Nước cho trường học: Giải cơn khát (Kỳ cuối)

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước tình trạng mùa khô hạn kéo dài, nguồn nước ô nhiễm, xâm nhập mặn… nhiều địa phương thông qua vận động tài trợ khoan giếng để có nước sạch sử dụng.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) được tắm mát thỏa thích khi có nước giếng khoan. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) được tắm mát thỏa thích khi có nước giếng khoan. Ảnh: NTCC

Nhiều tổ chức thiện nguyện cũng hỗ trợ, cung ứng nước ngọt, nước sạch giúp nhà trường chống chọi mùa khô hạn.

Trút nỗi lo

Năm học 2023 - 2024, cô và trò điểm bản Huổi Hua, Trường Mầm non Núa Ngam (huyện Điện Biên, Điện Biên) được Quỹ trò nghèo vùng cao tài trợ 1 chiếc giếng khoan. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Cô và trò điểm trường có nguồn nước uống đảm bảo vệ sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ”.

Nhớ về khoảng thời gian thiếu nước, thầy Đặng Hùng Mạnh - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Na Tông (huyện Điện Biên, Điện Biên) cho biết: “Do trường xa nhà nên gần 20 thầy, cô giáo thường ở lại trường giảng dạy và sinh hoạt từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, ngoài ra có gần 70 học sinh bán trú nên nhu cầu sử dụng nước rất cao.

Thiếu nước, giáo viên và học sinh phải xách từng xô từ bể nước đầu nguồn về sử dụng. Thậm chí, có thời điểm thường xuyên mất nước 3 - 5 ngày, nhà trường phải xin và chở nước từ nhà dân để phục vụ vệ sinh, nấu ăn cho học sinh. Nhờ sự quan tâm của Quỹ trò nghèo vùng cao, nhà trường được đầu tư công trình giếng khoan. Từ đó có đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày của thầy và trò”, thầy Mạnh chia sẻ.

Mới đây, nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn, Đoàn thanh niên ngành Ngân hàng tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ khánh thành, bàn giao 2 giếng nước sạch cho Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông. Thầy Vũ Xuân Hồng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước đây, có đường nước về trung tâm huyện đi qua trường nên chúng tôi lấy nước từ đó. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, mó nước dần cạn kiệt, vì thế nhà trường không có nước sử dụng. Đặc biệt từ mùa khô năm học 2022 - 2023 (tháng 11/2022 - 4/2023), nhà trường luôn trong tình trạng thiếu nước”.

Nhà trường đã gửi thư ngỏ đến các nhà hảo tâm để được giúp đỡ. Đầu năm học 2023 - 2024, trường kết nối với Đoàn thanh niên ngành Ngân hàng tỉnh Điện Biên khoan 2 giếng nước. Trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nước sinh hoạt khan hiếm, 2 giếng khoan đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước lâu dài cho hơn 400 học sinh, giáo viên nhà trường.

Niềm vui của cô trò Trường Mầm non Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) khi có nguồn nước dồi dào, thoải mái sử dụng. Ảnh: NVCC

Niềm vui của cô trò Trường Mầm non Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) khi có nguồn nước dồi dào, thoải mái sử dụng. Ảnh: NVCC

Đồng hành cùng trường vùng biên

Trường Mầm non Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) được chương trình Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên trao tặng giếng khoan năm 2023, đã giải tỏa nỗi lo thiếu nước thường trực cho cô và trò. Chia sẻ niềm vui này, cô Hoàng Thị Lan - Phó Hiệu trưởng nhớ lại, trước đây cô trò phải dùng nước khe, suối tự nhiên.

Những lúc trời mưa, nước lẫn bùn đất theo đường ống chảy về đục ngầu không thể sử dụng. Thậm chí khi mưa to, sạt lở đường ống bị trôi, hư hỏng, trường rơi vào cảnh thiếu nước sạch cả tuần. Các cô rất vất vả hứng nước mưa, hoặc đi xin nước sạch ở hộ gia đình xung quanh về phục vụ trẻ. Còn mùa khô, nước khe suối trong hơn, nhưng cạn kiệt. Nhu cầu sử dụng của bà con dân bản và nhà trường đều lớn, nên phải chia sẻ nước khe, phân công giờ lấy nước, thậm chí trực đến 1 - 2 giờ sáng.

Trước đó, qua kêu gọi các đơn vị, tổ chức hảo tâm, Trường Mầm non Mai Sơn được hỗ trợ khoan 1 giếng nước, nhưng chỉ sâu hơn 20 mét và chưa thể đảm bảo nước thường xuyên. “Chúng tôi phải bơm liên tục vào các bể chứa để tích trữ, tuy nhiên có thời điểm giếng cạn nước phải chờ đợi. May mắn năm 2023, chương trình Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên đã khoan thêm giếng mới tại điểm chính của trường, sâu gần 50 mét nên nước mạnh, cô trò thoải mái sử dụng”, cô Lan cho hay.

Trường Mầm non Mai Sơn đóng tại xã biên giới, ngoài điểm chính còn có các điểm lẻ cách xa nhau như Huồi Tố, Phá Kháo, Piêng Coọc, Chà Lò… Hiện nhà trường chỉ có giếng khoan tại điểm chính, các điểm lẻ vẫn sử dụng nước khe suối hoặc xin bắt đường ống nước từ nhà dân.

Tuy nhiên, từ khi có nước, vấn đề mới nảy sinh. Theo giáo viên nhà trường, qua quan sát và sử dụng nước hằng ngày, nguồn nước từ giếng khoan có hiện tượng nhiễm vôi, lắng cặn. Đây cũng là tình trạng thường thấy ở vùng núi cao.

Vì vậy, nhà trường mua máy lọc nước nhỏ để đảm bảo có nước sạch sử dụng trong ăn uống. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, các bình lọc nước không thể sử dụng, kể cả thay cục lọc cũng không có tác dụng do bị bám cặn vôi. Các cô chỉ còn cách đun sôi cho vào ấm to để lắng cặn, rồi dùng phần nước phía trên.

Thống kê tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương (2 huyện có nhiều xã biên giới nhất tỉnh Nghệ An), các đơn vị bộ đội Biên phòng kết nối với chính quyền địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ thi công gần 60 giếng khoan với trị giá khoảng 2 tỷ đồng phục vụ cho các điểm trường khó khăn về nước sạch.

Cách đây 1 tháng, qua kết nối và kêu gọi của nhà trường, nhóm thiện nguyện tại TP Vinh (Nghệ An) đã tặng trường hệ thống lọc nước R.O. “Hệ thống máy lọc nước giải quyết được nỗi lo nước sạch cho cô và trò. Từ đó, chúng tôi yên tâm sử dụng nước đảm bảo an toàn vệ sinh. Chỉ vất vả cho giáo viên điểm lẻ, đến nay vẫn phải dùng can nhựa chở nước lọc từ trường chính vào bản để cô và trẻ sử dụng”, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Các trường học ở xã biên giới Nghệ An thường đóng ở địa bàn vùng sâu, xa với nhiều khó khăn về nguồn nước. Để hỗ trợ giáo viên, học sinh, từ năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng với các Đồn biên phòng phối hợp vận động, kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm, mạnh thường quân thực hiện chương trình Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên.

Chương trình triển khai khoan giếng nhằm cung cấp nguồn nước đảm bảo cho các nhà trường. Trong đó, Đồn biên phòng Nhôn Mai (huyện Tương Dương) kết nối triển khai 8 giếng khoan Nước sạch cho em tại 2 xã Nhôn Mai và Mai Sơn.

Học sinh vùng cao Điện Biên vui mừng vì có nước sạch. Ảnh: NTCC

Học sinh vùng cao Điện Biên vui mừng vì có nước sạch. Ảnh: NTCC

Giải cơn khát nước ngọt

Huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) từng xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô, có thời điểm phải nhờ “tiếp nước” ngọt từ đất liền. Thế nhưng, mùa khô hạn năm nay huyện đảo Kiên Hải đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân và trường học tại các xã đảo.

Để ứng phó với tình trạng hạn, mặn, huyện tăng cường đầu tư khoan giếng phục vụ người dân, đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt, xây dựng công trình hồ kiểm soát nguồn nước, tích trữ nước mưa trên huyện đảo…

Ông Võ Hồng Phú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải (Kiên Giang) cho hay, chính quyền địa phương đã chủ động đầu tư khoan giếng để đảm bảo nguồn nước ngọt cho người dân, trường học. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả cho học sinh, giáo viên.

“Đến nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân và trường học cơ bản được cung cấp đầy đủ, ổn định; nguồn nước không bị nhiễm mặn. Hoạt động học tập và sinh hoạt của khoảng 3.600 học sinh, giáo viên tại các cơ sở giáo dục được đảm bảo”, ông Phú thông tin.

Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, ngành Giáo dục, nhiều tổ chức thiện nguyện cũng hỗ trợ, cung ứng nước ngọt, nước sạch cho nhà trường trong mùa khô hạn. Chương trình Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành vừa trao tặng 6 máy lọc nước cho 3 điểm trường tại xã đảo Tam Hiệp (huyện Bình Đại, Bến Tre), một trong những vùng chịu nhiều ảnh hưởng trong mùa hạn mặn năm nay; tặng 4 máy lọc nước cho 2 điểm trường xã Phú Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre).

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau đã đầu tư hệ thống máy lọc nước sạch, ưu tiên cho các trường học vùng sâu, xa, hạn, mặn. Tại huyện U Minh, Sở GD&ĐT Cà Mau đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống máy lọc nước sạch cho 24 điểm trường, mỗi máy trị giá hơn 440 triệu đồng với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Máy lọc nước giúp học sinh có nguồn nước sạch sử dụng, tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể từ việc mua nước.

Thầy Huỳnh Hùng Cường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (huyện U Minh) cho biết: “Trước đây học sinh phải đem theo nước uống hoặc nhà trường bố trí bình nước trong lớp học; nay có hệ thống máy lọc nước, các em uống tại vòi, rất tiện lợi và hợp vệ sinh”.

Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn có nhiều trường học ở vùng địa hình cao, thiếu nước thường xuyên. Thiếu nước là vấn đề nan giải, ảnh hưởng đầu tiên đến công tác tổ chức bán trú ở các nhà trường. Chưa kể việc học sinh thường ra khe suối tắm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chương trình khoan giếng của bộ đội Biên phòng và các nhà hảo tâm có ý nghĩa lớn, khắc phục được tình trạng thiếu nước vì hạn hán, không an toàn do sử dụng nguồn nước từ khe, suối tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ