Nữ sinh Gia Rai tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Kinh tế - Luật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Đinh Rơ Lan Thảo, nữ sinh người Gia Rai, tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM năm 2023 với điểm trung bình 8,35.

Đinh Rơ Lan Thảo, tân cử nhân Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: Mạnh Tùng
Đinh Rơ Lan Thảo, tân cử nhân Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: Mạnh Tùng

Cô gái Tây Nguyên lấy bằng giỏi

Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM diễn ra từ ngày 18 đến 20/7.

Hơn 1.300 tân cử nhân đại học hệ chính quy, chương trình liên kết quốc tế, văn bằng 2 ở tất cả ngành nhận bằng tốt nghiệp. Trong số đó, Đinh Rơ Lan Thảo, tốt nghiệp chương trình Kinh tế đối ngoại, là một trong số ít tân cử nhân người dân tộc thiểu số. Thảo đạt bằng giỏi với điểm trung bình toàn khóa 8,35.

Lan Thảo sinh năm 2001 ở TP Pleiku, Gia Lai, có bố là người Ba Na, mẹ là người Gia Rai. Thảo mê học tiếng Anh từ nhỏ, thích xem các chương trình truyền hình dẫn bằng tiếng Anh.

Lên bậc THCS, em hay tham gia các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh, thường xuyên giành điểm tốt môn học này. Điều này khiến nữ sinh quyết tâm thi vào lớp chuyên Anh, Trường THPT chuyên Hùng Vương của tỉnh. Ước mơ đỗ vào trường chuyên thành hiện thực nhưng Thảo không định hướng thi học sinh giỏi tiếng Anh mà tập trung học tốt các môn.

Lan Thảo (thứ ba từ trái qua) cùng các bạn trong chiến dịch Xuân tình nguyện. Ảnh: NVCC

Lan Thảo (thứ ba từ trái qua) cùng các bạn trong chiến dịch Xuân tình nguyện. Ảnh: NVCC

Năm 2019, em thi tốt nghiệp THPT và đỗ vào chương trình Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật với 26,2 điểm ở tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), chưa tính các điểm ưu tiên. Trong lớp Kinh tế đối ngoại với khoảng 80 người, Lan Thảo cũng là sinh viên duy nhất người dân tộc thiểu số.

Có bố làm bộ đội, mẹ là công chức, việc học của Lan Thảo được gia đình rất quan tâm, vun đắp. Em thường xuyên được bố mẹ động viên học tập, chỉ bảo để vượt qua mỗi lúc gặp khó khăn.

Ba năm đầu ở bậc đại học, Thảo ở trọ tại khu Ký túc xá ĐHQG TPHCM tại TP Dĩ An, Bình Dương. Năm cuối, em chuyển lên ở trọ tại TP Thủ Đức, TPHCM để tiện cho việc thực tập.

Khi được hỏi bí quyết để học giỏi ở trường đại học, Lan Thảo nói, không có gì quá “cao siêu”. “Em cố gắng đọc trước giáo trình, tài liệu trước giờ lên lớp. Trong lúc học, cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản mà thầy cô truyền đạt, về nhà ôn lại một lượt để ghi nhớ”, Thảo chia sẻ.

Nữ sinh cũng khiêm tốn khi cho biết, trong lớp có rất nhiều bạn tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi với số điểm cao hơn mình. Các bạn đều chăm chỉ và có phương pháp học tập khoa học.

Lan Thảo tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh ở Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: NVCC

Lan Thảo tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh ở Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: NVCC

Vừa qua, Lan Thảo hoàn thành xong khóa thực tập tại một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực Logistics. Đây cũng là chuyên ngành mà tân cử nhân định hướng chuyên sâu cho công việc sau này.

“Em thích làm ở các công ty đa quốc gia bởi môi trường chuyên nghiệp, các chế độ cho nhân viên tốt, minh bạch. Trước mắt, sau khi lấy bằng tốt nghiệp, em muốn làm việc tại TPHCM một vài năm để tích lũy kinh nghiệm và trau đồi kỹ năng công việc”, Thảo chia sẻ.

Những sinh viên vượt khó trong đại dịch

Trong số hơn 1.300 tân cử nhân tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế - Luật đợt này, có gần 1.200 thuộc khóa 19, 105 sinh viên tốt nghiệp trước hạn, 42 sinh viên khóa 19 tốt nghiệp thuộc chương trình cử nhân tài năng và 8 sinh viên tốt nghiệp song bằng.

Cũng như Đinh Rơ Lan Thảo, hàng nghìn tân cử nhân của đợt tốt nghiệp năm nay có những dấu ấn đặc biệt khi là khóa sinh viên trải qua những năm tháng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Lễ tốt nghiệp năm 2023 của Trường ĐH Kinh tế - Luật ngày 18/7. Ảnh: UEL

Lễ tốt nghiệp năm 2023 của Trường ĐH Kinh tế - Luật ngày 18/7. Ảnh: UEL

Tại lễ tốt nghiệp ngày 18/7, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng nhà trường chúc mừng các tân cử nhân và nhắn gửi họ: “Nhận bằng cử nhân là sự khởi đầu, chuyển tiếp sang một hành trình mới của cuộc đời mà ở đó, các em phải có trách nhiệm nhiều hơn và đóng góp hữu ích hơn, đem lại nhiều giá trị hơn cho gia đình và xã hội”.

Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, tốt nghiệp đại học đồng nghĩa, các tân cử nhân có đủ kiến thức, hiểu biết và năng lực để có thể lập nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn mình được đào tạo. Tuy nhiên, chỉ có tri thức là chưa đủ. Tri thức phải song hành cùng nhân cách và đạo đức.

“Tương lai đang nằm trong tay các em và ít nhất phụ thuộc vào ba yếu tố của chính bản thân các em. Thứ nhất là tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Thứ hai là đam mê, nghị lực và sự dấn thân. Thứ ba là khả năng học tập suốt đời, tư duy đổi mới để luôn tiến về phía trước”, Hiệu trưởng nói.

Cũng tại lễ tốt nghiệp, tân cử nhân Lê Thanh Hải được vinh danh khi tốt nghiệp song bằng loại xuất sắc ngành Kinh doanh quốc tế và Thương mại điện tử. Hải đã chia sẻ về những khó khăn trong quá trình học tập do ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng như những nỗ lực vượt khó của em và bạn đồng trang lứa.

“Trên giảng đường, những người lái đò thầm lặng vẫn cần mẫn trao tặng cho chúng em những kiến thức quý giá nhất cuộc đời, về sự nghiệp, về tương lai của cả một thế hệ đang khát khao được cống hiến”, Lê Thanh Hải, đại diện cho tân cử nhân, phát biểu cảm nghĩ ngày tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ