Nữ thủ khoa ở Hưng Yên đi làm thêm để có tiền học tiếp

GD&TĐ - Ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Chu Khánh Huyền đã quyết định đi làm thêm để có tiền chuẩn bị cho kế hoạch vào đại học.

Chu Khánh Huyền đạt số điểm 28.25, xuất sắc trở thành thủ khoa khối C19 (Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5, GDCD 9,75) toàn Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Ảnh NVCC.
Chu Khánh Huyền đạt số điểm 28.25, xuất sắc trở thành thủ khoa khối C19 (Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5, GDCD 9,75) toàn Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Ảnh NVCC.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Chu Khánh Huyền đạt số điểm 28.25, xuất sắc trở thành thủ khoa khối C19 (Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5, GDCD 9,75) toàn Trường THPT Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Ngoài ra, khối C00 của nữ sinh cũng có số điểm không hề kém cạnh 27,75 điểm.

Bí kíp ôn thi hiệu quả

Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, Khánh Huyền luôn tự ý thức mình cần phải làm gì mới có thể thay đổi cuộc đời và giúp bố mẹ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong khoảng thời gian nghỉ dài này, nữ sinh đã chọn đi làm thêm, chuẩn bị tiền sinh hoạt phí trước khi lên Hà Nội nhập học.

Chia sẻ về phương pháp học tập, Khánh Huyền cho biết, em luôn chủ động học bài, không để bố mẹ phải nhắc nhở hay thầy cô phàn nàn. Mỗi khi gặp vấn đề khó hiểu, em sẽ tìm đến bạn bè nhờ giúp đỡ hoặc hỏi thầy cô.

“Số điểm 28,25 là kết quả của một quá trình dài, em đã cố gắng rất nhiều để đạt thành tích đó. Biết điểm thi, người đầu tiên em thông báo là bố mẹ, nhờ bố mẹ nên em mới có thể đến trường như hôm nay”, nữ sinh tâm sự.

Mỗi môn học, cô nữ sinh người Hưng Yên sẽ có một phương pháp khác nhau để làm sao cho hiệu quả. Cụ thể, môn Ngữ văn, Khánh Huyền tập trung học trước nội dung chính của các tác phẩm, sau đó lên lớp nghe cô giáo giảng để hiểu sâu từng chi tiết.

“Môn Ngữ văn khá khó nhằn với em, nhưng điều giúp em đạt cảm xúc thăng hoa trong quá trình làm bài chính là tình yêu nước. Em rất tâm đắc với tác phẩm Đất Nước”, Khánh Huyền nói.

Trong khi, nhiều thí sinh gặp khó lúc ôn tập môn Lịch sử, thì nữ sinh lại cảm thấy tương đối “dễ thở”. Ngay từ ngày còn bé, em thường xuyên được nghe những câu chuyện về chiến tranh từ ông nội, nên Khánh Huyền thêm yêu thích lịch sử và đam mê môn học này.

Tương tự, ở môn Địa lí, nữ sinh cũng không gặp khó và em tự tin giành điểm cao trước khi bước vào phòng thi chính thức. Chia sẻ về phương pháp học môn Địa lí, Khánh Huyền cho biết, em chỉ học ở trên lớp và nắm từ khóa chính.

Nữ sinh cũng không thức khuya học bài, em ưu tiên dậy sớm để học. Đối với Khánh Huyền, ôn thi là cả quá trình dài, nếu không đảm bảo sức khoẻ thì không thể làm bài thi tốt.

“Từ kinh nghiệm của mình, em thấy học buổi sáng sẽ giúp bản thân tỉnh táo hơn và tạo động lực học tập cho cả ngày hôm đó. Mỗi khi áp lực và mệt mỏi, em thường đạp xe một mình hoặc đi ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi”, Khánh Huyền cho hay.

lt2.jpg
Khánh Huyền dự định đăng ký vào ngành Báo Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh NVCC.

Sự kỳ vọng lớn

Theo nữ sinh, nguồn động lực lớn nhất của bản thân chính là sự kì vọng và hi sinh mà bố mẹ đã dành em trong suốt 18 năm qua. Hơn ai hết, em cũng muốn nhìn thấy dáng vẻ tốt nhất của bản thân mình trong tương lai, tự tay thực hiện ước mơ từ thủa bé.

Khánh Huyền chia sẻ: “Trước ngày em biết điểm, em đã rất hồi hộp và lo lắng, bởi bài làm môn Ngữ văn chưa đúng với kỳ vọng của bản thân. Tuy nhiên, lúc kết quả hiện lên, em đã vỡ òa hạnh phúc và lao xuống nhà báo tin cho gia đình.

Lúc em nhìn thấy nụ cười ngập tràn trong đôi mắt của bố mẹ, em cảm thấy nỗ lực bao ngày qua của bản thân đã đền đáp xứng đáng”.

Từ bé, nữ sinh đã nuôi ước được đi đây, đi đó để khám phá và tiếp xúc với nhiều người mới, môi trường mới. Do đó, Khánh Huyền dự định đăng ký vào ngành Báo Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền để thực hiện ước mơ.

Trước khi bước sang trang mới của cuộc đời, Khánh Huyền muốn gửi lời cảm ơn đến gia đình và bạn bè, mọi người luôn bên cạnh và cổ vũ tinh thần cho em.

“Mẹ thường nấu cho em những bữa cơm ngon để em có sức học bài, buổi tối em lại được cùng bạn ôn thi và nhận về sự tâm huyết giảng dạy từ các thầy cô dưới mái Trường THPT Văn Giang. Nhờ mọi người, em mới có được thành công như ngày hôm nay”, Khánh Huyền tâm sự.

Khi nói về cô học trò do mình chủ nhiệm, cô Lê Thị Thanh Thuỷ - giáo viên Trường THPT Văn Giang cho biết, bản thân cô có ấn tượng lớn đối với Khánh Huyền khi em vừa mới vào lớp 10. Ngày mưa cũng như ngày nắng, em luôn đến trường đầy đủ và tích cực tham gia mọi hoạt động của lớp.

“Thời điểm Khánh Huyền học lớp 10, toàn trường phải học online vì dịch Covid-19. Theo tôi quan sát, dù học trực tuyến nhưng em ấy vẫn luôn chuẩn bị bài vở đầy đủ, ngồi nghe cô giảng từ đầu đến cuối và thường xuyên giơ tay phát biểu.

Ngoài ra, Khánh Huyền còn biết cách áp dụng nhiều phương pháp học tập hiệu quả, chủ động tìm kiếm và học từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Tôi cảm thấy may mắn, vì được chủ em trong suốt 3 năm qua”, cô Thủy nhận xét.

Tuy nhiên, so với các thành viên trong lớp, nữ sinh vẫn còn chút rụt rè và trầm tính hơn. Cô Thủy hi vọng, trong 4 năm đại học sắp tới, em sẽ không ngại thay đổi, sẵn sàng bứt phá bản thân và sớm trở thành nữ phóng viên đa tài, có nhiều tác phẩm hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.