Nước Mỹ chờ đợi gì ở năm 2015?

GD&TĐ - Khó có thể dự đoán những gì đang ở phía trước. Ai có thể khẳng định 1 năm trước rằng Crưm sẽ sáp nhập vào Nga, giá dầu tụt dốc kỷ lục và “Nhà nước Hồi giáo” (IS) lại hoành hành đến vậy?
Nước Mỹ chờ đợi gì ở năm 2015?

Tuy nhiên, tất cả những gì đã và đang diễn ra đều có căn nguyên của nó. Theo logic ấy, chúng ta thử đi tìm những gì đang chờ đợi nước Mỹ vào năm 2015.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng: Clinton và Bush?

Vào mùa xuân năm nay những ứng cử viên chính thức chạy đua vào Nhà Trắng sẽ được công bố. Đảng Dân chủ đề nghị ứng cử viên Hillary Clinton đưa ra kế hoạch tranh cử ngay vào đầu tháng 1/2015. Với đảng cầm quyền của nước Mỹ, chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng sau bao giờ cũng khó.

Vào thời điểm hiện tại, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chưa công bố ý định tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khả năng ra tranh cử của Clinton là rất lớn. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa lần này có tới cả chục người, tuy nhiên, theo kết quả điều tra xã hội học, đại diện của đảng này sẽ là Jeb Bush. Cách đây chưa lâu, Jeb Bush tuyên bố rằng ông đang “cân nhắc một cách nghiêm túc” về điều này. Theo các nhà phân tích, khả năng Hillary Clinton sẽ chống lại Jeb Bush trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 là rất có thể.

Quan hệ Mỹ - Cuba đi về đâu?

Ngày 17/12/2014, Cuba và Mỹ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, chấm dứt hơn nửa thế kỷ thù địch. Chính quyền Barack Obama cho rằng, nhiều năm cấm vận kinh tế Cuba không thể làm thay đổi chính quyền Castro, giờ là lúc chính sách của Mỹ với Habana phải thay đổi. Tuy nhiên, không ít thành viên đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ chống phá quyết định này. Theo các nhà phân tích, năm 2015 sẽ là năm bản lề xác định liệu quan hệ Mỹ -Cuba có tốt lên.

Chiến lược “xoay trục về châu Á” có thành hiện thực?

Vào cuối năm 2011, chính quyền Obama tuyên bố chiến lược “xoay trục về châu Á”. Nhà Trắng lên kế hoạch tập trung nhiều tiềm lực hơn nữa cả về quân sự, kinh tế, ngoại giao cho vùng này. Bước đi đầu tiên của Mỹ là tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và đạt được thỏa thuận tăng cường thêm 2.000 thủy quân lục chiến ở Australia. Tuy nhiên, sau hàng loạt các cuộc thăm viếng cấp cao, Washington lại quyết định dồn lực vào giải quyết những xung đột ở Trung Đông và Ukraine. Kết cục, chính Nga mới là người “xoay trục về châu Á” sau khi ký với Trung Quốc bản hợp đồng khí đốt kéo dài tới 30 năm.

Cuộc chiến với IS sẽ giành thắng lợi?

“Nhóm khủng bố IS sẽ suy yếu và cuối cùng sẽ bị tiêu diệt” - Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố tại Đại hội đồng LHQ ngày 24/9/2014 như vậy. Những hành động tàn bạo của IS trong năm qua khiến cả thế giới căm phẫn. Vừa rút quân khỏi Iraq, Mỹ đã phải trở lại nước này để thành lập liên minh chống lại IS. Chỉ từ tháng 8/2014 đến nay, chi phí cho cuộc chiến chống IS đã lên tới trên 1 tỷ USD. Những người lạc quan cho rằng IS sẽ bị chặn đứng, tuy nhiên, những người theo trường phái bi quan khẳng định, chỉ tấn công từ trên không là chưa đủ. Cuộc chiến chống IS cần có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là người Sunni.

Đạt được thỏa thuận với Iran?

Thời hạn cuối cùng để đạt được thỏa thuận toàn diện với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ đã phải lùi tới 2 lần. Hạn chót mới nhất được công bố là tháng 7/2015. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khó có thể đạt được hạn chót vào tháng 7 tới. Tehran vẫn khăng khăng cho rằng, việc làm giàu uranium trên lãnh thổ Iran là quyền bất khả xâm phạm của họ. Không ít người cho rằng Tehran làm như vậy là trì hoãn thời gian, “né” các đòn trừng phạt để đảm bảo thành công chương trình hạt nhân của họ.