Nuôi dưỡng sự sáng tạo

GD&TĐ - Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều đã có những khả năng riêng như một bản năng có sẵn. Tuy nhiên, nếu trẻ được nuôi dưỡng sự sáng tạo đúng cách theo các phương pháp giáo dục tích cực, trẻ sẽ phát triển toàn diện. 

Nuôi dưỡng sự sáng tạo

Vì vậy, các phụ huynh nên để con trẻ tiếp nhận kiến thức khoa học ngay từ lứa tuổi mầm non. Điều này sẽ giúp con xây dựng nhận thức một cách tự nhiên và cơ bản nhất.

Vì sao trẻ hay tò mò

Các cuộc trắc nghiệm và thống kê cho thấy, những trẻ hay tò mò thường được đánh giá là những trẻ biết lắng nghe và đối thoại tốt. Trong các cuộc gặp gỡ giao tiếp, trẻ thường có xu hướng nói về sở trường hoặc sở thích của bản thân.

Các trẻ có óc tò mò, có xu hướng mong muốn chia sẻ các sở thích và có khám phá, sáng tạo riêng. Chính vì vậy, trẻ thường dễ mang niềm vui và sự mới lạ vào mối quan hệ giao tiếp trong bạn bè.Từ óc tò mò về thế giới tự nhiên, trẻ dễ dàng phát triển sang thế giới xã hội.

Tuy nhiên những trẻ này hay bị người lớn phàn nàn về sự hiếu động của mình. Chị Phương Nga, khu đô thị Văn Khê, Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ những băn khoăn: Con chị mới 3 tuổi, cháu rất thích nói chuyện và khám phá mọi đồ vật xung quanh.

Mỗi khi đi chơi cháu hay tự mình sờ mó, thậm chí nghịch ngợm bất cứ thứ gì con cảm thấy mới lạ. Bởi vậy, nếu người lớn lơ là một chút, chị lại sợ con có thể không an toàn. Để phòng ngừa những bất trắc ở nhà chị thường cất cao mọi thứ khỏi tầm với của con. Còn đi ra ngoài lúc nào chị cũng phải trông chừng dắt tay con cẩn thận.

Rõ ràng với những trẻ có xu hướng thích khám phá, các bố mẹ vất vả hơn trong cách dạy dỗ quản lý con so với những em bé khác. Song nếu biết cách tìm hiểu suy nghĩ và hướng dẫn con, chúng sẽ là những đứa trẻ thông minh, sớm có khả năng thích ứng tốt.

Cùng trẻ khám phá

Biên tập viên truyền hình Minh Trang, người sáng lập một kênh thông tin chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm dành cho các bố mẹ có con từ 0 - 6 tuổi cho biết: Để nuôi dưỡng sự sáng tạo,trí tò mò ham hiểu biết cho con, bố mẹ nên cho con thời gian, cơ hội để tự quan sát, nhận định, khám phá.

Đối với các bạn nhỏ, thế giới xung quanh từ cái máy bay, ô tô cho tới cái túi lưới đựng hoa quả hoặc lõi giấy vệ sinh… đều có sức hấp dẫn và mời gọi trí tò mò khám phá như nhau.

Việc người lớn yên lặng, đứng bên ngoài, cho con thời gian để trẻ được tự mình khám phá bằng đôi mắt, đôi tay, được sờ mó, cảm nhận, rồi tự rút ra cho mình những nhận định… sẽ giúp các con có được trải nghiệm thật nhất, sung sướng và say mê nhất.

Biên tập viên Minh Trang, cho biết: “Người lớn vì đã biết trước, nên thường áp đặt những hiểu biết và kiến thức trong khuôn khổ ấy vào các bạn nhỏ.

Thay vì đưa một món đồ chơi, đồ dùng cùng hướng dẫn chi tiết về cách chơi/dùng, tôi thường đưa nó vào tay các bạn nhỏ, để các bạn ấy tự do mân mê, khám phá, xem bóc ra như thế nào, lắp pin vào ở đâu, làm sao để cho nó hoạt động, cách dùng, cách chơi như thế nào…”.

Thay vì trả lời ngay các câu hỏi, các bố mẹ hãy đặt lại các câu hỏi gợi mở hoặc đưa ra các gợi ý. Điều này vừa giúp phụ huynh có thêm thời gian để suy nghĩ cách trả lời hợp lý, dễ hiểu, vừa giúp bé có cơ hội tự vận động và đưa lại các cách hiểu của bản thân.

Với một bạn nhỏ hay thắc mắc về mọi điều, thứ tối kỵ là những câu của bố mẹ như: “Sao con hỏi nhiều thế”, “Cái này trẻ con không cần biết để làm gì” hoặc “Lớn lên con sẽ hiểu”…

Để làm được điều đó, chính bố mẹ mới là người phải rèn luyện nhiều hơn: Luyện khả năng kiên trì với chính bản thân mình, kiên nhẫn chờ đợi và quan sát con tìm hiểu.

Sự tò mò của trẻ về con người và thế giới xung quanh có thể làm cho cuộc sống xã hội của trẻ trở nên phong phú hơn. Nếu trẻ thể hiện sự quan tâm đến những gì ai đó nói và duy trì được nhiều sở thích, trẻ sẽ tự xây dựng cho mình các mối quan hệ tình bạn phong phú sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.