Nudol hay S-550 sẽ vô hiệu hóa hệ thống tình báo không gian NATO?

GD&TĐ - Mạng lưới tình báo không gian được NATO sử dụng tại Ukraine đã gây nhiều rắc rối cho Quân đội Nga, dẫn tới yêu cầu phải vô hiệu hóa chúng.

Nudol hay S-550 sẽ vô hiệu hóa hệ thống tình báo không gian NATO?

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (NMD) đã bộc lộ nhiều vấn đề trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga. Lĩnh vực tên lửa và vũ trụ mà trước đây Moskva coi là hàng đầu trên thế giới cũng không ngoại lệ.

Trên thực tế, NATO có thể giám sát từng m2 lãnh thổ Nga từ không gian, nhưng Moskva thì ngược lại khi không có phương tiện để bắn hạ, hoặc bằng cách nào đó chống lại trinh sát không gian của đối thủ. Thậm chí cả việc phát triển và phóng tàu vũ trụ mới không có linh kiện nước ngoài đối với Nga cũng là một vấn đề lớn.

Trong khi đó, đối thủ chính của Nga - nước Mỹ đang tích cực thực hiện một giai đoạn mới của chương trình chinh phục mặt trăng, họ còn phóng nhiều tàu vũ trụ hiện đại và lấp đầy không gian gần Trái đất bằng hàng chục vệ tinh do thám thế hệ mới.

Ngay cả Trung Quốc, nước cho đến gần đây vẫn đứng sau Nga về công nghệ vũ trụ nhưng hiện đã đi trước vài bước. Do đó, nếu Moskva vẫn muốn khẳng định vị thế của một cường quốc không gian thì chẳng những cần thảo luận về vấn đề này, mà còn phải bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp nghiêm túc để hồi sinh hoạt động thám hiểm không gian vũ trụ.

Những tháng đầu tiên của NMD cho thấy điểm yếu của Quân đội Nga. Một số lý do giải thích cho điều này, nổi bật là ưu thế về chất và lượng NATO trong lĩnh vực phương tiện trinh sát không gian.

Trong 30 năm qua, chỉ riêng Mỹ đã phóng hàng trăm vệ tinh do thám khác nhau vào quỹ đạo Trái đất, và nếu tính thêm các quốc gia EU cùng những tập đoàn vũ trụ tư nhân vào đây, thì rõ ràng phương Tây nắm ưu thế vượt trội.

Chỉ riêng tỷ phú Elon Musk với công ty SpaceX của mình đã đưa vào quỹ đạo hơn 3.000 nghìn vệ tinh, chúng có thể thực hiện rất nhiều chức năng, bao gồm cả trinh sát quân sự.

Nga cũng có một "chòm sao vệ tinh" đáng kể trên quỹ đạo. Nhưng không giống như phương Tây, số lượng của Moskva không được tính bằng hàng nghìn hay hàng trăm, mà chỉ là hàng chục.

Và nếu chúng ta tính đến việc thiết bị điện tử trên các vệ tinh Nga thường kém hơn so với sản phẩm của Mỹ, thì có thể dễ dàng hiểu tại sao việc trinh sát không gian lại lại diễn ra một cách khó khăn như vậy.

Vấn đề chính hiện đang được Nga đưa vào chương trình nghị sự không phải là gia tăng số vệ tinh trên quỹ đạo mà là vô hiệu hóa kẻ thù. Yêu cầu này đã nhiều lần được lên tiếng ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm cả đại diện của Bộ Ngoại giao.

Đặc biệt vào cuối tháng 11/2022, Giám đốc Cục Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga - ông Vladimir Ermakov nói rằng Moskva có mọi quyền bắn hạ các vệ tinh do thám nước ngoài: "Các vệ tinh 'gần như dân sự' do các nước phương Tây sản xuất được lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng trong NMD có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga".

Nga đang phải đau đầu đối phó mạng lưới vệ tinh trinh sát của đối phương.

Nga đang phải đau đầu đối phó mạng lưới vệ tinh trinh sát của đối phương.

Nhưng Nga phải làm thế nào để vô hiệu hóa vệ tinh đối phương? Bộ Quốc phòng đã nhiều lần nói về việc thử nghiệm hệ thống chống tên lửa A-235 Nudol, có khả năng chống lại không chỉ các mục tiêu trên không, mà cả đối tượng trên không gian ở độ cao tới 700 km.

Chính tên lửa này đã bắn hạ thành công vệ tinh Kosmos-1408 bị hỏng vào tháng 11/2021. Sau đó, Nga đã cho cả thế giới thấy rõ rằng nước này có thể và sẵn sàng bắn hạ vệ tinh do thám của kẻ thù nếu cần thiết. Tuy nhiên cần nhấn mạnh, đây chỉ là cuộc diễn tập với mục tiêu đã biết rõ quỹ đạo.

Nga còn có hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 và S-550 mới nhất. Đánh giá về đặc điểm hoạt động của các tổ hợp này, chúng có khả năng bắn trúng mục tiêu ở độ cao lên tới 500 km, điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, đủ khả năng chống lại vệ tinh của đối phương.

Nhưng S-500 giống như Nudol, về cơ bản là một hệ thống phòng không không nhằm mục đích chống lại các mục tiêu không gian. Do vậy trong trường hợp cần thiết vũ khí trên có thể được sử dụng một vài lần, nhưng đối với việc triển khai thường xuyên thì có nhiều sắc thái phải cân nhắc.

Một trong số đó là việc Nga sử dụng tên lửa để tiêu diệt các vệ tinh nước ngoài sẽ ngay lập tức dẫn đến một vòng leo thang mới. Chưa kể thực tế là sau đó không gian gần Trái đất sẽ bị ô nhiễm bởi các mảnh vụn trong hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm năm.

Trước diễn biến trên, tổ hợp vũ khí laser Peresvet đã được nhắc đến, theo người đứng đầu Roskosmos - ông Yuri Borisov, hệ thống này có khả năng làm mù vệ tinh do thám ở độ cao lên tới 1.500 km.

Nhiều người Nga chắc chắn rằng sự xuất hiện của những cột sáng bí ẩn vào tháng 10/2022 là kết quả của việc sử dụng tổ hợp laser này trong chiến đấu. Nhưng rất có thể đó vẫn là một hiện tượng khí quyển, bởi vì vệ tinh trinh sát của NATO vẫn tiếp tục bay lãnh thổ Nga hoàn toàn tự do.

Năm nay chúng ta lại chứng kiến ​​một sự thay đổi nữa, đó là Giám đốc tập đoàn Roscosmos - ông Dmitry Rogozin đã được thay thế bởi Yuri Borisov đầy tham vọng và hiểu biết về kỹ thuật.

Trong nhiều năm, ông Borisov đã tham gia vào việc phát triển các tổ hợp vũ khí phòng thủ, vì vậy chắc chắn rằng người này đã làm quen với mọi vấn đề của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.

Việc bổ nhiệm ông Borisov vào một vị trí mới mang lại kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong việc phát triển lĩnh vực vũ trụ quân sự và trinh sát. Theo ông Borisov, đến năm 2026, Nga sẽ bắt đầu sản xuất ít nhất 200 vệ tinh mỗi năm. Giới phân tích hy vọng rằng đây sẽ không còn là lời hứa.

Theo Reporter

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.