Nước Mỹ chuẩn bị sẵn kịch bản vỡ nợ

GD&TĐ - Đến ngày 23/5, các cuộc đàm phán nâng trần nợ công để tránh nước Mỹ bị vỡ nợ vẫn chưa đi tới hồi kết trong khi hạn chót vào ngày 1/6 đang đến gần.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đến ngày 23/5, các cuộc đàm phán nâng trần nợ công để tránh nước Mỹ bị vỡ nợ vẫn chưa đi tới hồi kết trong khi hạn chót vào ngày 1/6 đang đến gần, khiến các ngân hàng buộc phải chuẩn bị sẵn cho tình huống lịch sử này.

Ngoài các ngân hàng lớn, các nhà quản lý tài sản trên Phố Wall, trung tâm tài chính của nước Mỹ và toàn cầu, cũng đang ráo riết chuẩn bị các kịch bản ứng phó nếu một vụ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ xảy ra.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nếu trần nợ công 31.400 tỷ USD không được nâng lên thì Chính phủ Mỹ sẽ không thể trả được các nghĩa vụ nợ của mình sau ngày 1/6.

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ sẽ lần đầu tiên rơi vào cảnh vỡ nợ kể từ thời lập quốc, dẫn đến những tiền lệ xấu chưa từng có. Từ nay đến cột mốc 1/6 chỉ còn 1 tuần cho những nỗ lực đàm phán cuối cùng giữa chính phủ của Tổng thống Joe Biden thuộc phe Dân chủ với lãnh đạo hạ viện thuộc phe Cộng hòa.

Khung thời gian cho thỏa thuận còn quá ngắn, trong khi các cuộc đàm phán vẫn chưa có tiến triển tích cực để đạt được thỏa hiệp về nâng trần nợ công, đang khiến nhiều chủ ngân hàng nước Mỹ lo lắng và thôi thúc họ thực hiện các động thái chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.

Sau cuộc họp mới nhất ngày 22/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ cùng Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa tiếp tục không đạt được một thỏa thuận về nâng trần nợ công.

Giám đốc điều hành ngân hàng Citigroup là Jane Fraser đánh giá các cuộc tranh luận về vấn đề này hiện không những không được cải thiện mà còn đáng lo ngại hơn so với những lần trước.

Do đó, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase & Co là Jamie Dimon thông báo, các ngân hàng trên Phố Wall đang triệu tập các cuộc họp hàng tuần về các tác động và ảnh hưởng có thể xảy ra của một vụ vỡ nợ.

Trước mắt, các ngân hàng, nhà môi giới và nền tảng giao dịch lớn của Mỹ đang chuẩn bị cho sự gián đoạn thị trường kho bạc, cũng như sự biến động rộng lớn hơn của thị trường tài chính.

Việc chuẩn bị bao gồm lập kế hoạch về cách xử lý các khoản thanh toán chứng khoán kho bạc, cũng như dự đoán cách các thị trường tài trợ quan trọng sẽ phản ứng trước một vụ vỡ nợ.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính trên Phố Wall cũng cần đảm bảo đủ công nghệ, năng lực nhân sự và tiền mặt để xử lý khối lượng giao dịch cao trong khi chú trọng việc kiểm tra tác động tiềm năng đối với hợp đồng với khách hàng.

Các nhà đầu tư trái phiếu lớn đã cảnh báo rằng việc duy trì mức thanh khoản cao là rất quan trọng trong việc chống lại các biến động giá tài sản mạnh khi chính phủ vỡ nợ.

Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán Mỹ (SIFMA) thậm chí đã ban hành hướng dẫn chi tiết các bên liên quan trên thị trường kho bạc như Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, FICC (Công ty Thanh toán Bù trừ Thu nhập Cố định) và các ngân hàng những cách thức giao tiếp trước và trong những ngày các khoản thanh toán trái phiếu có khả năng bị bỏ lỡ vì vỡ nợ chính phủ.

Theo các chuyên gia tài chính, dù những kịch bản cụ thể đã được vạch ra cho tình huống nước Mỹ vỡ nợ thì đây vẫn là điều vô cùng khó khăn với nền kinh tế vì chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Tuy nhiên, với diễn biến đàm phán hiện tại, các ngân hàng và tổ chức tài chính Mỹ không còn cách nào khác phải xây dựng sẵn các kế hoạch hành động để vượt qua những gián đoạn của sự kiện này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ