Nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện thu trăm triệu mỗi năm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều hộ dân xã Trung Sơn phát triển kinh tế bằng cách nuôi cá lồng, cho thu nhập ổn định, thoát nghèo...

 Nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện

Tận dụng lợi thế có sông Mã chảy qua, đặc biệt từ khi Nhà máy thủy điện Trung Sơn đi vào hoạt động, nhiều hộ dân ở xã Trung Sơn (huyện Quan Hoá, Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi cá lồng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Hướng thoát nghèo

Là một trong những hộ tiên phong trong phong trào nuôi cá lồng ở hồ thuỷ điện Trung Sơn, giờ đây, sau 2 năm, gia đình anh Đinh Công Chức (xã Trung Sơn) đã có hơn 10 lồng nuôi cá, chủ yếu là cá trắm cỏ, lăng đen… Mỗi năm thu nhập của gia đình anh Chức từ việc nuôi cá lồng từ 100 – 150 triệu đồng.

Anh Chức cho biết, ban đầu nuôi, gia đình anh được Hội cựu chiến binh hướng dẫn kỹ thuật nuôi cũng như hướng vay vốn đầu tư. “Sau 2 năm thực hiện thấy rằng nuôi cá lồng cho thu nhập rất ổn định”, anh Chức nói.

Cũng như gia đình anh Chức, hộ anh Phạm Bá Ảnh là một trong những hộ dân tái định cư đến sống ven lòng hồ thuỷ điện. Ban đầu, gia đình anh Ảnh chỉ nuôi cá để cải thiện bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, sau đó, anh nhận thấy đây chính là hướng để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, anh Ảnh đã bắt tay vào việc đầu tư lồng để nuôi.

Nhiều hộ dân xã Trung Sơn đã phát triển kinh tế bằng cách nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện.

Nhiều hộ dân xã Trung Sơn đã phát triển kinh tế bằng cách nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện.

“Lúc đầu khó khăn chưa có vốn thì mình dùng luồng, tre để làm lồng, sau này bán được cá mình đã sử dụng khung sắt để thoáng hơn, cá sinh trưởng nhanh hơn. Cá nuôi được ổn định giá cả và đầu ra nên bà con rất phấn khởi.

Bà con chúng tôi tới đây sẽ không dừng lại việc chỉ nuôi những loại cá đơn thuần như trắm, trôi, mà sẽ hướng đến những con cá thương phẩm khác có giá trị lớn hơn”, anh Ảnh chia sẻ.

Từ năm 2019 đến nay, toàn xã Trung Sơn đã có 42 hộ tham gia với trên 70 lồng cá. Có gia đình đầu tư nuôi từ 4-5 lồng, chủ yếu các loại cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa, dốc, ké… sản lượng trung bình hàng năm đạt 8,6 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng thu hoạch cá lồng hồ thuỷ điện đã đạt hơn 10 tấn cá các loại.

Ban đầu bà con nuôi cá chỉ là tự phát, cải thiện bữa ăn hằng ngày sau đó phát triển thành mô hình.

Ban đầu bà con nuôi cá chỉ là tự phát, cải thiện bữa ăn hằng ngày sau đó phát triển thành mô hình.

Ông Phạm Bá Khuyến, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trung Sơn cho biết, với mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ tái định cư ven hồ thuỷ điện, Hội đã thành lập câu lạc bộ nuôi cá lồng cùng người dân phát triển kinh tế, vận động hội viên tham gia và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho nhau. Hội cũng hướng dẫn làm thủ tục vay ngân hàng cho các hộ.

Cũng theo ông Khuyến, việc nuôi cá lồng bước đầu đã có hiệu quả, nâng cao đời sống của bà con, giải quyết việc làm cho nhiều người dân miền núi.

Chính quyền đồng hành cùng bà con làm kinh tế

Ông Ngô Sỹ Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn cho biết, để người dân có vốn đầu tư, xã đã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách - xã hội huyện cho các hộ dân vay. Đến nay, số tiền các hộ vay đã lên đến 800 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng.

Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân, như: Ứng phó với biến đổi khí hậu; kỹ thuật đóng lồng nuôi bằng lưới quây thay cho cách đóng lồng bằng tre, luồng truyền thống; cách chăm sóc, thu hoạch cá...

Chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi và thủ tục vay vốn để đầu tư ban đầu.

Chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi và thủ tục vay vốn để đầu tư ban đầu.

“Hiện nay cá đang phát triển tốt, sản phẩm cá được bán trong và ngoài huyện mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Theo tính toán, bình quân 1 hộ chăn nuôi cá lồng cho thu nhập 65 triệu đồng/năm”, ông Tâm cho biết thêm.

Bí thư Đảng uỷ xã Trung Sơn cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ phát triển hơn nữa mô hình nuôi cá lồng, nâng cấp từ câu lạc bộ nuôi cá lên hợp tác xã; tiếp tục vận động nhân dân phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới sản phẩm cá theo tiêu chuẩn VietGAP; ưu tiên các nguồn vay từ Ngân hàng chính sách - xã hội để bà con có vốn đầu tư nuôi cá lồng…

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá cũng cho biết, mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thuỷ điện là hướng đi mới của bà con huyện miền núi Quan Hoá, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

“Huyện rất quan tâm đến mô hình này, có cả nghị quyết về phát triển một số mô hình nông nghiệp trong đó có mô hình phát triển nuôi cá lồng ở lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn. Huyện uỷ ban hành Nghị quyết, uỷ ban xây dựng kế hoạch, phối hợp với ngân hàng chính sách, hỗ trợ cho bà con vay vốn để đầu tư ban đầu.

Bên cạnh đó, tới đây chúng tôi sẽ lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo để đưa mô hình này sử dụng vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển nhân rộng. Đồng thời, hướng tới việc thành lập hợp tác xã để bà con xã viên đầu tư nuôi trồng liên kết với nhau, liên kết với các đơn vị bên ngoài để tìm đầu ra”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ