Chung tay “thay áo” mới cho ngôi trường
Một buổi chiều, bất chợt ghé vào Trường Tiểu học Đại Tâm 1, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), tôi không khỏi phấn khích khi bắt gặp hình ảnh thầy hiệu trưởng Lâm Kim Mến loay hoay cắt tỉa lại chậu hoa hồng thiên hương đang khoe sắc. Thoảng trong cơn gió chiều se lạnh là mùi hương ngào ngạt của rất nhiều loại hoa, nào là Trâm ổi, Nguyệt quế, Lài tây… đang hòa quyện trong sân trường.
Thấy tôi đi từ trầm trồ đến ngạc nhiên vì chỉ thời gian ngắn quay trở lại, mà khuôn viên trường thay đổi lạ, thầy Mến cười tươi nói: “Đây là kết quả của quá trình thực hiện phong trào “Chung tay thay áo mới cho ngôi trường” do huyện phát động đó. Tôi rất tâm đắc việc thay áo mới này, vì nó làm diện mạo nhà trường thay đổi tốt đẹp hơn. Cái mà tôi hài lòng hơn nữa, chính là sự ngoan ngoãn, đáng yêu của học trò; dạy bảo chúng rất biết nghe lời, vì vậy bất chợt các bạn đến trường xem, không có nơi nào xả rác bừa bãi, mà mọi thứ đều sạch đẹp, gọn gàng”.
Đó là một trong vô số những điều mà thầy Lâm Kim Mến đã làm được để ngôi Trường Tiểu học Đại Tâm 1 đạt chuẩn quốc gia và dần tiến lên mức độ 2. Không chỉ vậy, hai ngôi trường tiểu học còn lại trong xã là Đại Tâm 2 và Đại Tâm 3, cũng đều đã trở thành trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ở đơn vị nào cũng có dấu ấn của thầy, bởi ở mỗi ngôi trường, thầy Mến đều có khoảng 10 năm công tác.
Hơn 40 năm gắn bó cùng sự nghiệp giáo dục thì có đến 37 năm thầy giữ cương vị hiệu trưởng. Dù phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng thầy vẫn luôn lạc quan và cống hiến hết mình, không chỉ với mong muốn gửi gắm con chữ đến với trẻ trong địa bàn, mà thầy còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở mức độ ngày càng cao.
Đặc biệt, từ khi thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản thân thầy cũng như cả tập thể sư phạm nơi đây không ngừng ra sức thi đua học tập, lao động sáng tạo.
Thầy Lâm Kim Mến quan tâm chăm sóc hoa kiểng trong nhà trường |
Với thầy, người cán bộ quản lý phải thật sự là đầu tàu gương mẫu trong mọi phong trào. Đặc biệt, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên. Đồng thời, phải xây dựng một tập thể đoàn kết thống nhất, để cùng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Sự gương mẫu đi đầu đó đã được thể hiện trong việc học tập, trau dồi nâng cao trình độ về mọi mặt. Dù đã lớn tuổi, nhưng bằng sự năng động và ham học hỏi, thầy Mến sử dụng công nghệ thông tin một cách thành thạo, dễ dàng trao đổi bài giảng cùng những tài liệu cần thiết cho giáo viên.
Nhà trường cũng đã thành lập website để giới thiệu các thông tin của đơn vị mà thầy đảm trách. Không chỉ gương mẫu trong học tập, thầy còn hăng hái tham gia các phong trào do đơn vị phát động. Chẳng hạn, những lần đoàn thể thực hiện công việc vệ sinh cơ quan, thầy Mến cũng tích cực cầm chổi quét sân như một thành viên bình thường của nhà trường.
Để cảnh quan càng thêm đẹp, thầy vận động mua các loại hoa đem về trồng, rồi thầy tỉ mỉ chăm sóc, cắt tỉa. Từ một ít đó, giờ thầy đã nhân lên đến gần 120 chậu, để sân trường luôn tỏa ngát hương. Mỗi buổi chiều, sau giờ dạy, thầy và các giáo viên còn tham gia chơi thể thao, phần vì yêu thích nhưng cái chính là để rèn luyện sức khỏe và khích lệ phong trào cho các anh chị em cùng tham gia.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Mến chân tình cho biết, còn không đầy 1 năm nữa là đến tuổi về hưu nhưng với thầy, ngày nào còn làm việc là phải làm tròn trách nhiệm, làm sao cho thật xứng đáng với vị trí của mình, chứ không thể mang tâm lý “thôi kệ” được. Vì vậy, mà vị hiệu trưởng ấy luôn được mọi người tin yêu, kính trọng.
Phát huy tinh thần trách nhiệm
Có thể nói, để nâng cao chất lượng mọi mặt cho một ngôi trường thì vai trò của người hiệu trưởng là vô cùng quan trọng. Họ phải gánh vác rất nhiều trọng trách, trong đó, sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm luôn đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Cũng vì lẽ đó, mà năm học 2017 - 2018 vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đưa ra chủ đề “Phát huy tinh thần trách nhiệm của hiệu trưởng trong quản lý nhà trường”,cùng với phương châm cán bộ quản lý phải “Dân chủ trong lãnh đạo, trách nhiệm trong quản lý, sáng tạo trong điều hành, sâu sát trong kiểm tra” và đối với giáo viên thì phải có “Tác phong chuẩn mực, tận tụy yêu nghề, trách nhiệm công việc, tích cực tự học”, với mong muốn đạt kết quả tốt các mục tiêu ngành đề ra, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 Khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bày tỏ sự tâm đắc của mình đối với chủ đề năm học này, thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Khởi, ở đơn vị Cù Lao Dung bày tỏ: “Phải khẳng định rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng đã đưa ra một chủ trương rất đúng đắn và rất kịp thời. Bởi thực tế trong thời gian qua, không chỉ có hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, mà cả hiệu trưởng cũng có người ngồi nhầm chỗ”.
Gắn bó với ngành Giáo dục Cù Lao Dung đã gần 25 năm, trong đó có 10 năm là Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 2A (năm học này, thầy vừa được điều chuyển về Trường Tiểu học An Thạnh 1B, xã An Thạnh 1), thầy Khởi cũng nếm trải không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả khi vùng cù lao sông nước ngày xưa thiếu thốn mọi bề.
Xuất phát điểm của ngôi trường ngày ấy chỉ là tre lá tạm bợ nhưng với lòng nhiệt huyết, thầy cùng tập thể sư phạm nhà trường từng bước xây dựng, đưa Trường Tiểu học An Thạnh 2A đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” 5 năm liền (2011 - 2016). Bản thân thầy cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, thầy vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
Trường Tiểu học An Thạnh 2A đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, có sự đóng góp không nhỏ của thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Khởi |
Chia sẻ về những việc đã làm, thầy Nguyễn Quốc Khởi cho biết, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị rất lớn và nặng nề. Hiệu trưởng cũng giống như người thuyền trưởng, là con chim đầu đàn, người xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá, khen thưởng động viên khích lệ, đồng thời phải thật sự sâu sát, gần gũi, chia sẻ với đồng nghiệp, đó là yêu cầu về những kỹ năng, năng lực cần có của một hiệu trưởng.
Không chỉ có vậy, với thầy, then chốt dẫn đến sự thành công là phải làm cho tập thể nhà trường thật sự đoàn kết, thống nhất ý chí, trên cơ sở ấy mà tích cực học tập, tự giác rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn loại bỏ những hình thức giáo dục lạc hậu.
Với suy nghĩ đó, thầy tiếp tục cống hiến hết sức mình, làm tốt trách nhiệm khi được phân công tại đơn vị mới. “Người hiệu trưởng cần phải nhận biết rõ đổi mới giáo dục, đổi mới nhà trường và đổi mới bản thân mình để cống hiến tốt là một việc làm rất vinh quang. Tuy nhiên, điều đó không phải dễ dàng vì nề nếp, hệ thống quản lý chưa kịp đổi mới, thói quen cũ đang tồn tại rất nặng nề, tồn tại ngay trong bản thân của mỗi người trong đơn vị” - thầy tâm sự.
Có lẽ, đôi “quang gánh” trên vai của từng vị hiệu trưởng sẽ bớt nặng nề hơn, khi họ đặt vào đó tất cả những nỗ lực và tâm huyết của mình, xứng đáng là những thủ lĩnh có tâm, có tầm, có tài, góp phần quyết định sự thành công trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.