Bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) là tâm lũ của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An những ngày qua. Đây cũng là “xóm giáo viên” tập trung đông gia đình thầy cô sinh sống. Trận lũ lịch sử ngày 2/10, khiến họ trắng tay khi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hoặc hư hỏng, mất hết tài sản. Nhiều học sinh THPT ở trọ quanh thị trấn bị gọi dậy lúc nửa đêm, ngơ ngác chạy lũ, run sợ nhìn dòng lũ chảy xiết khi không có bố mẹ ở bên.
Tay trắng
Cô La Thị Vân thẫn thờ nhìn dòng nước lũ vẫn cuồn cuộn chảy. Ngôi nhà cấp 4 mới xây xong 3 tháng giờ chỉ còn 2 bức tường, xiêu vẹo. Lũ đã tháo tung tất cả, cuốn phăng mọi đồ đạc, tài sản của gia đình 3 mẹ con cô giáo đơn thân.
Nước lũ đã nhấn chìm, cuốn trôi tài sản của nhiều nhà dân và giáo viên |
Đêm 1/10, mưa to, con khe Huồi Giảng cạnh nhà cô Vân gom nước từ thượng nguồn đổ về bắt đầu dâng lên. Mùa mưa năm nào cũng vậy, người dân bản làng Hòa Sơn, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) này cứ ngỡ đã quen. Hơn 2h sáng, nước tràn vào nhà. Cô thấp thỏm ôm con cả đêm không ngủ được. Sau đó nước lại rút xuống. Nhưng đến khoảng 8h sáng 2/10, lũ ống đột ngột ập về kèm theo đất đá, cây rừng gãy đổ... Chỉ trong vòng mấy chục phút , nhà cô đã ngập hơn 1 mét.
Bản Hòa Sơn là “xóm giáo viên” của huyện Kỳ Sơn bởi tập trung đông thầy cô sinh sống tại đây. |
“Nhà tôi ở giữa, vây xung quanh là nước xoáy. Không kịp trở tay, không thể mang theo bất cứ đồ đạc, tài sản gì. Tôi chỉ kịp ôm con chạy, rồi được mọi người kéo ra khỏi nhà, đưa đến nơi cao hơn. Ngoảnh lại nhìn ngôi nhà của mình, bị lũ cuốn trôi hết, bất lực không thể làm gì được”, cô xót xa kể.
Cô Vân là giáo viên Trường mầm non Bảo Nam. Cách đây 6 năm, chồng cô sau cơn đột quỵ bất ngờ đã ra đi mãi mãi, để lại mình cô với 2 con nhỏ. Con gái đầu năm nay đã vào cấp 2, học ở trường dân tộc nội trú huyện. Mấy hôm nay mưa, nên cô dặn con ở lại trường đừng về nhà. Còn bé út đang tuổi tiểu học.
|
“Đột ngột mất chồng, tôi cũng mất luôn trụ cột, một mình gắng gượng nuôi con. May còn có đồng lương trang trải cuộc sống. Gom góp mấy năm trời, vay mượn thêm bà con, đồng nghiệp, tôi vừa làm được ngôi nhà cấp 4 cho mẹ con yên tâm vào ở. Vậy mà chỉ được hơn 2 tháng, chưa kịp mừng đã mất hết. Mẹ con tay trắng. Giờ tôi không biết lấy gì để mà bắt đầu lại nữa”, cô khóc.
Chỉ còn bộ quần áo trên người
Cô Vi Thị Thương không còn nhìn thấy dấu vết của ngôi nhà mình ở đâu nữa, dưới dòng nước đục ngầu. Gia đình cô ở ngay cạnh nhà cô Vân, nằm trong cụm hứng trọn “đường về” của lũ.
Cô Vi Thị Thương thẫn thờ khi nhà và tài sản bị lũ cuốn trôi. |
Cô Thương là giáo viên Trường Tiểu học Tà Cạ, nhưng năm học này đi tăng cường cho trường Tiểu học Bảo Nam 2, cách nhà tới hơn 50km. Vừa rồi, Bảo Nam cũng mới trải qua đợt mưa lớn và sạt lở núi, cô ở lại trong trường cả tuần dạy học. Cuối tuần này, trường cũng đã ổn định, cô về thăm chồng con, không ngờ lại gặp trận lũ lịch sử ngay ở bản của mình.
“Dù nhà ở gần khe, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến đợt mưa lũ nào kinh khủng như thế. Từng mảng đất đá núi tụt xuống khe. Không biết mưa từ đâu mà nước thượng nguồn ầm ầm đổ về. Chỉ mấy chục phút, nhà tôi bị cuốn trôi hoàn toàn. May còn kịp chạy lấy người. Có cháu bé ở trên bản Sơn Hà, mẹ không kịp ôm đã bị nước cuốn, đau xót lắm”, cô nghẹn ngào.
Chia sẻ của giáo viên bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn bị lũ cuốn trôi nhà và tài sản. |
Suối Huồi Giảng ngày thường rất cạn, dòng chảy nhỏ, nhưng hôm nay đã biến thành sông cuồn cuộn. Ngay cả con đường bê tông trong bản Hòa Sơn cũng trở thành dòng sông thứ 2 nước xoáy, chia cắt từng hộ dân. Cô Vi Thị Thơm đứng bên này bờ nước, nhìn sang bên kia là nhà của mình đã hư hỏng, đổ sập, mà không biết phải làm gì.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An thăm hỏi, động viên giáo viên Kỳ Sơn có nhà bị lũ cuốn trôi. |
“Không thể nào tưởng tượng được, lũ lại kinh hoàng như thế. Lúc ấy lũ đến đâu, người chạy đến đó. Giờ nhìn thấy nhà mà không về được để xem còn gì, mất gì. Tôi chỉ còn duy nhất bộ quần áo mặc trên người. Bà con đùm bọc, cho đồ ăn, nước uống, chờ lũ xuống”, cô mếu máo, mắt đỏ hoe.
Điểm trường mầm non và tiểu học bản Hòa sơn, xã Tà Cạ bị bao vây bởi nước lũ. |
Cô Thơm là giáo viên Trường Tiểu học và THCS Tà Cạ, nhưng đang đi tăng cường ở trường biên giới Bắc Lý – cách nhà hơn 40km. Nhà cửa tan hoang, xung quanh mênh mông lũ dữ, cô cũng không biết bao giờ mới quay trở lại trường dạy học.
Cứu hộ nhà đồng nghiệp, quay lại nhà mình đã trôi hết
Cũng ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ), thầy Nguyễn Bá Cương hiện công tác ở trường Tiểu học thị trấn Mường Xén cách nhà hơn 3km. Từ đêm hôm trước đến sáng 2/10, thầy vẫn đang trực ở trường chuẩn bị cho lễ phát động hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2022. Nhưng nghe tin nước lũ dâng cao, thầy vội trở về nhà. Trên đường, nước đã dâng lên đến bắp chân, chảy xiết. Lần đầu tiên, thầy thấy nước trên khe đổ về to như vậy.
Lũ ập về chỉ trong vài chục phút, nước đã dâng cao cuốn phăng tài sản, khiến nhiều giáo viên, người dân không kịp trở tay. |
Lội bộ về tới bản, thầy Cường thấy nhà bà con và đồng nghiệp gần đó đang ngập sâu, nước lũ bao vây. Không kịp nghĩ, thầy ào đến, giúp đỡ chuyển 3 mẹ con cô La Thị Vân ra khỏi nhà đến nơi an toàn. Rồi vòng lại giúp những nhà dân và đồng nghiệp khác.
Cận cảnh ngôi nhà bị đổ sập của giáo viên bản Hòa Sơn – tâm trận lũ quét huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. |
Đến khi ngoảnh nhìn về nhà, thì chính nhà thầy đã sắp không trụ nổi. “Tôi quay về, nước đã ngang ngực. Cửa nhà bị nước lũ khóa chặt, vợ con mắc kẹt bên trong. Tôi hoảng loạn cố gắng tìm đủ mọi vật dụng, may kịp phá được cửa, bơi vào nhà rồi đẩy vợ con ra ngoài. Còn lại để mặc lũ cuốn”, thầy Cường kể lại.
Với người dân bản Hòa Sơn, đây là trận lũ quét lịch sử, lớn nhất trong khoảng 20 năm gần đây. |
Nước vẫn chưa rút hết, quần áo ướt sũng, đói, lạnh vì ngâm mình trong nước cả ngày, gia đình thầy Cường không còn nhà để về. Chỉ tính riêng bản Hòa Sơn, đã 5 gia đình giáo viên có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hoặc một phần, mất hết tài sản. Trước mắt, chỉ có thể tá túc nhà hàng xóm may mắn còn vững vàng sau mấy chục phút lũ ào về.
Ngoài trời, mưa vẫn đổ xuống. Phía trên là xã Tây Sơn, mịt mù. Nhìn lên cao, thấy từ đỉnh núi màu xanh vạch xuống những đường chỉ đỏ ngoằn ngoèo, là nước lũ kèm theo đất đá sạt lở vẫn trôi xuôi.
Thoát chết trong gang tấc
“Em không biết là mình đã trụ lại bằng cách nào, nghĩ mình đã đi luôn rồi”, cô Nguyễn Thị Phong Lan (GV Trường Mầm non thị trấn Mường Xén) bật khóc khi gặp đồng nghiệp.
Cô Phong Lan cùng chồng sống trong khu tập thể của UBND huyện Kỳ Sơn, ở tầng 1. Nửa đêm 1/10, mưa to, nước trên núi sau lưng khu tập thể đổ xuống, nước từ ngoài đường tràn vào sân. Biết tầng 1 sẽ nhanh chóng bị ngập, cô và chồng vội ôm cặp tài liệu đựng tài liệu quan trọng lên tầng 2. Khi cô quay lại phòng xem có cứu được tài sản gì nữa hay không, thì nước lũ đẩy cửa đóng sập.
Cô Lô Thị Trang nhà ở bản Hòa Sơn, là giáo viên Trường Mầm non Huồi Tụ, cách nhà khoảng 35km. Chồng đi làm xa, lũ về cô chỉ kịp ôm 2 con chạy thoát thân. |
“Bên trong và ngoài nhà đều có nước kèm theo bùn đất, tôi không thể nào mở được. Nửa đêm, thị trấn Mường Xén cắt điện hoàn toàn. Tôi hoảng loạn dò dẫm trong bóng tối tìm cách thoát thân. Khi đó, lũ ầm ầm ào xuống sau phòng, phá được cửa sau và đẩy luôn cửa trước mở ra, tôi mới được đẩy theo ra ngoài. Lúc đó, tôi vẫn cố đạp chân để bơi, nhưng không thể tự điều khiển được nữa. Tôi bị đẩy đi theo dòng nước xoáy. May sao lúc đó nước đẩy tôi trôi đến chỗ chồng đang chạy xuống gọi tìm. Chồng tôi túm được tóc, rồi lôi ngược lên, mới thoát chết. Nếu lỡ tay lúc đó, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, cô Phong Lan vẫn còn bàng hoàng.
Nhiều nhà giáo viên tại Hòa Sơn bị nước lũ nhấn chìm. |
Hai vợ chồng chạy lũ, điện thoại cũng không kịp cầm đi. Giờ không thể liên lạc được với mọi người, mà anh em nội ngoại cũng không ai gọi được. Nước rút, để lại lớp bùn dày cả mét. Hai vợ chồng dùng cuốc, xẻng, cố tìm trong bùn đất xem còn gì nữa hay không.
Những đứa trẻ lần đầu vượt lũ
“Đến giờ cháu vẫn còn rùng mình vì sợ. Cả mấy đứa đều khóc. Chưa khi mô cháu thấy lũ to rứa”, Vi Thị Thu Hà là 1 trong 9 học sinh người xã biên giới Mỹ Lý, ra học Trường THPT Kỳ Sơn, và tạm ở trọ nhà họ hàng là bà Lô Thị Liên (xã Tà Cạ).
“Nửa đêm, cháu đang ngủ thì nghe bạn đập cửa, nói lũ to lắm, dậy chạy thôi. Nhưng không biết chạy đi đâu cả, phòng trọ thì nước dâng cao. Khi đó, bà Liên gọi chúng cháu lên nhà, rồi đưa lên tầng 2 khỏi ngập. Cả nhà ngồi như vậy. Nước đã ngập gần hết tầng 1. Bố mẹ ở xa, chúng cháu ai cũng sợ lắm”, Hà run run kể lại.
Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An động viên, trao quà hỗ trợ học sinh Trường THPT Kỳ Sơn ở trọ, bị lũ cuốn trôi hết tài sản, sách vở. |
Đến trưa, lực lượng công an huyện Kỳ sơn mới tiếp cận được khu vực nhà bà Liên. Lúc này, lần lượt 9 bạn học sinh cùng với những người đang trú tạm trong nhà bà Liên được các chú công an đưa ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời chuyển lên nhà hộ dân khác ở khu vực cao hơn.
Người dân, giáo viên và lực lượng địa phương làm cầu tạm đón học sinh Trường THPT Kỳ Sơn ở trọ ra khỏi vùng bị cô lập |
Chiều cùng ngày, Nhi và các bạn học sinh ở trọ khác trong vùng lũ, đã được thầy cô đón về trường bố trí chỗ ăn ngủ. Thầy Trần Văn Vân – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thầy cô cũng đã đi mượn, hoặc mua quần áo cho các em thay. Bố trí chỗ ở và nấu cơm ăn trong trường. Ngoài hơn 10 em ở trọ khu vực gần thị trấn bị ảnh hưởng bởi lũ, thì còn gần 60 em khác trọ tại bản Sơn Hà, nằm phía bên kia cầu tràn, đang bị cô lập.
Tuy nhiên, trong bản có 1 giáo viên của trường là thầy Bùi Tiến Dũng. Thầy Dũng tập hợp, đưa về nhà hoặc nơi an toàn và bố trí chỗ ăn nghỉ, quản lý đảm bảo an toàn. “Hiện dân bản và giáo viên đang cùng làm cầu tạm qua tràn, khi đó chúng tôi sẽ đón toàn bộ học sinh vào trường ở”.
“Một miếng khi đói”
Biết giáo viên của trường ở bản nhà cửa bị cuốn trôi hoàn toàn, lòng như lửa đốt, cô Lữ Thị Thùy - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Cạ cùng một số đồng nghiệp vượt lũ đem mì tôm, nước uống vào tiếp tế.
Không còn dấu vết của con đường ngày thường. Thay vào đó là đất đá, cây cối, củi gỗ ngổn ngang. Một bên là suối nước chảy cuồn cuộn, 1 bên là vách núi chỗ đang sạt lở, chỗ nhô đá sắc nhọn. Chân dính bùn trơn trượt. Nhưng chỉ cần có thể đi, thì sẽ tìm cách vào đến nơi.
Đại diện Sở GD&ĐT trao quà hỗ trợ trước mắt cho giáo viên bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. |
“Vì đường khó đi, phải leo trèo, nên chúng tôi chỉ có thể mang theo 1 thùng mì tôm, nước uống và sữa… Khi qua bản bị cô lập gần 1 ngày đêm, nhiều bà con mất nhà cửa cũng chưa có gì ăn. Thương quá, chúng tôi đành bóc ra chia mỗi người một ít. Cuối cùng, không còn chi cho giáo viên của mình nữa. Giờ tôi lại quay ra thị trấn mua đồ đưa vào”, cô Thùy nói rồi lại tất bật vượt lũ trở ra.
Cùng lúc đó, lực lượng công an, chính quyền huyện Kỳ Sơn cũng đã tập hợp nhu yếu phẩm tiếp tế cho bà con. Nhiều đoạn không thể di chuyển, lực lượng chức năng chỉ có thể trèo mái nhà, dỡ mái tôn đưa thực phẩm xuống cho người dân.
Người dân, giáo viên và lực lượng địa phương làm cầu tạm để tiếp cận bản bị cô lập bên kia dòng lũ. |
Chiều 2/10, đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã kịp thời vào tận nơi, trao quà động viên gia đình giáo viên bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa. “Trước mắt, do điều kiện mưa lũ phức tạp, chúng tôi chỉ mới tiếp cận được 5 gia đình giáo viên bị thiệt hại do lũ ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Trong thời gian tới, khi có thống kê đầy đủ của huyện, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giáo viên, học sinh. Sự trợ giúp này chỉ là một phần rất nhỏ so với mất mát mà thầy cô, học sinh vùng lũ Kỳ Sơn đang trải qua. Nhưng chúng tôi mong qua đó tiếp thêm động lực để thầy trò cố gắng vượt qua khó khăn do mưa lũ.
Có cầu tạm, giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn đón gần 60 học sinh đang mắc kẹt ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) về trường ổn định ăn ở, sớm đi học trở lại. |
Lũ vùng cao dâng nhanh, rút cũng nhanh. Chỉ vài chục phút, đã cuốn đi bao nhiều ngôi nhà, tài sản, hi vọng, tích góp của cả đời người bà con dân bản và để lại nỗi mất mát, đau thương không bù đắp được. Đến giờ, nhiều bản làng vẫn bị cô lập, nhưng bà con, các thầy cô giáo, học sinh không đơn độc. Những ngày này, nhiều tấm lòng, sự trợ giúp đang hướng về Kỳ Sơn, để chia sẻ khó khăn, mất mát, để thêm một cánh tay, góp sức cho bà con làm lại từ đầu.
Thống kê ban đầu, có hơn 30 nhà giáo viên huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị lũ cuốn trôi hoàn toàn hoặc một phần, mất hết tài sản… Tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Sáng 3/10, có 11 trường học của các xã Tà Cạ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Bảo Nam, Na Ngoi, Hữu Lập, thị trấn Mường Xén… phải nghỉ dạy học do ảnh hưởng mưa lũ.
Ông Phan Văn Thiết – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, quan điểm của ngành trước hết là bảo đảm an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh. Đồng thời nhanh khắc phục khó khăn ở các trường để đón học sinh trở lại. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh quyên góp hỗ trợ gia đình giáo viên bị thiệt hại do mưa lũ, giúp các thầy cô bớt phần nào khó khăn. Hiện nhiều giáo viên vẫn đang bị cô lập do mưa lũ. Khi lũ rút, tình hình ổn định, Phòng huy động lực lượng trong ngành giáo dục hỗ trợ đồng nghiệp.