Ô nhiễm kéo dài ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh): Lo cho tương lai thế hệ trẻ

GD&TĐ - Tình trạng ô nhiễm tại hai làng nghề Mẫn Xá và Quan Độ của xã Văn Môn diễn ra trong nhiều năm. Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án thành lập Cụm khu công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện dự án bị chậm do gặp nhiều khó khăn đã khiến mục tiêu kinh doanh, sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của địa phương này vẫn dang dở và cần sớm được     tháo gỡ.

Ô nhiễm kéo dài ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh): Lo cho tương lai thế hệ trẻ

Khổ nhất việc học của trẻ

Những người dân thôn Mẫn Xá đang phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường từ nghề tái chế nhôm. Ông Mẫn Văn Tán, Trưởng thôn Mẫn Xá cho biết: Thôn có khoảng 900 hộ dân, trong đó hơn 300 hộ trực tiếp tham gia vào nghề tái chế nhôm, sản xuất chi tiết máy, chì và khoảng 50 hộ chuyên thu mua, vận chuyển vật liệu, phế liệu.

Thu nhập của người dân từ nghề này rất cao, người làm thuê có mức tiền công bình quân từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày, còn các hộ sở hữu lò đốt, tái chế nhôm thì thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. “Trả giá cho việc này là không khí, nguồn nước bị ô nhiễm. Các hộ chủ yếu sản xuất theo quy mô tự phát, hộ gia đình nên việc kiểm soát ô nhiễm không được chú trọng. Khắp ngõ ngách trong thôn, đâu đâu cũng xuất hiện làn khói mờ trắng (từ dầu nấu nhôm) và mùi khét từ quá trình tái chế nhôm. Nếu giờ vì ô nhiễm mà bỏ nghề thì người dân cũng không biết lấy gì để sống”, ông Tán ngậm ngùi.

Trung bình một năm các hộ trong thôn Mẫn Xá tái chế khoảng 10.000 tấn nhôm phế thải và một ngày một hộ làm nghề đun đúc từ 200 - 300 kg bột nhôm. Trong đó, phải dùng bột chì để kéo lấy bột nhôm, tính trung bình 1 ngày, thôn Mẫn Xá sử dụng khoảng trên dưới 1 tấn bột chì.

Do thiếu công nghệ xử lý chất thải, diện tích chứa chất thải không đủ nên phế thải trong quá trình sản xuất, chủ yếu là xỉ nhôm đều được đưa ra ngoài tự nhiên. Theo số liệu của UBND xã Văn Môn, mỗi ngày, các cơ sở tái chế thải ra môi trường hơn 3 tấn tro xỉ. Hiện lượng tro xỉ phế thải đã tràn ngập trên đường và các cánh đồng của xã, hàng ngày, hàng giờ ngấm xuống đất.

Nằm ngay sát thôn Mẫn Xá là thôn Quan Độ với nghề chuyên thu gom, tái chế phế liệu. Hàng ngày, phế liệu được người dân mua về, tập kết bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, giáp ranh với huyện Đông Anh (TP Hà Nội) rồi tiến hành đốt lấy kim loại. Nhiều loại phế thải không thể tái chế cũng được đốt, nên khói, bụi bay sang các xã Vân Hà và Thụy Lâm (huyện Đông Anh).

Anh Nguyễn Tu Đô, 37 tuổi, người dân thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm cho biết: mỗi khi bên thôn Quan Độ đốt phế liệu, khói đen bốc lên cao, theo gió bay vào nhà ảnh hưởng cuộc sống người dân. các cửa sổ, cửa nhà hiếm khi dám mở. Khổ nhất là việc học của các cháu. Ở nhà hay ở trường đều bị ô nhiễm. Đến người lớn cũng không chịu được, cứ ra ngoài là phải đeo kính, bịt khẩu trang. Anh Đô cũng chia sẻ, dù đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền xã Văn Môn, nhưng tình trạng trên vẫn không giảm là bao.

Đẩy nhanh tiến độ, xử phạt vi phạm

Năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá với tổng vốn đầu tư hơn 44 tỉ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục: Hệ thống xử lý nước thải công suất 1.800 - 2.000m3/ngày đêm; xây dựng bãi tập kết và trung chuyển rác thải sản xuất, sinh hoạt với công suất khoảng 30 - 40 tấn/ngày đêm; lắp đặt hệ thống xử lý nước - khí - bùn thải…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phê duyệt dự án CCN làng nghề Mẫn Xá do Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka làm nhà đầu tư với diện tích khoảng 27ha, vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là tạo điều kiện để thu hút, di dời các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong các làng nghề vào khu sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án đều chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Quang Nam, Chánh Văn phòng huyện Yên Phong cho biết: Các dự án chậm triển khai chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Khi bắt đầu triển khai quy hoạch dự án, Hội đồng bồi thường huyện đã tiến hành bồi thường GPMB cho trên 90% các hộ dân tại các thôn Mẫn Xá, Tiền Thôn và Phù Xá.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ dự án, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư đưa vào xây dựng sớm một số hạng mục để kịp thời phục vụ các hộ sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân còn lại tại 3 thôn đồng thuận việc đền bù. Huyện cũng sẽ có phương án cưỡng chế đối với các hộ dân không chấp hành theo quy định của pháp luật.

Đối với diện tích đất đã thực hiện đền bù tại dự án CCN làng nghề Mẫn Xá, theo chỉ đạo của tỉnh, huyện đã sớm hoàn tất các thủ tục bàn giao đất cho nhà đầu tư và thực hiện cắm chỉ giới không để xảy ra tình trạng người dân đổ rác thải, cũng như có phương án xử lý tại chỗ với lượng tro xỉ đang nằm trong khu vực dự án.

“Huyện sẽ có chế tài xử phạt mạnh các hành vi cố tình vi phạm. Ngoài ra, chúng tôi đã và đang phối hợp với lực lượng công an huyện, xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp đổ, đốt phế liệu tại khu vực thôn Quan Độ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong và ngoài huyện”, ông Nam thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.