Nước lũ dâng ngập nóc, trường học Nghệ An hối hả sơ tán

GD&TĐ - Mưa lớn liên tục gây ngập lụt, sạt lở trên diện rộng, nhiều địa phương tại Nghệ An cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho học sinh đón trẻ sớm và di dời đồ dùng, thiết bị học tập đến nơi cao ráo, an toàn "tránh lũ". Ảnh: NTCC.
Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho học sinh đón trẻ sớm và di dời đồ dùng, thiết bị học tập đến nơi cao ráo, an toàn "tránh lũ". Ảnh: NTCC.

Đồng thời khẩn trương sơ tán thiết bị, máy móc… nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà trường.

Nhà trọ ngập, học sinh được sơ tán vào trường

Từ đêm 26 đến ngày 27/9, mưa lớn liên tục diễn ra tại huyện Quỳ Châu, Nghệ An khiến nhiều xã trên địa bàn bị ngập lụt trên diện rộng, các tuyến đường sạt lở, giao thông chia cắt.

Tại thị trấn Tân Lạc, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao, hàng loạt nhà dân ngập sâu hàng mét, có nơi nước đã chạm nóc nhà. Trong đó, các dãy nhà mà học sinh Trường THPT Quỳ Châu đang thuê trọ phần lớn ở vị trí thấp bị nước lũ tràn vào cuốn trôi sách vở, quần áo, đồ dùng sinh hoạt học tập.

Nhiều nơi tại huyện Quỳ Châu, Nghệ An ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: NVCC.

Nhiều nơi tại huyện Quỳ Châu, Nghệ An ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: NVCC.

Trước tình thế này, Trường THPT Quỳ Châu đã đưa toàn bộ học sinh ở trọ bên ngoài vào ở tạm trong trường để đảm bảo an toàn. Đồng thời kêu gọi tại chỗ các tấm lòng hảo tâm ủng hộ quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt cho các em ở tạm.

Lãnh đạo nhà trường cho hay, do tình hình mưa lũ phức tạp, nước dâng quá nhanh và ngập sâu nên học sinh ở tạm trú không kịp chuyển dọn đồ đạc cá nhân. Toàn bộ sách vở và quần áo các em đều bị trôi hết.

Trước mắt, Ban giám hiệu đã quyết định đưa hơn 40 em có nhà trọ bị ngập sơ tán vào trường. Từ sáng và trưa nay, nhà trường và căng tin của thầy Văn (giáo viên của trường – PV) đã phục vụ ăn uống miễn phí cho các em.

Nhiều nơi tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An nước ngập sâu chạm nóc nhà, nước lũ tràn vào các khu nhà trọ của học sinh cuốn trôi và làm ướt quần áo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt. Ảnh: NVCC.

Nhiều nơi tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An nước ngập sâu chạm nóc nhà, nước lũ tràn vào các khu nhà trọ của học sinh cuốn trôi và làm ướt quần áo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt. Ảnh: NVCC.

Hiện tại nhà trường đã giải quyết tạm thời quần áo và chiếu cho học sinh ở tạm lại trường. Nhưng trường tiếp tục kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên tiếp tục gom quần áo cũ, chăn chiếu, vật phẩm, đồ ăn, nước uống… để hỗ trợ học sinh trong giai đoạn này, và sau khi nước rút để ổn định chỗ ở và học tập.

Trước mắt, học sinh tạm trú đã được sơ tán vào Trường THPT Quỳ Châu, và được nhà trường lo chỗ ở, sinh hoạt, và ăn uống miễn phí. Ảnh: NTCC.

Trước mắt, học sinh tạm trú đã được sơ tán vào Trường THPT Quỳ Châu, và được nhà trường lo chỗ ở, sinh hoạt, và ăn uống miễn phí. Ảnh: NTCC.

Trên toàn huyện Quỳ Châu, tất cả trường đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Bà Nguyễn Thị Châu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Do mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ từ khoảng hơn 2 giờ sáng hôm qua đến nay nên nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã bị ngập lụt, đặc biệt là các xã nằm dọc sông.

Qua nắm bắt ban đầu, có hai điểm trường Mầm non và Tiểu học ở bản Tà Sỏi (xã Châu Hạnh) nước dâng lên ngập đến mái, nhiều điểm trường ở xã Châu Thắng nước cũng đã tràn khoảng 1 mét vào trường.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu cũng cho biết, ở những trường dọc sông, nhiều năm nay công tác phòng, chống bão lũ đã được các trường chú trọng. Trước thời điểm mưa to và thủy điện xả lũ, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường di chuyển đồ dùng thiết bị dạy học lên chỗ cao. Tuy nhiên, với việc nước dâng nhanh, ngập mái, nhiều trường chắc chắn đã hư hỏng hết tài sản.

An toàn cho trò, giảm thiểu thiệt hại cho trường

Tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, ngày 27/9, nhiều địa phương trong tỉnh đã cho học sinh nghỉ học. Các huyện có số trường nghỉ học lớn như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Nguyên nhân chính là do mưa to và thủy điện xả lũ. Một số huyện khác như Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, việc nghỉ học diễn ra cục bộ tại những địa bàn bị chia cắt.

Cô giáo Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An sơ tán, di chuyển bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi đến nơi an toàn. Ảnh: NTCC.

Cô giáo Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An sơ tán, di chuyển bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi đến nơi an toàn. Ảnh: NTCC.

Ngày 27/9, các cô giáo Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An gấp rút di chuyển các thiết bị điện, máy tính, đồ dùng, đồ chơi của trẻ lên vị trí cao hoặc địa điểm an toàn để “chạy lũ”.

Cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Có 3 điểm trường Khe Ngậu, Na Bè, Hợp Thành bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lớn. Nước lũ kèm đất đá sạt lở vùi lấp công trình sân chơi, vườn hoa, thư viện ngoài trời của cô và trò. Trong đó điểm khe Ngậu nằm sát bờ khe, nước đã dâng lên mấp mé nền lớp học.

Bể nước cũng được di dời đề phòng nước lũ tràn về cuốn trôi. Ảnh: NTCC.

Bể nước cũng được di dời đề phòng nước lũ tràn về cuốn trôi. Ảnh: NTCC.

Từ buổi sáng, nhận thấy nước khe suối đổ về nhiều, nhà trường đã báo cáo UBND xã kịp thời chỉ đạo thông báo đến trưởng bản, phối hợp phụ huynh đón - trả trẻ an toàn. Đồng thời, ban phòng chống lũ lụt của xã của huy động các lực lượng đoàn thành niên, dân quân… giúp nhà trường khẩn trương di dời thiết bị đồ dùng đồ chơi đến nơi cao ráo.

“Có năm, nước khe dâng cao đột ngột cuốn trôi nhiều đồ dùng, các thiết bị máy tính, ti vi bị hư hỏng, chập cháy. Vì vậy đề phòng đêm nay nước lũ thượng nguồn đổ về, chúng tôi đã cho học sinh nghỉ học và đưa thiết bị, đồ dùng đi gửi ở nơi kiên cố, cao ráo hơn”, cô Lê Hồng Quang nói.

Nước suối Xốp Nặm dâng cao mấp mé khu nhà ở nội trú cho học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Nước suối Xốp Nặm dâng cao mấp mé khu nhà ở nội trú cho học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Tại xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương), ngày hôm nay nước sông Xốp Nặm dâng cao mấp mé sân khu nhà ở của học sinh trường dân tộc bán trú THCS.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhà trường đã quyết định cho học sinh nghỉ học, đồng thời thông báo phụ huynh quản lý, nhắc nhở con em không tự ý đi chơi, đến gần khu vực khe suối. Riêng học sinh thuộc diện ở bán trú, nhà trường tạm thời giữ lại và giao cho giáo viên quản lý, giám sát. Tránh việc cho các em trở về bản giao thông nguy hiểm, sạt lở không đảm bảo an toàn.

Đối với trường tiểu học Tam Hợp, do đặc thù có nhiều điểm lẻ cách xa nhau, nên nhà trường tùy thuộc vào tình hình thực tế và giao cho giáo viên thông báo học sinh nghỉ ở nhà khi mưa lũ gây chia cắt đường đến trường, nguy hiểm.

“Các điểm trường đặt ở vị trí cao, trước mắt chưa bị ngập lụt nhưng nguy cơ sạt lở thường trực do đều tựa lưng vào núi. Vì vậy, chúng tôi đã có phương án di dời máy móc, thiết bị, bàn ghế, đồ dùng dạy học đến địa điểm an toàn phòng khi lũ về”, thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Hợp nói.

Sạt lở đất do mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường tại huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Sạt lở đất do mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường tại huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Ông Lữ Thanh Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, Nghệ AN cho biết: Trên địa bàn huyện, những ngày vừa qua có mưa to, thậm chí có nơi mưa rất to. Dự báo mưa sẽ kéo dài nhiều ngày nên từ chiều hôm qua (26/9) phòng đã có văn bản gửi tới các nhà trường và cho phép hiệu trưởng chủ động cho học sinh nghỉ nếu điều kiện thời tiết không đảm bảo.

Đến ngày hôm nay , qua nắm bắt ban đầu các trường tại các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Kim, Nậm Giải, Hạnh Dịch đã cho tất cả học sinh nghỉ học. Ở các địa phương còn lại, việc nghỉ học có thể diễn ra cục bộ nếu điểm trường bị chia cắt, không đi lại được.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và các nhà trường, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường từ rất sớm trong việc chủ động phòng tránh mùa mưa lũ.

Trong đó, yêu cầu, tùy theo tình hình thực tế, chủ động cho học sinh nghỉ học và thông báo sớm để tránh việc học sinh vẫn đến trường. Bên cạnh đó, cần phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình quản lý học sinh nghỉ học ở nhà để không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Trong mùa mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng yêu cầu các trường chủ động trong việc di dời các phòng máy ở tầng 1 lên tầng trên hoặc đến những nơi cao để đảm bảo an toàn, rà soát lại cơ sở vật chất trong nhà trường để tránh trường hợp mưa kéo dài bị sập tường.

Các nhà trường cũng cần phân công người trực đề phòng nước lên bất ngờ, nhất là những vùng ven sông Lam hoặc có thủy điện xả nước. Trước và sau lũ, thường xuyên phối hợp với cơ quan y tế làm tốt công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.