Nữ sinh người dân tộc Nùng đạt điểm 10 môn Địa lý

GD&TĐ - Vốn sinh ra ở một xã miền núi của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, từ nhỏ Nông Thị Huyền Như đã hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của học sinh miền núi khi đến trường để theo đuổi con chữ. Bởi vậy, đi học Như tự ý thức cho bản thân phải nỗ lực, cố gắng hết sức mình học hành sau này thay đổi cuộc đời.

Nông Thị Huyền Như thí sinh đạt 10 điểm môn Địa lí. Ảnh NVCC.
Nông Thị Huyền Như thí sinh đạt 10 điểm môn Địa lí. Ảnh NVCC.

Học để thay đổi cuộc đời

Là con cả trong gia đình có hai chị em, bố mẹ làm nông suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bởi vậy Huyền Như hiểu ngoài việc học thì không còn cách nào khác để thoát khỏi cảnh vất vả, nắng mưa.

Mỗi ngày đến lớp Huyền Như cố gắng chăm chỉ học hành, lên lớp 6 Như bắt đầu sống xa bố mẹ đi học Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở huyện Cao Lộc (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Cũng chính những năm tháng đó, Huyền Như đã phải tự lập, tự nhắc nhở mình học tập, rèn luyện.

Lên lớp 9 khi Cao Lộc chưa có trường nội trú dành cho học sinh cấp ba, Huyền Như quyết tâm học để thi đậu vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Lộc Bình. Như kể: “Em muốn học nội trú để giảm bớt gánh nặng chi phí học hành cho bố mẹ. Qúa trình học ở trường nội trú, em được thầy cô quan tâm, chăm sóc.

Ngày học trên lớp, đêm về cùng các thầy cô lại ôn bài, kèm cặp học sinh giúp chúng em có thể nắm vững chương trình học hơn, đặc biệt những phần nào chưa hiểu chính buổi ôn tập đó em có cơ hội hỏi các thầy cô nhiều hơn".

"Nhiều hôm, thầy cô giảng bài đến 22 giờ vẫn chưa nghỉ bởi nhiều bạn chưa nắm được vững bài học. Từ những hi sinh đó của thầy cô, em ước mơ sau này mình có thể trở thành cô giáo, truyền lửa đam mê cho học sinh”, Huyền Như nói thêm.

Để thực hiện ước mơ làm cô giáo, trong những năm cấp ba, Huyền Như luôn cố gắng làm hết bài tập sau mỗi ngày học, thời gian rảnh sẽ đọc thêm tài liệu, nghiên cứu bài học mới để nắm chắc trước khi lên lớp.

Cũng nhờ vậy mà kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022, Huyền Như đã đạt điểm tuyệt đối môn Địa lý.

Như chia sẻ: “Khi biết mình được 10 điểm môn Địa lý, em bất ngờ và cảm thấy rất hạnh phúc. Điểm 10 này đã minh chứng cho công sức rèn luyện miệt mài ba năm học phổ thông của mình.

Bên cạnh đó, điểm 10 này em đạt được là nhờ mà sự hỗ trợ, miệt mài của các thầy cô ở trường trong thời gian em học tập tại trường. Thầy cô không quản ngày đêm để giảng dạy cho chúng em, đặc biệt là người truyền cảm hứng để cho chúng em học tập”.

Như cũng chia sẻ thêm, vốn là học sinh rất yêu thích môn Địa lý, do đó trước mỗi câu hỏi bài tập Như luôn cố gắng đọc kỹ yêu cầu đề bài, làm cẩn thận để không sai những câu dễ (đặc biệt không để sai Atlat).

“Đối với phần kiến thức khó, quá trình học trên lớp em cố gắng chăm chú nghe cô giảng để nắm chắc kiến thức cơ bản. Đêm về, em làm nhiều bài tập, luyện nhiều đề và tìm hiểu các kĩ năng làm bài để hạn chế sai sót tối đa”, Như chia sẻ.

Như cũng chia sẻ thêm, để học hiệu quả môn xã hội, ngoài ghi chép đầy đủ bài giảng trên lớp, hệ thống hóa lại các ý chính bằng sơ đồ tư duy.

“Đặc biệt phải hiểu được bản chất của kiến thức đó, nếu không nắm chắc thì dù hôm nay học đã thuộc bài những ngày mai sẽ quên hết”, Như nhấn mạnh.

Cũng nhờ phương pháp học đó, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 ba môn Như dùng để xét tuyển đại học gồm Ngữ văn, Lịch Sử, Địa lý Như đạt 27 điểm. Trong đó Ngữ văn đạt 8 điểm, Địa lý 10 điểm và môn Lịch sử 9 điểm.

Nữ sinh Nông Thị Huyền Như sẽ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Nữ sinh Nông Thị Huyền Như sẽ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh NVCC.

Nỗ lực để học tốt

Vốn xuất thân từ con nhà nông dân, bởi vậy khi học ở trường nội trú Như quý từng phút giây của mình có để học bài, tham gia các hoạt động do trường, lớp tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống.

Huyền Như chia sẻ: “Học nội trú giúp cho bản thân em rèn luyện được tính tự lập, dạy cho em cách lên kế hoạch học, sinh hoạt sao cho điều độ. Đặc biệt, em sẽ có nhiều thời gian để tập trung học tập. Các bạn ở đây ai cũng xa nhà do đó rất quan tâm, bảo ban nhau học hành để thực hiện ước mơ”.

7 năm sống ở môi trường nội trú đã giúp cho Huyền Như hiểu tất cả những bạn đến đây đều xa gia đình, vào những dịp lễ tết không được về nhà thì trường, lớp thầy cô chính là gia đình thứ hai của mình.

“Do vậy, chính những tình thương yêu đó tiếp thêm động lực cho em mỗi lúc nhớ nhà, những lúc khó khăn”, như chia sẻ

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Tú Oanh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Lộc Bình (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: “Khi biết tin học sinh của mình đạt điểm tuyệt đối tôi thực sự hạnh phúc vỡ òa, đó là món quà vô giá mà không gì có thể so sánh được đối với những người thầy cô như chúng tôi.

Mỗi học sinh khi vào trường cho đến khi ra trường chúng tôi đều mong muốn các em khôn lớn, trưởng thành. Sự trưởng thành của các em chính là động lực để mỗi người thầy cô như chúng tôi phấn đấu, nỗ lực để giảng dạy hơn nữa”.

Như là một trong số những học sinh của nhà trường giành điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô Tú Oanh chia sẻ: “Huyền Như là một học sinh chăm chỉ, chịu khó và rất siêng năng, luôn cầu thị trong học hành, đặc biệt rất nghị lực. Như đã phải sống xa bố mẹ do vậy em đã có ý thức tự giác học hành, không bao giờ để thầy cô nhắc nhở. Mỗi bài khó Huyền Như đều cố gắng mày mò, nghiên cứu bằng mọi cách để có thể làm được.

Do đó, điểm 10 môn Địa lý của Huyền Như sẽ là động lực, tấm gương cho các em học sinh khóa sau học tập, phấn đấu”, cô Tú Oanh nói.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm năm 2022 Lạng Sơn có 9.665 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có gần 7.400 thí sinh lớp 12 Trung học phổ thông, hơn 1.600 thí sinh Chương trình giáo dục thường xuyên và 651 thí sinh tự do).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...