Hai “cô tiên” của bệnh nhân nhí
Đến bệnh viện Bạch Mai vào sáng sớm 22/9, chúng tôi được dịp chứng kiến hình ảnh hai cô gái ngoại quốc đang quỳ gối xuống nền nhà, cúi người xoa bóp chân cho một bệnh nhân nhí. Cách chăm sóc ân cần, dịu dàng, nâng niu như người mẹ chăm sóc cho đứa con nhỏ khiến những ai chứng kiến đều xúc động.
Jeanne và Adriana đang chơi đùa và tập luyện cho bé Thôn. Ảnh Dương Nhung
Hai cô gái đó là Jeanne H.Nielsen và Adriana Agnieszka Funke, cả hai đều là sinh viên một trường y khoa tại Đan Mạch. Hai nữ sinh đăng ký thực tập tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 9/2016 để được chăm sóc các bệnh nhân tại đây. Jeanner và Adriana được trẻ em và các phụ huynh ở đây gọi với cái tên rất thân thiện: “Cô Tây”.
Jeanne chia sẻ: “Chúng tôi chọn Việt Nam là nơi thực tập, vì qua sách báo, chúng tôi được biết đó là một đất nước kiên cường và có nhiều giá trị lịch sử; con người nơi đây thật sự hiền hậu. Đặc biệt, trẻ em ở đây rất đáng yêu. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ họ”.
Hàng ngày, từ 8h sáng, sau khi các em bé đã uống thuốc và ăn sáng xong, Jeanne và Adriana sẽ đến để chơi đùa, chăm sóc và kiểm tra sức khỏe cho các em.
Hai "cô Tây" đang tập luyện cho Thôn. Ảnh Dương Nhung
Trao đổi với PV VTC News, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Hai cô gái Đan Mạch đến thực tập tại đây trên tinh thần tự nguyện. Tính đến thời điểm hiện tại, hai nữ sinh này còn 4 tuần thực tập tại đây.
Thời gian qua, hai nữ sinh đã giúp đỡ y bác sĩ rất nhiều trong việc chữa trị cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Việc điều trị bằng biện pháp xoa bóp, thể dục và vui chơi cùng các cháu đóng vai trò rất quan trọng cho việc phục hồi sức khỏe của các bé. Hai nữ sinh này rất tâm huyết và chủ động trong mọi việc…”
Vừa trị liệu vừa học tiếng Việt qua… Google
Trong số các bệnh nhân tại khoa Nhi, em Võ Khắc Thôn (14 tuổi, thôn Liễu Nội, xã Khánh Hòa, huyện Thường Tín, Hà Nội) được hai nữ sinh Đan Mạch đặc biệt quan tâm hơn cả. Sau 5 năm trời chạy chữa đủ các biện pháp Đông Tây y kết hợp, ở nhiều nơi như: Viện Tâm Thần, Bệnh viện Nông nghiệp…, nhưng bệnh bại liệt của em vẫn không hề thuyên giảm.
Ngày 2/9 vừa rồi, em nhập viện Bạch Mai, nhìn người mẹ già khắc khổ cõng con đi nhập viện, hai nữ sinh đã tham gia giúp đỡ và quan tâm em từ đó.
Thôn đã có thể tự mình bước đi - một kỳ tích. Ảnh Dương Nhung
Đến nay đã 20 ngày trôi qua, đều đặn mỗi sáng, Jeanne và Adriana lại đến bệnh viện kiểm tra đôi chân của Thôn. Mở đầu quá trình kiểm tra, hai “cô Tây” sẽ dìu Thôn tập bước đi trên các bậc thang của bệnh viện. Chỉ một thời gian ngắn, từ bại liệt không thể di chuyển đến nay, Thôn đã có thể tập tễnh bước đi.
Sau hai vòng tập đi, Thôn sẽ được các chị xoa bóp các vùng xương và gập duỗi chân. Với vốn tiếng Việt ít ỏi, mỗi bước đi của Thôn, Adriana và Jeanne lại không ngừng hỏi thăm “đau không?”, “mệt không ?”...
Bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Thôn) nói trong nước mắt: “Thôn bị liệt từ năm lớp 4. Sau 5 năm chạy chữa, cháu vẫn không thể đi lại được, thường xuyên lên cơn co giật. Từ ngày vào bệnh viện Bạch Mai, được hai “cô Tây” giúp đỡ, tập luyện, nay cháu đã có thể tự đi chơi, tự đi vệ sinh một mình. Gia đình tôi vô cùng vui mừng, mong sao cháu sớm bình phục…”.
Hình ảnh hai cô gái ngoại quốc chăm sóc tận tình cho bệnh nhân luôn khiến nhiều người chú ý, họ đứng vây quanh để nhìn cách chăm sóc bệnh nhân của “cô Tây”, bày tỏ sự khâm phục.
Một y tá tại bệnh viện chia sẻ: “Hai bạn ấy rất thân thiện với mọi người. Họ không ngại khó khăn, vất vả hay bệnh tật, nhìn cách họ chăm sóc bệnh nhân bằng cách quỳ gối, ân cần nâng niu đôi chân của người bệnh, chúng tôi rất cảm phục”.
Hai nữ sinh Đan Mạch phải sử dụng điện thoại để tra cứu ngôn ngữ, trao đổi thông tin. Ảnh Dương Nhung
Thôn và hai “cô Tây” thường xuyên trao đổi với nhau bằng cách viết lên điện thoại và sử dụng công cụ dịch ngôn ngữ trên công cụ tìm kiếm Google để theo dõi tình trạng bệnh. Mặc dù khác biệt ngôn ngữ nhưng cả người bệnh và người chữa trị chưa bao giờ nản chí.
Adriana cho biết: “Thôn rất chịu khó tập luyện, bệnh của em đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Hi vọng, trước khi thời gian thực tập kết thúc, chúng tôi có thể tạo ra một điều kì diệu cho em”.
Trước khi ra về, tôi vẫn còn nhớ mãi nụ cười của bé Thôn rạng ngời sau mỗi bước đi – điều mà suốt 5 năm qua, em đã bị bệnh bại liệt quái ác cướp đi. Bên cạnh em là người mẹ hạnh phúc, nhìn con biết bước đi mà nước mắt rơi lúc nào không hay. Cái cách hai “cô Tây” lấy khăn lau nước mắt cho người mẹ ấy như càng làm cho bức tranh giản dị, chất chứa tình người thêm sáng hơn.