Nữ tiến sĩ đầu tiên của người Cao Lan

GD&TĐ - Từ khi học tiểu học, cô bé Đặng Thị Hường - người dân tộc Cao Lan - đã mê mẩn các tiết Văn của cô giáo, thầm ước có ngày sẽ được đứng trên bục giảng giống cô. Sau này lớn lên, thực hiện ước mơ ngày nào, chị Đặng Thị Hường theo học khoa Văn tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), rồi tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ tại ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Các thầy cô hướng dẫn không gọi chị bằng tên riêng mà trìu mến gọi: Cô Cao Lan!

Chị Đặng Thị Hường trong trang phục người Cao Lan bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2015
Chị Đặng Thị Hường trong trang phục người Cao Lan bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2015

Khẳng định bản thân bằng con đường tri thức

Năm 2015, chị Hường bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Văn học với đề tài “Thơ ca dân gian Cao Lan từ góc nhìn văn hóa”. Ở tuổi 49, chị Đặng Thị Hường trở thành nữ tiến sĩ Cao Lan đầu tiên của ngành giáo dục Tuyên Quang.

Quê gốc của chị Đặng Thị Hường ở Yên Bái, ngay dưới chân núi Là. Gia đình di cư, chị Hường sinh ra, lớn lên ở Tuyên Quang. Mồ côi mẹ khi mới 10 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng trong nhà chị lúc nào cũng có tiếng hát dân ca Cao Lan của bố. Chị Hường vẫn nhớ như in những câu chuyện đầy tự hào bố kể ngày bé, rằng vì sao  người Cao Lan không ăn thịt chó, lời ca tiếng hát của người Cao Lan bắt nguồn từ đâu… Niềm tự hào về dân tộc Cao Lan ngấm vào chị từ lúc đó.

Khi chị Hường 14 tuổi, bố chị đột ngột qua đời, để lại 5 con quấn túm qua ngày. Nhà nghèo khó, tan học về là chị Hường đi làm thuê, dù vất vả thế nào cũng nhất định phải đến trường đến lớp. Lên ĐH, chị Hường chọn học ngành sư phạm đúng với ước mơ ngày nhỏ.

Cứ hè về, cô sinh viên Đặng Thị Hường lại đi đãi sỏi thuê trên sông Lô để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Lúc đó có ai hỏi về hoàn cảnh riêng, chị Hường lại thấy cay cay khóe mắt. Cuộc sống cứ thế trôi đi với cô sinh viên dân tộc thiểu số trong chồng chất khó khăn về kinh tế, trong những tháng ngày trống vắng tình cảm, quay quắt lo cho các em.

Ra trường, trở về địa phương công tác, chị Hường tiếp tục theo học thạc sĩ tại Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Chị cứ tự đặt câu hỏi: Các dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Kinh làm được nhiều điều thì tại sao mình không làm được? Xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc, chị quyết tâm khẳng định mình bằng việc chinh phục tri thức.

Và với đam mê nghiên cứu, muốn giới thiệu cho tất cả mọi người biết những tinh hoa của văn hóa Cao Lan, chị Hường tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại chính ngôi trường chị học thạc sĩ, vượt qua bao khó khăn vì vừa học vừa lo công việc trường lớp, gia đình, eo hẹp về thời gian, kinh tế...

TS Đặng Thị Hường phát biểu trong một hội thảo của ngành GD
 TS Đặng Thị Hường phát biểu trong một hội thảo của ngành GD

Đưa tư duy nghiên cứu khoa học vào công việc hàng ngày

Chị Đặng Thị Hường luôn cảm thấy may mắn khi chọn gắn bó với giáo dục. Ở trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang có nhiều học sinh dân tộc Cao Lan, tuy không phải em nào cũng nói được tiếng Cao Lan nhưng điều khiến chị Hường thấy rất vui là các em đều giữ được phong tục tập quán, nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Hiện NGƯT ĐặngThị Hường đảm nhiệm vị trí Hiệu phó nhà trường. Chị còn tham gia làm Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, Chủ tịch Công đoàn trường, và làm Bí thư một chi bộ của Đảng bộ.

Công việc của chị Hường rất bận rộn nhưng chị rất thích được lên lớp giảng dạy. Một tuần dạy 7 tiết theo quy định, nếu giáo viên nào bận việc, chị đăng ký dạy thay ngay. Chị áp dụng nghiên cứu vào công việc hàng ngày. Khi giảng dạy, chị lồng ghép giới thiệu cho học sinh giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, so sánh với văn học dân gian của dân tộc Cao Lan, từ đấy nâng cao lên niềm tự hào dân tộc của học sinh. Cuốn luận án của chị Hường để trên thư viện được nhiều học sinh mượn đọc.

Tới đây, chị Hường còn ấp ủ kế hoạch đưa làn điện Xịnh ca Cao Lan vào Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật của trường để dạy học sinh lời ca tiếng hát của người Cao Lan, như ngày xưa bố chị đã dạy các con, nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào dân tộc.

Món quà lớn nhất chính là tình cảm của học sinh

Chị Đặng Thị Hường chia sẻ: Dường như trải qua những khó khăn thách thức trong cuộc sống nên tôi thấu hiểu học sinh hơn, trở thành người bạn tâm giao của các em. Khi tìm đến cô giáo, một số học sinh kể về nỗi bi quan chán nản trong cuộc sống, vì hoàn cảnh gia đình éo le mà muốn buông bỏ… Và câu chuyện của bản thân tôi đã giáo dục được rất nhiều học sinh.

Chị Hường nhớ nhất hồi mới dạy học, lớp chị chủ nhiệm có học sinh tên Ngô Thế Luận - người dân tộc Mông – chỉ kém cô giáo vài tuổi, đã lấy vợ, có con, thường xuyên uống rượu, lấy cớ để nghỉ học.

Một lần, chị Hường xách cả can rượu trắng đến phòng Luận và bảo: “Cô với em cùng uống. Nếu ai là người say trước thì người đấy vĩnh viễn không bao giờ được uống rượu nữa”. Nhìn cô giáo nhỏ bé chỉ vì mong mình không uống rượu, đi học đầy đủ mà “liều mình” như vậy, Luận cảm động lắm. Chia sẻ với cô một hồi, Luận nắm tay cô giáo nói: “Thưa cô, em biết như thế là sai rồi”. Và từ đấy trở đi, Luận không uống rượu nữa.

Rồi có học sinh nam bị tiêu chảy, các bạn cùng phòng chuyển hết đi nơi khác, để lại em một mình bơ vơ, lo lắng, kiệt sức. Chị Hường đã như người mẹ tận tình chăm sóc, tự tay giặt quần áo cho học sinh. Hay có học sinh thường xuyên trốn học bằng cách giả vờ ốm. Đến lúc ốm thật sốt đùng đùng trên phòng thì không được ai để ý. Biết học sinh bị sốt, chị Hường lấy thuốc, bê đồ ăn ở căng tin lên tận phòng cho em. Từ đó trở đi, cậu học sinh không bao giờ trốn học nữa…

Chị Hường đã trở thành cô giáo – mẹ hiền của học sinh như thế. Để sau bao nhiêu năm ra trường, những lớp học sinh chị làm chủ nhiệm quay trở lại thăm cô giáo cũ, câu đầu tiên học sinh gọi: Mẹ Hường ơi!

TS Đặng Thị Hường có nhiều tài liệu sưu tầm về văn hóa dân gian Cao Lan. Chị lên kế hoạch sau 3 – 4 năm nữa, khi nghỉ hưu sẽ tổng hợp in thành sách. Hiện chị Hường thường xuyên tham gia làm phản biện/ thành viên hội đồng các đề tài nghiên cứu lĩnh vực khoa học nhân văn tại tỉnh Tuyên Quang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.