Những “trường học cây mía”, “trường học cây chè”… ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đã đưa trải nghiệm sáng tạo vào quá trình học tập của học sinh, khơi gợi khả năng tư duy sáng tạo và ứng dụng thực tiễn của các em, nhưng các thầy cô vẫn khiêm tốn tự nhận mới chỉ “chạm tay” phương pháp giáo dục STEM tiên tiến!
Giờ học thực hành ở đồi chè nông trường, nữ sinh Đỗ Hải Như – lớp 12C2 – Trường THPT Sơn Dương - đặt câu hỏi với cô giáo môn Sinh học Vũ Hường: “Cô ơi, ở nhà em bố mẹ hái chè không giống như cô dạy. Thế cách nào đúng ạ?...”. Và cô Hường cùng Như và các học sinh trong lớp hào hứng trao đổi về lợi thế, đặc điểm cách thức hái chè bằng máy, bằng tay… Giữa xanh biếc đồi chè, tiết học của học sinh Sơn Dương mở đầu sôi nổi như vậy!
Học trên lớp, về thực hành ngay vườn nhà
Trường THPT Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) triển khai mô hình trường học gắn liền với sản xuất kinh doanh đến nay đã được 5 năm. Cây chè vốn là cây trồng chủ lực của huyện Sơn Dương, học sinh đa phần là con em nông trường chè, gia đình cũng trồng loại cây này nên nhà trường đã gắn việc học tập với phát triển, kinh doanh cây chè. Học sinh lớp 11 có nhu cầu sẽ đăng ký học trồng chè, được học nghề một cách bài bản, khoa học, thu nhận kiến thức trên lớp, học các kỹ thuật mới với thầy cô giáo và chuyên gia trên vườn chè nông trường và các doanh nghiệp, về phổ biến kiến thức cho gia đình, có thể thực hành ngay tại vườn nhà.
Thầy Nguyễn Chí Thức - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Nhà trường có khó khăn về diện tích đất nên đã phải mượn vườn chè của dân và vườn chè nông trường để làm nơi thực hành cho học sinh. Bên cạnh đó, trường đầu tư một vườn ươm giống chè để học sinh tự ươm cành, chăm sóc cho tới khi được đem trồng. Trường phối hợp với Công ty cổ phần Chè Tân Trào và một số công ty tư nhân, được đội ngũ cán bộ kỹ thuật hỗ trợ rất nhiệt tình trong quá trình thực hành, chế biến chè làm sao để đạt hiệu quả cao nhất.
Thầy Hiệu phó Nguyễn Mạnh Hà cùng các thầy cô giáo tổ Sinh học tự nghiên cứu tìm hiểu tài liệu, nhờ sự tư vấn của các kỹ sư nông nghiệp của nông trường soạn bộ giáo trình môn học. Các giờ học được tổ chức linh hoạt, tạo sự hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, học sinh rất thích học theo nhóm: Nhóm điều tra, khảo sát về thổ nhưỡng phù hợp với cây chè; nhóm tìm hiểu lịch sử hình thành những nhà máy chè, lịch sử cây chè đến với Sơn Dương; nhóm tìm hiểu thị trường cây chè… Rồi tổng hợp thông tin, làm báo cáo, tổng hợp và đưa ra bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh những giờ học thực hành ở vườn chè, học sinh Trường THPT Sơn Dương còn được đến công ty chè quan sát dây chuyền sản xuất, tham gia lao động ở các xưởng tư nhân có kinh nghiệm làm chè lâu năm để có trải nghiệm từ khâu hái chè, bảo quản, chế biến, đóng gói, quảng cáo tiêu thụ, sáng tạo. Từ các kiến thức lý thuyết trên lớp, học sinh hiểu được giá trị của cây chè và những ngóc ngách kỹ thuật trồng chè, đưa vào sản xuất của gia đình, tự tin hòa nhập thị trường, trở thành một nông dân trồng chè 4.0!
|
Pha chè, búp nở hoa
Cô giáo Vũ Hường chia sẻ: “Dạy học sinh Sơn Dương về trồng chè thích lắm, các em đã quen thuộc với cây chè rồi nên cô giáo nói đến đâu, học sinh hiểu ngay đến đó. Học được kiến thức khoa học, các em lại tư vấn cho các bác chủ vườn chè mà lớp đến thực hành, phổ biến lại cho gia đình cách thức chăm sóc cây chè, chế biến chè, và hơn cả, các em còn có những sáng tạo rất tuyệt vời từ cây chè khiến thầy cô rất bất ngờ”.
Cuộc thi trải nghiệm sáng tạo về chè được tổ chức năm học trước giờ vẫn ghi dấu ấn trong lòng các thầy cô giáo và các vị khách đến tham quan, từ vị thơm ngon và màu sắc đẹp mắt của những chiếc bánh chè đến những bức tranh thể hiện tình cảm yêu trường lớp, thầy cô với nguyên liệu từ cây chè, hoa khô từ chè, cả nghiên cứu sáng tạo của em Thúy Hiền – học sinh lớp 12 của nhà trường, tạo hình búp chè khi pha sẽ nở ra thành một bông hoa cúc đẹp lộng lẫy.
Vốn là một trường có bề dày thành tích nghiên cứu khoa học trong tốp đầu của tỉnh, học sinh của trường cũng không thể bỏ qua đối tượng quen thuộc của địa phương: Cây chè. Thời điểm nghiên cứu năm 2017, Đàm Gia Minh và Tống Việt Hà – hai học sinh lớp 11 với sự hỗ trợ của thầy cô giáo đã sáng chế máy chăm sóc cây đa năng, thực nghiệm ngay trên vườn chè, kéo dài thời gian sinh trưởng của cây chè. Sản phẩm được đem đi dự thi Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia và vinh dự đoạt giải Ba. Hiện nhà trường đang đề nghị huyện Sơn Dương và công ty chè giúp cho trường có được bản quyền sáng chế này.
|
Bài học quý từ sản xuất, lao động
Theo thầy Hiệu phó Nguyễn Mạnh Hà, sau 5 năm triển khai, có thể thấy những tác động toàn diện của việc gắn học tập với sản xuất kinh doanh. Ngoài những hiểu biết về kỹ thuật trồng chè, chế biến chè, học sinh còn được định hướng một tư duy khoa học, logic, không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn vận dụng kiến thức vào thực tiễn, hình thành suy nghĩ làm việc gì cũng có ý thức thử nghiệm, nghiên cứu. Đặc biệt, từ những giờ thực hành trên nông trường, học sinh hiểu được giá trị lao động, trân trọng công việc của các bác nông dân, hiểu được giá trị thương hiệu chè của địa phương.
“Nói vui một số học sinh có khi chả bao giờ cầm chổi quét nhà, nhưng khi tham gia cùng các bạn đã nhiệt tình nhổ cỏ, bón phân, hái chè, thông qua sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên, chỉ một buổi thôi các em đã phân loại được từng loại chè, về nhà biết giúp đỡ bố mẹ. Thực tiễn lao động chính là bài học hiệu quả nhất cho các em học sinh” - thầy Nguyễn Mạnh Hà phấn khởi chia sẻ.
Bài 2: Trường học bên đồi mía