịt, nhất là ở các khu ngoại thành Hà Nội.

Chung tay hành động

- Một số thông tin đưa ra chỉ số mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đứng thứ hai trong số các thủ đô Đông Nam Á, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Hành động ngay trước khi quá muộn ảnh 2Ông Dương Hoàng Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: INT
Hiện nay, đối với Hà Nội và một số nước ở châu Á vấn đề e ngại nhất là bụi mịn PM2.5, là hạt bụi nhỏ đường kính 2,5 micro, nhỏ hơn 1/30 sợi tóc. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá bụi này gây nguy hiểm nhất đối với sức khỏe của con người.

Cũng có một số nguồn tin nói ô nhiễm không khí của Thủ đô Hà Nội đang ở mức như vậy và hiện nay đang có bàn luận về vấn đề này.

Theo tôi, chúng ta phải hết sức cẩn trọng trước những đánh giá này. Tôi không biết người ta dựa vào những yếu tố, chỉ số nào để đánh giá và đưa ra mức độ ô nhiễm như thế.

Song, vấn đề quan trọng không phải hạng một hay hai mà là chỉ số chất lượng của ta đang ở đâu và người ta đã, đang và sẽ làm gì để cải thiện môi trường không khí.

- Từng là nhà quản lý, nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ môi trường, theo ông, giải pháp nào giảm thiểu mức độ ô nhiễm tại Hà Nội?

Trước thực tế chất lượng không khí kém đi các cơ quan chức năng đã bàn việc hạn chế xe máy, nâng tiêu chuẩn xe ô tô, xe máy mới.

Thế rồi cũng đã sử dụng xăng sinh học, thay thế xăng 92. Đồng thời, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xây cầu vượt ở nhiều nơi, tránh ùn tắc ở các ngã ba, ngã tư để giảm khí thải. Đèn giao thông hiện thời gian đèn đỏ để người ta còn biết để tắt máy nếu quá 20 giây chờ đợi.

Thành phố đang xây dựng hệ thống tàu điện trên cao cho người dân đi lại như tuyến Cát Linh - Hà Đông, Kim Mã - Nhổn. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng các bếp than tổ ong, có chiến dịch thu gom rơm rạ của người nông dân, thu gom xử lí rác để hạn chế đốt. Các công trình xây dựng người ta cũng phun nước để giảm bụi.

Tuy nhiên, có thể nói chúng ta vẫn chưa thật cương quyết làm đến nơi đến chốn, triển khai các giải pháp chậm, vẫn còn nhiều nơi vi phạm nên kết quả giảm thiểu ô nhiễm không khí vẫn còn rất khiêm tốn.

Mấy năm gần đây, chính quyền của TP Bắc Kinh cũng áp dụng rất nhiều biện pháp tốt, cương quyết, qua các số liệu mang lại thì chất lượng không khí của Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể.

Hà Nội thì chưa đến mức như Bắc Kinh nhưng vẫn phải hành động ngay trước khi quá muộn. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như ý thức của mỗi người dân Thủ đô để giữ cho Hà Nội xanh - sạch - đẹp.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.