Bài 2: Trường học bên đồi mía

GD&TĐ - Cứ sau Tết Âm lịch, vào ngày đầu tiên đi học, Trường THPT Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) vui như ngày hội. Hơn 500 giáo viên, học sinh, cả thầy Hiệu trưởng, Hiệu phó đều xắn tay ra đồi thu hoạch mía. Người chặt, người vác mía, người bó mía… Cả trường xôn xao tiếng gọi nhau, gặp ai cũng thấy nụ cười. Mía bội thu, nụ cười của thầy và trò còn rạng rỡ hơn nữa…

Trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang)
Trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang)

Câu hỏi học sinh học nghề hỏi thầy giáo nhiều nhất

Thầy giáo Lê Ngọc Duy dạy môn Sinh học và dạy nghề trồng mía cho học sinh học nghề ở Trường THPT Hòa Phú. Thầy kể, câu hỏi học sinh đưa ra khi thầy bắt đầu lên lớp đầu năm cho học sinh lớp 11 chính là: “Thầy ơi, trồng mía, học nghề trồng mía để làm gì?”.

Và thầy Duy chia sẻ chân tình với học sinh: Huyện Chiêm Hóa quỹ đất lớn, phù hợp với việc trồng mía. Đặc biệt, huyện gần với Nhà máy đường Tuyên Quang, trồng mía sẽ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, tăng thu nhập cho gia đình. Cây mía lại không cần chăm sóc nhiều như những cây khác. Mức thu nhập từ cây mía tương đối ổn định. Chính vì thế nên ở gia đình các em cũng trồng mía là thế! Học trồng mía một cách khoa học vừa giúp đỡ gia đình thêm thu nhập, vừa giúp cho các em có thêm hiểu biết.

Lời chia sẻ của thầy Duy cũng chính là mục đích của Trường THPT Hòa Phú khi triển khai mô hình trường học gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn việc học tập với kinh doanh phát triển cây mía. Chương trình học có 105 tiết, ngoài những tiết học lí thuyết trên lớp, học sinh sẽ được tham gia trải nghiệm thực tế tìm hiểu về cây mía, cách trồng và chế biến mía. Trong 5 lớp khối 11, nhà trường chọn ra 2 lớp với khoảng 70 học sinh có nguyện vọng học xong ở nhà phát triển nông nghiệp hoặc hết lớp 12 làm công nhân để dạy nghề trồng mía.

Những giờ học về cây mía của Trường THPT Hòa Phú rất sôi nổi. Học sinh càng học lại càng thích vì môn học gần gũi, gắn liền với sản xuất của gia đình, của địa phương. Cứ 1 – 2 tiết lý thuyết sẽ có 1 tiết thực hành ngay tại đồi mía rộng gần 2.000m2 phía sau trường. Mía lên xanh đến đâu là in dấu công sức chăm xới, vun gốc của học sinh đến đó. Ở nhà các em trồng mía không theo các bước, các quy trình sản xuất. Ở trường các em biết được từng thời điểm của cây mía thì cần làm gì, chăm sóc cây mía như thế nào vào từng giai đoạn, thời điểm nào bón phân xới cỏ, thời điểm nào bóc lá tỉa cây. Có học sinh chia sẻ với thầy Duy: “Ở nhà bố mẹ em làm theo kinh nghiệm, khi nào bận bịu quá thì cứ kệ cho mía lớn, rảnh rỗi thì ra bới cỏ. Giờ theo đúng như thầy dạy, em chăm mía tùy theo giai đoạn, mía nhanh lớn hẳn, cây nào cây nấy tròn lắn, căng bóng, nhìn thích lắm thầy ạ…”.

Không chỉ có thầy cô giảng dạy, Trường THPT Hòa Phú còn liên kết với Nhà máy đường Tuyên Quang, được nhà máy cung cấp giống, phân bón, bao tiêu đầu ra của sản phẩm, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hướng dẫn học sinh và giáo viên về kỹ thuật trồng mía, giúp học sinh có kiến thức, thực hành khoa học. Không chỉ học nghề, học sinh còn được học tích hợp liên môn qua các nhiệm vụ tự nghiên cứu, xuống cả nhà máy đường tham khảo thực địa, khảo sát diện tích trồng mía trong xã/huyện, đi phỏng vấn… “Chạm” vào STEM chính là đây, khi các học sinh được thầy cô khuyến khích, tạo điều kiện để làm việc như một nhà khoa học!

HS lớp 11B2 thực hành tại đồi mía
HS lớp 11B2 thực hành tại đồi mía 

“3 được” từ trồng mía

Theo thầy Hiệu trưởng Nông Minh Hưng, từ khi triển khai mô hình trường học gắn với sản xuất kinh doanh, học sinh nhà trường được học hỏi thêm kiến thức khoa học, được thực hành ngay trong thực tiễn ở đồi mía, và nhà trường thì được thêm nguồn thu khi thu hoạch mía. Tính ra, trường nhận “3 được” từ những cây mía.

Ngày đông vui nhộn nhịp nhất ở Trường THPT Hòa Phú có lẽ là ngày thu hoạch mía. Toàn trường đều tham gia thu hoạch, vận chuyển mía trong xôn xao tiếng nói cười. Nhà máy đường Tuyên Quang cử xe đến tận trường để thu mua. Thu nhập từ mía đều được đưa vào quỹ khen thưởng cho học sinh, giúp đỡ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Học sinh vui, thầy cô giáo vui, và phụ huynh còn đến giúp sức cho thầy trò. Kết nối giữa gia đình và nhà trường càng thêm chặt chẽ.

Cách đây 3 năm, cũng vào ngày thu hoạch mía, xe nhà máy đường lên trường muộn, 5 giờ 30 mới tới nơi. Khi đó, cả trường đã thu hoạch mía xong, tập kết gần 30 tấn mía ngổn ngang khắp sân. Thời điểm sau Tết, trường chỉ thuê được 3 người bốc vác, nên giáo viên cũng phải xắn tay làm cùng.

Có một lớp 29 học sinh với 25 em là nam, bảo nhau ở lại giúp thầy cô dọn dẹp cho kịp ngày mai sinh hoạt ngoại khóa ở sân trường. Thấy học sinh vác mỗi bó mía nặng 20 - 30kg, ai cũng khuyên các em về nhà nghỉ ngơi để hôm sau có sức khỏe đi học nhưng cả lớp kiên quyết không nghe. “Chúng em làm việc này quen rồi! Thầy cô cứ để em giúp!” – Nhóm học sinh nói nhỏ.

Gần 9 giờ tối hôm đó, không cả ăn cơm, cả lớp đi về nhà ngay. Từ cây mía, từ lao động, từ những buổi học, tình cảm thầy trò thêm đậm sâu, lấp lánh.

Có một điểm rất đặc biệt là Bộ tài liệu dạy học trồng mía do chính thầy Hiệu phó Phạm Văn An biên soạn, đi theo học sinh Hòa Phú 5 năm nay. Thầy An xây dựng bộ tài liệu dựa trên các tài liệu trên mạng, sách chuyên khảo của trường ĐH chuyên ngành và xin tư vấn, tham khảo từ các chuyên gia của Nhà máy đường Tuyên Quang. Có lẽ đây là bộ giáo trình dạy học trồng mía đầu tiên trong các nhà trường ở Việt Nam, chỉ có ở Hòa Phú, Tuyên Quang!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ