Đôi nét về thạc sĩ An Bích Vân
Sinh năm 1991, cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Hà Nội (2009 – 2013);
Học bổng toàn phần Australia Awards Scholarship của Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT) năm 2016;
Thạc sĩ ngành Công tác Xã hội tại trường Đại học Monash(Melbourne, Australia);
Cựu Chủ tịch Câu lạc bộ tiếng Anh Better Life Vietnam (BLV) –xây dựng các hoạt động phi lợi nhuận cho sinh viên và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;
Đã từng tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ toàn cầu của AIESEC Malaysia tại Kuala Lumpur trong hai tháng;
Đã từng công tác tại các tổ chức xã hội Việt Nam và Quốc tế (như Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng; tổ chức OXFAM, …).
Hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững, với vai trò cán bộ chương trình quản trị quyền trẻ em và điều phối viên “Khảo sát Thúc đẩy Tiếng nói của Trẻ em” tại 7 tỉnh và thành phố trên cả nước.
Hành trình biến giấc mơ thành hiện thực
Chặng đường thực hiện ước mơ của Bích Vân bắt đầu từ những năm học đại học. Cô luôn cố gắng học tập chăm chỉ để có thành tích tốt, tích cực tham gia hoạt động xã hội. Dù là đi thực tập hay đi làm, Vân luôn cố gắng hết mình, làm việc nghiêm túc với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi.
Trước khi nộp hồ sơ, Bích Vân đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ càng, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước để trau chuốt hồ sơ và chuẩn bị tốt cho vòng phỏng vấn.
Năm 2016, Vân giành học bổng AAS của Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT) để đi du học. Thời gian đầu đặt chân đến xứ sở chuột túi, Bích Vân không tránh khỏi những bỡ ngỡ.
Cô nghiệm ra, sự chuẩn bị kỹ càng nhất nên là chuẩn bị về tư tưởng để khiến khó khăn, trở ngại thành bài học và kinh nghiệm quý giá mình không thể có được khi chỉ ở trong vùng an toàn của bản thân.
Xuất phát điểm là một Cử nhân chuyên ngành Tiếng Anh phiên dịch, Đại học Hà Nội nên tiếng Anh là một lợi thế của Bích Vân khi đi du học.
Yêu cầu của ngành Công tác xã hội (CTXH) của Úc đó là sinh viên cần hoàn thành 1.000 giờ thực hành để đạt điều kiện tốt nghiệp. Vân đã có cơ hội thực tập tại một bệnh viện lớn ở Melbourne, một trường tiểu học và một trường học chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ.
Ở đó, Vân tư vấn, giao tiếp với rất nhiều người nước ngoài, vì thế, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của Vân cũng được trau dồi mỗi ngày.
“Con đường nào rồi cũng có những đích đến để ta cùng cố gắng trên từng chặng mình sẽ qua. Trên từng chặng đường đó, chúng ta sẽ học được cách định hướng bản thân, cách để lên chiến lược cuộc đời và làm cách nào để biến giấc mơ thành sự thật”, Vân chia sẻ.
Mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội
Từ hồi còn là sinh viên năm thứ ba đại học, Bích Vân đã luôn khát khao khiến cho mọi người xung quanh được hạnh phúc hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn và tạo ra những tác động tích cực cho xã hội. Trong đó việc trở thành Chủ tịch câu lạc bộ tiếng Anh Better Life Vietnam là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô thạc sĩ 9X này.
Vân nói: “Mình và các thành viên câu lạc bộ đã cùng nhau tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện như dạy tiếng Anh và đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu niên tại Hà Nội, xây dựng tủ sách cho học sinh nghèo tại vùng nông thôn, trẻ em HIV/AIDS, quyên góp áo ấm và dạy học cho trẻ em vùng cao.
Từ đó, mình đã nuôi dưỡng đam mê làm việc trong lĩnh vực CTXH và quyết định tìm kiếm cơ hội du học, trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn từ các nước phát triển để có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em Việt Nam”.
Cô gái Việt có nhiều kỷ niệm khó quên trong hơn 3 tháng thực tập thực hành CTXH tại các bệnh viện lớn ở Melbourne (Australia). Sau mỗi lần hỗ trợ được mọi người, Bích Vân cảm thấy công việc này thật sự ý nghĩa và có thêm nghị lực, niềm tin cho mong muốn của mình với xã hội.
Bích Vân luôn nghĩ những giá trị cho đi là những giá trị còn mãi nên việc tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng từ lúc còn sinh viên hay tốt nghiệp rồi du học, cô vẫn dành thời gian để được cống hiến nhiều hơn, từ đó giúp bản thân có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, về con người và về công việc của mình.
“Định kiến giới” trong du học
Bích Vân được trao học bổng năm 25 tuổi và đi du học năm 26 tuổi. Cô thuộc nhóm sinh viên có độ tuổi trẻ nhất được trao học bổng toàn phần AAS 2016.
Khi được nhận học bổng du học thạc sĩ hai năm tại Australia, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đều chúc mừng và ủng hộ con đường học tập và sự nghiệp của Vân.
Tuy nhiên, một vài người cũng e ngại hỏi Vân rằng: “Thế này thì bao giờ Vân lấy chồng?”, hay “Sang Úc nhớ vác một anh Tây về nhé!”.
Một số người bạn quen biết của Vân cũng từng gặp những câu hỏi có nội dung kiểu “Phụ nữ học nhiều làm gì? Chỉ cần kiếm tấm chồng nuôi thân mình là được”,… hoặc ông bà, cha mẹ họ rất lo lắng khi con gái học cao mà vẫn chưa có người yêu, thúc giục lấy chồng, ưu tiên việc lấy chồng hơn việc phát triển sự nghiệp.
Được hỏi về nguyên nhân tại sao người phụ nữ luôn là người bị nhận những câu hỏi như vậy, nữ thạc sĩ trẻ tại Australia đáp: “Theo mình, nguyên nhân chính là do trong xã hội còn tồn tại những định kiến về vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, do tư tưởng trọng nam khinh nữ, đặc biệt là ở một số vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.
Người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về giới và bình đẳng giới cho nên trong xã hội vẫn tồn tại một nghịch lý đó là công việc nội trợ, chăm sóc con cái, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được coi là công việc của người phụ nữ, còn việc xây dựng, phát triển sự nghiệp là công việc của đàn ông.
Bên cạnh đó, mặc dù người phụ nữ đảm nhiệm một trọng trách to lớn trong việc xây dựng tổ ấm nhưng nhiều khi vai trò của họ vẫn chưa được công nhận bởi có những định kiến cho rằng các công việc này không mang lại giá trị kinh tế.
Do đó, người đàn ông vẫn được coi là trụ cột kinh tế và là người nắm giữ quyền quyết định trong gia đình.
Theo quan điểm của mình nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục và đào tạo do đó mình luôn ước mơ được ra thế giới và quyết tâm đi du học”.
Thạc sĩ ngành CTXH mong muốn: “Chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giới và bình đẳng giới và đặc biệt là bản thân người phụ nữ.
Khi phụ nữ hiểu được những quyền lợi của mình và có kiến thức về giới và bình đẳng giới, họ sẽ trở tự tin, độc lập, dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình nếu như bị đối xử không công bằng, giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thực hiện bình đẳng giới bởi gia đình có tác động trực tiếp tới nhận thức của các thế hệ tiếp theo.
Vấn đề này cũng cần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban ngành, các cơ quan nhà nước với các tổ chức xã hội, và cả lĩnh vực tư nhân trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”.