Nhưng cũng không vô lý một tẹo nào, bởi những người gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre vẫn nuôi dưỡng tinh thần hồn nhiên bằng cây tre làng.
Tỉ mỉ chuồn chuồn tre
Những ngày gần Tết Trung thu ở Thạch Xá (Thạch Thất – Hà Nội) rất nhộn nhịp. Ông Vũ Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Thạch Xá cho biết, trong xóm Chùa (sau chùa Tây Phương) có nghề làm chuồn chuồn tre nên người kinh doanh các tỉnh đến lấy hàng cho dịp Trung thu.
Đó là nghề truyền thống của xóm Chùa đã vang danh khắp năm châu bốn bể. Vào các dịp lễ tết, nghệ nhân nơi đây phải tăng ca suốt đêm để làm ra những con chuồn chuồn thật đẹp mắt.
Và trong những xưởng chế tác chuồn chuồn, tiếng cưa đục, tiếng cười nói í ới của đám thợ trẻ như pha trộn với những sắc màu sặc sỡ của những cánh chuồn chuồn tre đang được tô điểm. Nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến tham quan nghề dân gian, đến khách nước ngoài cũng tấm tắc cầm những chú chuồn chuồn lên ngắm nghía.
Nhiều người nghĩ không mấy khó khăn để làm được những chú chuồn chuồn bé xíu bằng tre. Thế nhưng thực tế không đơn giản, quá trình làm ra một con chuồn chuồn tre phải trải qua hơn 10 công đoạn rắc rối.
Để sản phẩm thích ứng với thị trường, suốt gần 30 năm người Thạch Xá phải học hỏi khắp nơi. Sản phẩm làm ra phải bền - đẹp, và trong một khoảng thời gian nhất định làm được càng nhiều sản phẩm càng tốt.
Theo nghệ nhân Đỗ Văn Liên, các quy trình làm ra chuồn chuồn rất phức tạp. Ban đầu phải tìm được cây tre thích hợp. Sau đó phơi khô, cưa chặt để tạo thân chuồn chuồn. “Tre phải được chẻ theo kích thước quy định sẵn thành các bộ phận. Trong đó đầu – thân - đuôi được làm từ một đoạn tre. Riêng phần thân phải là từ mấu tre”, ông Liên cho hay.
Sau khi đã hoàn thiện các bộ phận, người thợ sẽ khoan hai lỗ nhỏ bên thân. Vuốt đuôi, hơ mỏ để tạo hình cong ở phần đầu con chuồn chuồn. Phần cánh phải vót mỏng, mài đầu và lắp ghép thành chuồn chuồn mộc.
Để chuồn chuồn đạt được độ cân bằng, nghệ nhân phải đặt mỏ lên một cây que. Nếu chuồn chuồn nghiêng lệch thì người thợ lại tiếp tục căn chỉnh sao cho thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân. “Làm được một con chuồn chuồn tre cũng vất vả. Thợ phải rất kiên trì và tỉ mỉ trong từng chi tiết, đặc biệt là các công đoạn khó như đo, vẽ, lắp ghép các mảnh tre”, ông Liên cho biết.
Sau khi chuồn chuồn tre đã đạt tiêu chuẩn, họa sĩ làng nghề sẽ trang trí các hoa văn, họa tiết bằng một loại sơn mỏng và nhẹ. Dù có nhiều mẫu hoa văn trên thị trường nhưng người địa phương luôn tự sáng tác, vì họ muốn tạo điểm nhấn cho chuồn chuồn quê hương.
Chuồn chuồn tre xuất ngoại
Chuồn chuồn được tạo ra với nhiều kích thước khác nhau, có loại nhỏ chỉ dài khoảng 7cm, có loại lớn có thể dài đến 15cm. Giá bán mỗi con chuồn chuồn khá rẻ, chỉ từ 5 - 10 nghìn đồng tùy vào kích thước. Có những con to như cây chuối được tỉa tót trang trí công phu thì có giá tới vài trăm nghìn đồng.
Theo ông Vũ Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Thạch Xá, gia đình nào đã không theo nghề thì thôi. Hộ nào đã làm nghề thì cả gia đình đều tham gia làm chuồn chuồn. Công đoạn khó như chọn tre, cưa cắt, phơi sấy, đo đạc do người bố đảm nhận. Vót, khoan, tỉa do người mẹ thi công, các thành viên còn lại tham gia lắp ghép, dán keo, tô màu.
Ở Thạch Xá, nghệ nhân làm chuồn chuồn tre nổi tiếng phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Tái. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở xóm Chùa gắn bó với nghề này. Khi ấy, chuồn chuồn tre là mặt hàng mới du nhập về địa phương nên chẳng mấy ai quan tâm. Mỗi lần qua chùa Tây Phương, thấy bọn trẻ thi nhau bắt chuồn chuồn bên sườn núi Câu Lâu, đã khiến ông Tái nghĩ ngay đến nghề mà nhiều người chưa mấy mặn mà.
Vậy là ông Tái tìm cho mình một lối đi riêng. Ngoài học cách làm chuồn chuồn ở địa phương, ông còn đến nhiều nơi khác. Những con chuồn chuồn do ông làm ra đẹp hơn thật. Màu sơn bền mấy năm không phai, dù làm bằng tre nhưng dáng điệu lại thanh thoát.
Khi đã có tiếng, ông Tái bắt đầu mở xưởng sản xuất với số lượng lớn. Giữ nghề làm hàng thủ công, nuôi dưỡng tinh thần hồn nhiên của trẻ nhỏ nên xóm Chùa chẳng mấy đã nổi tiếng. Không chỉ có khách hàng nội địa, nhiều công ty nước ngoài cũng hợp tác với xóm Chùa sản xuất chuồn chuồn tre.
Vào dịp Quốc tế Thiếu nhi hay Tết Trung thu, lượng hàng mà Thạch Xá bán ra rất lớn. Ước tính, mỗi hộ sản xuất không dưới 10 nghìn con chuồn chuồn tre. Để có được số lượng lớn sản phẩm theo đơn đặt hàng, các gia đình phải thuê thêm nhân công là những thợ lành nghề. Theo các nghệ nhân, người làm nhanh có thể hoàn thiện vài chục con chuồn chuồn trong vòng 8 tiếng.
Hiện nay, ngoài việc làm chuồn chuồn tre, người dân Thạch Xá còn khéo léo sản xuất ra những con vật thân thuộc với trẻ nhỏ, như: Chim, rùa, sóc, chuột… tạo sự đa dạng trong các sản phẩm truyền thống dành cho trẻ nhỏ.