Ô nhiễm không khí gây tử vong cho hàng triệu người

GD&TĐ - Mỗi năm, ô nhiễm không khí gây tử vong cho 800.000 người châu Âu và 8,8 triệu người trên thế giới - đó là thông báo của các nhà khoa học ở thành phố Mainz (Đức). Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy trong phần lớn trường hợp, ô nhiễm có liên quan đến các bệnh về hệ tuần hoàn.

Ô nhiễm không khí gây tử vong cho hàng triệu người

Các kết quả công bố cho thấy, số lượng các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở châu Âu có thể cao hơn gấp 2 lần so với ước tính trước đây. Sử dụng mô hình mới, các nhà khoa học thấy rằng vào năm 2015 có khoảng 790.000 người chết vì ô nhiễm không khí, trong đó có 659.000 người tại 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Từ 40% đến 80% những trường hợp đó có liên quan đến các bệnh về hệ tuần hoàn.

Trên thế giới, con số tử vong hằng năm vì ô nhiễm không khí có thể lên tới 8,8 triệu người. “Điều đó có nghĩa là ô nhiễm không khí làm chết nhiều người hơn là hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, hút thuốc lá dẫn đến cái chết của 7,3 triệu người mỗi năm” - GS Thomas Munzel ở Trung tâm Y tế ĐH Mainz cho biết – “Hút thuốc lá có thể tránh được, nhưng ô nhiễm không khí thì không”.

Tính trên toàn thế giới, mỗi năm có trung bình 120/100.000 trường hợp tử vong vì ô nhiễm không khí. Tại châu Âu nói chung và EU nói riêng, do chỉ số ô nhiễm lớn và mật độ dân số cao, những con số này lần lượt là 133 và 129. Số lượng tử vong tính trên 100.000 dân đạt mức cao tại các quốc gia như Bulgaria, Romunia và Ukraina (vượt mức 200 trường hợp tử vong). Các tác giả công trình nghiên cứu khẳng định việc đó không chỉ liên quan đến ô nhiễm không khí mà còn liên quan đến chất lượng chăm sóc y tế.

Các tác giả công trình nghiên cứu đã xem xét tất cả các mô hình và yếu tố khả dĩ, mô tả ảnh hưởng của các quá trình hóa học trong khí quyển. Họ để ý đến sự ô nhiễm liên quan đến năng lượng, giao thông, công nghiệp và nông nghiệp. Để đánh giá nguyên nhân cái chết, họ sử dụng các dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về các yếu tố nguy cơ như mật độ dân số, tuổi đời… Đặc biệt họ chú ý đến các dữ liệu liên quan đến bụi lơ lửng PM2,5 và ozon.

Các nhà nghiên cứu ở Mainz nhấn mạnh rằng, những hạt bụi PM2,5 là tác nhân lớn nhất gây bệnh về hệ tuần hoàn và hệ hô hấp.

“Mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và các căn bệnh về hệ tuần hoàn và hệ hô hấp đã được biết rõ. Ô nhiễm không khí phá hủy các mạch máu, dẫn đến các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, đau tim” - Giáo sư Jos Lelievski ở Viện Nghiên cứu Hóa học Max Planck ở Mainz cho biết – “Phần lớn không khí ô nhiễm ở châu Âu có nguồn gốc từ việc đốt các nhiên liệu mỏ. Do vậy, chúng ta phải tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch”.
Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ