Nước lụt vừa rút, Đà Nẵng lại chuẩn bị ứng phó với mưa lớn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau trận lụt vừa qua, TP Đà Nẵng lại khẩn trương ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất...

Mưa lớn gây ngập tại một số tuyến đường ở Đà Nẵng hôm 13/10. (Ảnh: Hoàng Vinh)
Mưa lớn gây ngập tại một số tuyến đường ở Đà Nẵng hôm 13/10. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Ngày 16/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã có công điện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất khu vực thành phố.

Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ 16/10 đến 18/10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 350mm. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Từ 16/10 đến 19/10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên thượng nguồn sông Vu Gia đạt từ 3 - 6m, hạ lưu đạt từ 1 - 2m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 1 đến trên báo động 2, trên các sông thuộc Đà Nẵng ở mức báo động 2.

Hiện trên biển đang tồn tại vùng áp thấp. Hồi 7h ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,5-14,5 độ Vĩ Bắc; 111,5-112,5 độ Kinh Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị tiếp tục theo dõi các bản tin thời tiết, chú ý đề phòng mưa lũ lớn, tiếp tục rà soát các khu dân cư đang ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Triển khai phương án sơ tán Nhân dân, nhất là tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất,…

Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn người dân và phương tiện đi lại, du lịch tự phát, đánh bắt thủy sản trên sông, suối, ao, hồ, tại các vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm, quản lý và bảo vệ trẻ em trong những ngày mưa lũ để đảm bảo an toàn.

Ban Chỉ huy cũng nghị Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại trong ngành Giáo dục và đào tạo, đảm bảo việc dạy và học trở lại bình thường. Tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tại các khu vực nguy hiểm, ngập lụt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ