Nhà báo Emma Jane Kirby của hãng BBC đã quyết định đến tìm hiểu phương thức hoạt động của nhà tù Halden, đồng thời gặp gỡ các quản ngục – những người được đào tạo trở thành hình mẫu lý tưởng cho các tù nhân.
“Được rồi, hãy khép ngón chân cái lại và ngả người ra phía sau”, một cô giáo Yoga nhiệt tình hướng dẫn khoảng 20 học viên đặc biệt. Họ đều là những tù nhân bị giam tại Halden, từng phạm tội giết người, hiếp dâm và buôn ma túy.
Cùng với quản giáo, họ chăm chú tập luyện trên những tấm thảm cao su được trải trên bãi cỏ xanh mướt dưới ánh nắng Mặt trời. “Yoga giúp họ bình tĩnh hơn. Chúng tôi không muốn sự tức giận hay bạo lực xuất hiện ở nơi này”, ông Are Hoidal, Giám đốc nhà tù Halden chia sẻ.
Và tất nhiên, số tiền đánh đổi lấy sự yên bình này không hề ít. Tù nhân sẽ phải đóng khoảng 98.000 Bảng Anh (hơn 2,8 tỷ đồng) chi phí sinh hoạt mỗi năm. Trong khi ở Anh, chi phí sinh hoạt hàng năm tại các nhà tù hạng A chỉ khoảng 40.000 – 50.000 Bảng Anh.
Một viên quản giáo chạy xe tay ga màu bạc đến tiếp đón nhà báo Kirby và ông Hoidal. Theo sau anh là hai phạm nhân chạy bộ chậm rãi.
Phản ứng trước bộ mặt ngỡ ngàng của nữ nhà báo, ông Hoidal nói: “Đây được gọi là an ninh linh hoạt. Quản giáo và tù nhân luôn đồng hành cùng nhau trong mọi hoạt động. Chúng tôi ăn cùng nhau, chơi cầu lông, tham gia các hoạt động giải trí và thoải mái tương tác với nhau, chúng tôi cũng thường trò chuyện và động viên họ”.
Phòng cầu nguyện bên trong nhà tù. Ảnh: BBC
Bắt đầu sự nghiệp quản giáo tại trung tâm cải tạo Na Uy vào những năm 1980, ông Hoidal chia sẻ trải nghiệm nhà tù thời đó khác xa với hiện nay.
“Nó vô cùng khó khăn. Đó là một nền văn hóa đầy uy lực, chỉ tập trung vào việc canh gác và an ninh. Thế nhưng tỷ lệ tái phạm lại đến 60-70% như ở Mỹ”.
Nhưng từ thập niên 1990, trung tâm cải tạo Na Uy đã cải cách lại mô hình nhà tù, bỏ chính sách trừng phạt, thay vào đó là cách tiếp cận giúp họ dễ tái hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân trước đây phần lớn thời gian bị giam giữ cả ngày, nhưng hiện được cung cấp các chương trình giáo dục và đào tạo thường nhật. Vai trò của quản giáo cũng được thay đổi hoàn toàn.
“Không còn mô hình canh gác. Chúng tôi là nhân viên nhà tù và dĩ nhiên chúng tôi phải có nhiệm vụ đảm bảo các tù nhân hoàn thành bản án, giúp họ trở thành những người tốt hơn.
Chúng tôi trở thành những tấm gương, là huấn luyện viên, là người tư vấn. Sau khi cải tạo mô hình giam giữ, tỷ lệ tái phạm tại Na Uy giảm xuống 20% sau 2 năm và 25% sau 5 năm. Mô hình này thực sự hiệu quả”, ông Hoidal cho biết.
Kiến trúc của nhà tù Halden cũng được thiết kế nhằm làm giảm bớt cảm giác bị giam giữ cho các tù nhân, giúp họ tránh những căng thẳng về mặt tâm lý, hòa hợp với thiên nhiên xung quanh. Trên thực tế, nhà tù đã đầu tư 138 triệu Bảng Anh để xây dựng và đã giành được một số giải thưởng thiết kế cho sự tối giản, sang trọng.
Phòng sinh hoạt chung ấm cúng, tiện nghi. Ảnh: BBC
Nằm giữa rừng thông và bạch dương tuyệt đẹp, các dãy nhà hai tầng và những căn nhà gỗ khang trang đã tạo ra khuôn viên trông giống như một trường đại học hiện đại chứ không phải là một nhà tù. Bức tường bê tông cao 7 mét bao quanh Halden hoàn toàn không gắn dây thép gai hay hàng rào điện.
Những chiếc camera an ninh được giấu rất kín để giảm thiểu cảm giác tù nhân bị theo dõi. Ngoài ra, nhà tù còn gắn máy cảm biến theo dõi chuyển động của tù nhân vào tường để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, theo ông Hoidal, tại đây chưa từng người muốn vượt ngục vì đơn giản cuộc sống ở đây quá thoải mái.
Mỗi tù nhân có phòng giam riêng đi kèm nhà vệ sinh, tủ lạnh, bàn ghế, TV màn hình phẳng và cửa sổ nhìn hướng ra khu rừng. Tại phòng sinh hoạt chung, họ có thể thư giãn trên những chiếc sofa sang trọng và nấu ăn tại một căn bếp nhỏ.
Nhìn chung, nơi đây giống một khu nghỉ dưỡng hơn là nhà tù an ninh cao cấp bậc nhất Na Uy.
Phòng giam của phạm nhân. Ảnh: BBC
Ông Hoidal nói: “Ở Na Uy, hình phạt chỉ là tước đi quyền tự do của ai đó, còn các quyền khác vẫn tồn tại. Các tù nhân vẫn có thể đi bỏ phiếu, họ có thể đến trường, được chăm sóc sức khỏe và họ có mọi quyền như những công dân khác. Khi họ mắc sai lầm, họ phải bị trừng phạt nhưng suy cho cùng tù nhân vẫn là một con người”.
Với ý tưởng mang lại cảm giác bình yên để phạm nhân có thể dễ dàng hòa nhập, không bỡ ngỡ và mặc cảm, tại Halden, họ được đi làm theo giờ hành chính, được nghỉ trưa và được học nghề. Rất nhiều người sau khi ra tù đã có chứng chỉ hành nghề cơ khí, thợ mộc và đầu bếp.
Phạm nhân được học nghề trong tù. Ảnh: BBC
“Chúng tôi bắt đầu kế hoạch thả họ ngay từ ngày đầu tiên họ vào tù. Tại Na Uy, mọi tù nhân đều được thả”. Bản án tối đa ở Na Uy là 21 năm và không có khái niệm tù chung thân ở đây.
Các tù nhân có khu vực sinh hoạt riêng để gia đình tới thăm nuôi 3 tháng/ lần. “Nếu tù nhân bị đối xử như động vật, khi thả ra, họ có thể hành xử như động vật”, ông Hoidal nói.
Phạm nhân Fredrik đang hoàn thiện thiết kế bìa trước của cuốn sách nấu ăn. Bị kết án 15 năm tù giam vì tội giết người, Fredrik tâm sự ông đã bị chấn thương tâm lý vì những tội lỗi mà mình đã gây ra.
Sau khi được đưa đi trị liệu, với tấm bằng cao đẳng, ông đang làm công việc thiết kế đồ họa trong tù. Fredrik tự tin rằng ông đang sử dụng thời gian một cách hợp lý để phục vụ cho tương lai phía trước.
Bị giam giữ trong tù có lẽ là điều đáng sợ nhất đối với nhiều người, nhưng tại Na Uy dường như tội ác sẽ được trả giá bằng những đạo luật rất nhân đạo và văn minh, và có lẽ đây chính là cơ hội cuối cùng mà chính phủ nước này trao cho những ai muốn làm lại cuộc đời.