Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II sớm hơn so với khung thời gian năm học, cụ thể hoàn thành trước ngày 15/5/2021.
Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, yêu cầu các nhà trường “không ra trong đề thi, đề kiểm tra những nội dung bài học chưa thực hiện giảng dạy”.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các trường học tiếp tục tổ chức dạy học đối với những nội dung, bài học còn lại của chương trình, cũng như, ôn thi tốt nghiệp THPT phải chủ động, linh hoạt và bảo đảm yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, góp phần hoàn thành “nhiệm vụ kép năm học 2020-2021”.
Trước đó, vào ngày 5/5, Sở GD&ĐT cũng đã lập đoàn công tác do Phó Giám đốc Đỗ Tường Hiệp dẫn đầu tiến hành kiểm tra các đơn vị, trường học trên địa bàn về thực hiện tiến độ chương trình năm học 2020-2021; triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Theo đánh gia của ông Đỗ Tường Hiệp, các đơn vị, trường học mà đoàn đã kiểm tra đều đã chủ động, linh hoạt trong việc sẵn sàng các phương án “chuyển đổi trạng thái dạy học, giáo dục, ôn thi’ cho học sinh từ “trực tiếp sang trực tuyến” cũng như kích hoạt lại việc “khai báo y tế” ngay tại cổng đơn vị.
Theo ghi nhận của PV, các trường học ở Đắk Lắk luôn đặt chế độ “tự động” trong chuyển đổi trạng thái nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.
Ông Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk) cho biết: “Khi đọc báo, xem thời sự thấy tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, dù đang nghỉ Lễ ở nhà nhưng tôi đã gọi ngay cho 2 thầy Phó Hiệu trưởng chỉ đạo, hướng dẫn và cùng các thầy cô trong Hội đồng Sư phạm thực hiện ngay việc phòng chống Covid-19 tại đơn vị. Chúng tôi chuẩn bị các đồ dùng, thiết bị, bảng chỉ dẫn, phân công người trực, tổ chức khử khuấn ở những khu vực trọng yếu… để bảo đảm sáng thứ 2 (ngày 3/5) khi các em trở lại trường sau nghỉ Lễ là thực hiện khai báo y tế đầy đủ”.
“Dù là trường vùng sâu, vùng xa, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số nhưng chúng tôi đã ứng dụng rộng rãi các phần mềm quản lý. Để hỗ trợ việc khai báo y tế nhanh và chính xác, phần mềm quét mã QR Code qua ứng dụng Zalo được dán ngay tại cổng chính và khu vực khai báo Y tế. Đối với các em học sinh, hay người dân đến liên hệ công tác không có điện thoại thông minh thì khai báo bằng tờ khai”- ông Phước thông tin.
Tại trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột), do đặc thù là trường liên cấp, học sinh đến từ hơn 20 tỉnh thành trong cả nước, lại vừa có bán trú, nội trú. Vì thế, nhà trường luôn đề cao sự an toàn cho học sinh.
“Các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh được duy trì thường xuyên. Các phương án dạy học được sắp xếp linh hoạt. Hiện nay chúng tôi có trang bài giảng trực tuyến khá hoàn chỉnh cả về hình thức và nội dung tại địa chỉ http://e-learning.hoangviet.edu.vn. Tất cả thầy cô đều có tài khoản riêng để khai thác nguồn tài liệu ở trang này, nhằm giúp học sinh học ở bất kỳ đâu”- ông Lê Hoàng Đảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Hồng Diện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện M’ Đrắk, chia sẻ, Do đặc thù là huyện tiếp giáp với Khánh Hòa và Phú Yên, vì thế, đã chỉ đạo các trường học thực hiện quản lý chặt học sinh sau Lễ 30/4. Các trường hợp đi và về từ những địa phương khác phải có thông tin khai báo đầy đủ.