Đó là chia sẻ của em Nguyễn Thị Hiền, cô nữ sinh nghèo học giỏi vượt khó của trường THPT Nguyễn Văn Trỗi phải bỏ kì thi tốt nghiệp vừa qua để chịu tang bố khi được nhiều trường đại học liên hệ tiếp nhận em vào học.
Ngay sau khi Báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết về tình cảnh của em Nguyễn Thị Hiền (thôn Kim Tân, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), nhân vật trong bài viết “Số phận nghiệt ngã của nữ sinh nghèo học giỏi phải bỏ thi tốt nghiệp vì đúng ngày bố mất!”, nhiều trường đại học trên cả nước đã liên hệ với gia đình , sẵn sàng tiếp nhận nữ sinh tội nghiệp này.
Chiều ngày 14/7, Tiến sĩ Đoàn Hoài Sơn – Hiệu phó phụ trách Trường Đại học (ĐH) Hà Tĩnh dẫn đầu đoàn cán bộ của trường này về tận nhà em Hiền thăm hỏi, động viên, sẻ chia tình cảnh với gia đình.
Chứng kiến hoàn cảnh éo le, khó khăn của gia đình Hiền - bố vừa mất, mẹ bị tai biến ngồi một chỗ. Nhìn cảnh 3 chị em Hiền khuôn mặt thẫn thờ vẫn quấn trên đầu 3 vành khăn trắng khiến mọi người trong đoàn cán bộ Trường ĐH Hà Tĩnh ai cũng cảm thấy xót xa, chạnh lòng trước những biến cố vừa xảy ra với gia đình mà các em phai trải qua.
Đoàn đã rất xúc động khi được người thân, đại diện cấp ủy, cán bộ thôn Kim Tân kể về nỗ lực vượt khó cả trong chăm sóc bố mẹ bệnh tật, lẫn nỗ lực vươn lên trong học tập của em Hiền. Lắng nghe những câu chuyện vượt khó, sự đời nghiệt ngã, trớ trêu cuộn lấy cô nữ sinh thân thương, tội nghiệp, nhiều thầy cô trong đoàn đã xúc động đến rơi nước mắt.
Trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà và chính quyền địa phương, tiến sĩ Đoàn Hoài Sơn mang đến cho em Hiền và gia đình một thông tin vui. Đó là sau khi biết thông tin hoàn cảnh của em Hiền trên Báo Dân trí, nhà trường đã hội ý và đi đến quyết định rất nhanh về việc tiếp nhận Hiền vào học ở ngôi trường này.
“Hôm nay chúng tôi có mặt ở đây, trước nữa là để động viên sẻ chia với mất mát, đau thương khi cháu mất đi người bố, rồi còn phải chăm mẹ bệnh nặng và 2 em còn nhỏ; sau đó là thông tin quyết định tiếp nhận cháu vào theo học ở trường” - thầy Sơn thông tin tới gia đình em Hiền.
Không chỉ tiếp nhận em Hiền vào theo học, mà nhà trường còn cam kết miễn các khoản đóng góp cho em. Ngoài ra, theo thầy Sơn, Trường ĐH Hà Tĩnh có một hệ thống các trường cơ sở trực thuộc từ bậc Mầm non đến THPT, khi tốt nghiệp ĐH, nếu Hiền có nguyện vọng, nhà trường sẽ lo công việc cho nữ sinh này.
“Nhà trường mời em vào học ở trường còn có một điều nữa là khoảng cách từ nhà đến Trường ĐH Hà Tĩnh cũng không quá xa, có thể đi về trong ngày hoặc tranh thủ cuối tuần. Như thế học tại Trường ĐH Hà Tĩnh, cháu lại có thể tranh thủ thời gian lo lắng, săn sóc mẹ bệnh tật và chăm lo cho 2 đứa em nhỏ” - thầy Sơn nói.
Lời gợi mở của lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh nhận được nhiều ý kiến đồng tình của lãnh đạo huyện, xã và người thân của em Hiền. “Chú nghĩ rằng lời gợi mở của thầy Sơn là rất hợp lí, cháu nên suy nghĩ về phương án này. Học tại Hà Tĩnh, không chỉ gần chăm sóc mẹ và các em, cháu còn có cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường”- ông Hoàn đưa ra lời góp ý với Hiền.
Cùng với Trường ĐH Hà Tĩnh, đã có nhiều trường đại học khác trên cả nước (trong đó có ĐH QG HN, ĐH QG TP.HCM) đã liên hệ với Hiền thông báo sẵn sàng tiếp nhận em.
Việc được nhiều trường ĐH sẻ chia, đặc cách tiếp nhận khiến Hiền hết sức xúc động. Cô nữ sinh tội nghiệp cho biết, trong thời gian ở nhà chịu tang cha, chăm sóc mẹ, em sẽ suy nghĩ thấu đáo lời mời từ các trường ĐH.
“Cháu rất cảm động trước sự quan tâm, giúp đỡ, sự thương yêu, ưu ái của các bác, các nhà trường dành cho cháu và gia đình. Cháu sẽ suy nghĩ thật nhiều và có lựa chọn phù hợp để vừa có thời gian chăm sóc mẹ, các em; vừa học thật tốt để không phụ tấm lòng, sự bao dung của các thầy, các nhà trường đã sẻ chia với điều không may mà cháu gặp phải”- Hiền xúc động nói.