Nước mắt của mẹ

GD&TĐ - 26 năm đã trôi qua, nhưng những ngày nhận được tin dữ người con trai đầu đã hi sinh trong trận hải chiến trên hòn đảo Gạc Ma vẫn còn in đậm trong tâm trí bà Lê Thị Lương (Đội 9, xã Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Kỷ vật thiêng liêng còn lại của liệt sỹ Lê Đình Thơ là Bằng Tổ quốc ghi công được bà Lương cất giữ cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Kỷ vật thiêng liêng còn lại của liệt sỹ Lê Đình Thơ là Bằng Tổ quốc ghi công được bà Lương cất giữ cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Lời hứa còn dang dở

Chúng tôi trở lại thăm gia đình liệt sỹ Lê Đình Thơ (SN 1957), một trong 64 chiến sỹ đã hi sinh trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988. 

Ngôi nhà cũ nằm bên trong con ngõ nhỏ, bà Lương đang ngồi tuốt từng cọng rơm để tết chổi cho người con trai thứ hai đi bán mong kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đôi lưng còng xuống, bà tất bật ra mở cửa mời chúng tôi vào nhà. 

Gần đến ngày 27/7, ngôi nhà thường xuyên có người ghé thăm hơn. Đó là những bạn bè, đồng đội, người thân đến dâng hương tưởng nhớ liệt sỹ Lê Đình Thơ. 

Những ngày này, bà Lương lại nhớ thương con trai nhiều hơn. Trên khuôn mặt bà hiện rõ nỗi niềm khắc khoải và trong đôi mắt hõm sâu có lẽ đã cạn khô nước mắt vì khóc thương, mong ngóng con.

Nhắc đến anh, đôi vai gầy của bà chợt rung lên, những giọt nước mắt lại trào ra không kìm được. Bà Lương kể: Bà sinh được 4 người con, 2 con trai và 2 con gái. Liệt sỹ Lê Đình Thơ là con đầu trong gia đình. 

Liệt sỹ Thơ vốn là người hiền lành và tốt bụng nên luôn được mọi người trong làng yêu quý. Chồng bà đi làm xa rồi lấy vợ khác, bà Lương ở nhà một mình nuôi con nên cuộc sống vô cùng vất vả. 

Tuổi thơ của liệt sỹ Lê Đình Thơ là những tháng ngày vất vả cùng mẹ lo cho các em. Năm 17 tuổi khi anh đang học cuối lớp 7 (Tháng 3/1975), anh đã xung phong đi bộ đội. 

Năm 28 tuổi anh xây dựng gia đình với chị Xuân Thị Thái - Người cùng đơn vị. Hai vợ chồng anh khó khăn lắm mới sinh được cô con gái là Lê Thị Thủy.

Đầu năm 1988, sau khi ăn Tết, anh được đơn vị cho nghỉ phép, tuy còn một ngày nữa mới hết phép nhưng anh đã xung phong đi ra đảo Gạc Ma. 

Bà Lương nghẹn ngào kể: Trước đây, nhà nghèo lắm chỉ có nhà tranh vách đất, quanh năm dột nát. Thương mẹ, trước khi đi anh có nhắn về với mẹ là sau khi làm xong nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma trở về anh sẽ về thăm gia đình và sẽ lợp lại mái nhà tranh cho mẹ. Vậy mà, chỉ cách vài ngày sau mẹ lại nhận được tin anh đã hi sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma và không tìm thấy thi thể.

Khi chưa nhận được giấy báo tử mẹ vẫn hi vọng, mong chờ một phép màu là anh đang sống sót ở một nơi nào đó. Nhưng chờ đợi mãi, nước mắt mẹ đã cạn khô vì khóc thương nhớ con. 

Mỗi lần nhìn ảnh anh, mẹ lại uất nghẹn, xót xa. Điều mà mẹ luôn đau đáu không nguôi là đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt của anh. 

Trên bàn thờ, kỷ vật duy nhất còn lại là tấm hình của anh. Gia đình khó khăn, đến xây một ngôi mộ gió tại quê hương cho anh cũng không thể làm được.

Bà Lương cho biết: Gia đình khó khăn, anh con trai thứ hai thì ốm đau thường xuyên. Để xây một ngôi mộ gió phải làm nhiều thủ tục, nên lúc đó gia đình cũng không có điều kiện để làm. 

Năm 2011, gia đình có nhận được thông báo của Nhà nước về việc xây dựng “Tượng đài Cam Ranh” để tưởng niệm các liệt sỹ hi sinh vì hòa bình. 

Trong tượng đài có ghi danh vào bia tưởng niệm cho liệt sỹ Lê Đình Thơ, nhưng đó chỉ là ngôi mộ tưởng niệm không có hài cốt. Rồi vì hoàn cảnh nên gia đình cũng không ai vào viếng thăm được.

Niềm an ủi của mẹ

Dù đã 26 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến anh bà Lê Thị Lương lại không kìm được nước mắt. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
 Dù đã 26 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến anh bà Lê Thị Lương lại không kìm được nước mắt. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Liệt sỹ Lê Đình Thơ hy sinh ngày 14/3/1988. Khi đó con gái liệt sỹ mới tròn 9 tháng tuổi, vợ liệt sỹ vì thương nhớ chồng cũng bị suy nhược và mất vào tháng 11/1988. 

Nỗi đau nhân đôi, bà Lương lại bồng bế cháu về quê nuôi nấng. Như để bù đắp sự mất mát, bà dành hết tình yêu thương cho cháu gái.

Bà tâm sự: Nuôi con thì dễ, nuôi cháu thì khó. Thủy là giọt máu duy nhất của con để lại, bà phải chăm sóc cẩn thận để con yên lòng. Những lúc cháu ốm, sốt cao bà thức trắng đêm không ngủ, lo cho cháu lại nhớ đến con nhiều hơn. 

Bây giờ tôi cũng đã yên tâm hơn vì thấy cháu Thủy đã trưởng thành, ổn định gia đình. Nối tiếp con đường bố mẹ đang đi dở, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ Địa chất, Lê Thị Thủy được nhận vào làm việc tại Đoàn 6.

Anh Lê Đình Bài - Em trai của liệt sỹ Thơ - cũng nghẹn ngào nhớ lại: Tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm ngày xưa khi hai anh em còn nhỏ. Vì gia đình khó khăn nên hai anh em thường phải đi bắt cá về để bán lấy tiền cải thiện cuộc sống. 

Lớn lên anh đã xung phong đi bộ đội, anh em không có điều kiện gặp gỡ nhau. Khi anh hi sinh, tôi cũng không thể gặp mặt được. Nếu tìm thấy hài cốt của anh tôi, gia đình cũng được an ủi phần nào. Thế nhưng, đã bao nhiêu năm trôi qua gia đình vẫn luôn khắc khoải, chờ đợi và nỗi đau như vẫn nguyên vẹn.

“Mỗi khi xem ti vi nhìn thấy các chiến sỹ đang đứng canh giữ đảo Trường Sa, lòng tôi lại đau như xát muối. Nhớ đến con và nơi con đã và đang nằm lại nhưng mẹ lại không thể một lần đến để thăm. 

Những ngày gần đây tôi nghe nói đến việc Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 vào quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tôi lo lắm! 

Nơi đó, con tôi và nhiều đồng chí của con tôi đã hi sinh để bảo vệ. Mong sao thế hệ các cháu có thể giữ vững được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, để những người đã nằm lại nơi đó yên nghỉ” – Bà Lương xúc động nói.

Trong hành trình tri ân những người có công nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa, Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa đến dâng hương cho liệt sỹ Lê Đình Thơ tại đội 9 (xã Hoằng Minh). 

Tại gia đình liệt sỹ Lê Đình Thơ, đoàn công tác đã trò chuyện, thăm hỏi, động viên và trao quà cho mẹ liệt sỹ là bà Lê Thị Lương. “Sự hi sinh của liệt sỹ Lê Đình Thơ là một mất mát, đau thương của gia đình. Tuy nhiên, tôi cũng tự hào vì con đã hi sinh để bảo vệ biển đảo Việt Nam” – Bà Lương tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ