Nữ thủ khoa khối C00 đạp xe đạp đi làm thêm 12 tiếng/ngày ước mơ làm cô giáo

GD&TĐ - Chưa kịp chìm đắm trong niềm vui chiến thắng, em Nguyễn Ngọc Linh đã phải lên đường đến khu công nghiệp gần nhà để làm thêm.

Nguyễn Ngọc Linh - học sinh Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Ảnh NVCC.
Nguyễn Ngọc Linh - học sinh Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Ảnh NVCC.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình không khá giả, Nguyễn Ngọc Linh - học sinh Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) luôn kiên định với lựa chọn học để thoát nghèo, giúp bố mẹ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Làm thêm 12 tiếng/ngày

Thời điểm Bộ GD&ĐT thông báo kết quả thi, Ngọc Linh vẫn phải đạp xe đến khu công nghiệp gần nhà để kịp điểm chấm công lúc 6 giờ sáng. Nữ sinh tâm sự, buổi sáng hôm đó lòng em “nóng như lửa đốt”, chỉ mong đến giờ nghỉ trưa nhanh để được tra cứu điểm thi.

“Khi em biết điểm khối C00 của mình đạt 28.25 và trở thành thủ khoa toàn Trường THPT Văn Giang trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, em rất hạnh phúc và vui đến phát khóc. Em muốn dành tặng món quà này cho bố mẹ, người đã hi sinh rất nhiều để em và anh trai được đến trường đầy đủ, không thua thiệt với bất cứ ai”, Ngọc Linh nói.

Công việc làm thêm hiện tại của nữ sinh kéo dài từ 6 - 18 giờ và chỉ được nghỉ trưa 45 phút. Những ngày đầu, Ngọc Linh luôn trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi, hai chân ê ẩm, nhưng em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xin nghỉ việc.

c.jpg
Ngọc Linh đạt 28.25 điểm khối C00 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh NVCC.

Theo nữ thủ khoa, công việc làm thêm này không chỉ giúp nữ sinh rèn luyện tính kiên trì, chịu khó, mà còn giúp em có thêm một phần chi phí chuẩn bị cho việc lên Hà Nội nhập học trong thời tới.

“Vì gia đình em cũng không quá khá giả, nên em phải cân nhắc kỹ trong việc chọn ngành và chọn trường, em không muốn bố mẹ vất vả thêm. Em dự định đăng ký vào ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để được hỗ trợ học phí và có thể đi làm gia sư, kiếm thêm thu nhập bù vào tiền sinh hoạt”, nữ sinh cho hay.

Ngoài đi làm thêm, Ngọc Linh cũng tranh thủ thời gian phụ giúp mẹ việc nhà và học hỏi kinh nghiệm từ anh chị khóa trên để trang bị thêm kỹ năng sống, chuẩn bị cho thời gian đi học xa nhà sắp tới.

Không thức khuya quá 23 giờ

Ngọc Linh từng cảm thấy sai lầm khi không xác định mục tiêu sớm hơn để phấn đấu, mà phải đợi đến năm lớp 11 mới chuẩn bị mọi thứ. Mỗi ngày, nữ sinh dành 8 tiếng tự học tại nhà và duy trì thói quen đi ngủ sớm.

c2.jpg
Ngọc Linh ước mơ trở thành cô giáo. Ảnh NVCC.

Thời gian học các môn được nữ sinh phân chia đồng đều, không học môn nào nhiều hơn môn nào. “Ban ngày em sẽ học lý thuyết, còn ban đêm em luyện đề và ghi nhớ một số kiến thức quan trọng. Buổi sáng, em thường thức dậy vào lúc 3 giờ để ôn tập lại một số kiến thức và chuẩn bị bài trước khi lên lớp”, Ngọc Linh cho biết.

Đối với môn Ngữ văn, nữ sinh thường phân tích một tác phẩm nhiều lần, để hiểu sâu vấn đề. Trong quá trình làm bài thi, Ngọc Linh cũng chia nhỏ thời gian để làm bài. Riêng phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội, nữ sinh cố gắng hoàn thành trong 30 phút và thời gian còn lại dành cho phần Nghị luận Văn học.

Ngọc Linh chia sẻ thêm: “Phần Nghị luận văn học chiếm nhiều điểm nhất, nên em luôn vạch dàn ý ra giấy nháp trước rồi mới triển khai. Theo em, cách làm này sẽ giúp bản thân không bỏ sót ý chính nào và bài văn cũng được triển khai mạch lạc, rõ ràng, tạo ấn tượng tốt đối với thầy cô chấm thi”.

Trong khi đó, nữ sinh lại gặp khó ở môn Địa lí và Lịch sử, vì em thấy kiến thức hai môn này rất rộng và nếu không hiểu rõ bản chất vấn đề thì không thể giành được điểm cao.

Ngoài tập trung học kiến thức trên lớp, Ngọc Linh còn học thêm từ các thầy trên mạng xã hội và tự giải đề thi thử của các trường khác. Sau mỗi lần giải đề, nữ sinh cảm thấy bản thân nhớ kiến thức lâu hơn.

“Em còn học theo sơ đồ tư duy và ghi nhớ từ chìa khóa. Đặc biệt, môn Lịch sử có nhiều sự kiện cần phải ghi nhớ ngày tháng, nên em chia nhỏ mốc thời gian để học thuộc và xem những sự kiện có mối liên hệ với nhau không, như thế sẽ ghi nhớ lâu hơn”, Ngọc Linh cho hay.

Cô Vũ Thị Nga - giáo viên Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) thừa nhận, bản thân chưa từng gặp học trò nào có quyết cao trong học tập giống Ngọc Linh. Năm lớp 10, học lực của Ngọc Linh ở mức khá, nhưng đến năm 11, học trò của cô Nga bắt đầu bứt phá và giành về nhiều thành tích cao.

“Theo tôi quan sát, trong các tiết học Ngọc Linh đều chú ý nghe giảng, bài nào không hiểu sẽ hỏi cô ngay và em ấy còn dùng máy ghi âm để ghi lại bài giảng, về nhà nghe lại. Trong giờ ra chơi, thay vì dành thời gian làm việc riêng, em ấy sẽ đeo tai nghe để ôn tập lại kiến thức, chuẩn bị cho tiết học tiếp theo.

Ngọc Linh cũng thường xuyên viết bài ở nhà, đem lên nhờ tôi chữa và chấm điểm. Cho nên, việc Ngọc Linh đạt điểm số cao trong kỳ thi vừa qua tôi cũng không quá bất ngờ, điểm số đó hoàn toàn xứng đáng với sự nỗ lực của học trò”, cô Nga nói.

Bên cạnh việc học, nữ sinh còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn, em luôn đi đầu trong mọi hoạt động và cùng lớp giành nhiều thành tích cao. “Ngọc Linh luôn biết cách cân bằng giữa việc học và hoạt động, em không để chúng chồng chéo lên nhau, nên tôi rất yên tâm về học trò”, cô Nga chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ