Ở đâu, ăn Tết ở đấy?

GD&TĐ - Theo âm lịch, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay ở Trung Quốc bắt đầu từ 31/1/2022.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thông lệ hàng năm, người dân Trung Quốc sẽ bước vào kì Xuân vận - cuộc di chuyển quy mô lớn nhất toàn cầu - kéo dài khoảng 40 ngày trước và sau Tết. Áp lực với ngành giao thông vận tải của đất nước tỉ dân là vô cùng lớn khi ước tính có thời điểm lượng lượt người đi - về đã lên tới con số 3 tỉ trong thời gian này.

Nhưng đấy là chuyện của thời chưa có Covid-19.

Gần đến Tết âm lịch năm nay, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị của Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi người dân ở đâu ăn Tết ở đấy, không về quê nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron.

Một quận ở tỉnh Hà Bắc - địa phương có điểm tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2022 - đã kêu gọi công chức, viên chức và đảng viên “nêu gương” bằng cách ăn Tết tại chỗ thay vì về quê, tránh di chuyển không cần thiết. Họ cũng khuyến khích người dân thuyết phục người thân ở nước ngoài hay từ những khu vực có nguy cơ lây nhiễm trung bình và cao trong nước không về quê đón Tết.

Thành phố Bằng Tường (Quảng Tây) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, đồng thời yêu cầu thực hiện “10 nhất loạt”, theo đó, các nhà hàng, cửa hiệu vận động nhân viên ở lại ăn Tết tại địa phương và chúc Tết online. Cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử phạt, thậm chí đình chỉ kinh doanh.

Tới thời điểm này, chính phủ Trung Quốc chưa có thông báo chính thức về việc có cho người dân đi lại dịp Tết hay không. Nhưng những lời kêu gọi không về quê ăn Tết như ở trên đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt những người làm ăn xa quê. Báo chí Trung Quốc cũng đã bắt đầu đề cập nội dung này, chủ yếu xoáy vào câu hỏi: Liệu có phải ăn Tết tại chỗ hay không?

Đề cập câu hỏi này, ông Hồ Tích Tiến - Tổng Biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu - cho rằng, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc là nơi có quyền quyết định người dân nên ăn Tết ra sao và mỗi địa phương sẽ có chính sách cụ thể tùy theo tình hình dịch bệnh.

Trong khi đó, một số chuyên gia y tế lại cho rằng, người dân có thể về quê đón Tết bình thường dù chưa thể dập tắt hoàn toàn Covid-19. Cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để quyết định có nên cho người dân về quê ăn Tết hay không.

Cho dù áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ dòng người xuất - nhập cảnh, kiên định theo đuổi chính sách “zero Covid-19” và có đến 76% trong tổng số 1,4 tỉ người đã tiêm đầy đủ, Trung Quốc vẫn không dập tắt được Covid-19. Các ca bệnh lẻ tẻ vẫn được ghi nhận ở nhiều nơi trên khắp cả nước.

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron – với tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều - được coi là liều thuốc tăng cường, thách thức những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu Trung Quốc ngắm tới không chỉ là giữ vững thành quả đã đạt được khi cái Tết đang cận kề, mà còn hơn thế, là bảo đảm sự an toàn cho những sự kiện tầm cỡ sắp tới như Olympic mùa Đông 2022.

Bởi vậy, câu trả lời xem “ăn Tết ở quê” hay “ở đâu, ăn Tết ở đấy” đang phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực kiểm soát Covid-19 của chính phủ và người dân Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.
HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.