1.
Nữ sĩ Ý Nhi quê gốc Quảng Nam. Lý lịch của chị không thể không nhắc hai yếu tố, thân phụ là giáo sư Hoàng Châu Ký và phu quân là giáo sư Nguyễn Lộc. Thế nhưng, cuộc đời của chị đã gắn bó với thơ và được định đoạt bằng thơ. Sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội, nữ sĩ Ý Nhi bước vào làng thi ca và được đón nhận ngay từ những tác phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, thơ Ý Nhi không mấy phổ cập đối với giới công chúng yêu thích vần điệu du dương và ngôn ngữ tha thướt. Trong nửa thế kỷ làm thơ, nữ sĩ Ý Nhi từng ngày rời xa những ẩn dụ bóng bẫy và những ngữ vị diêm dúa, nên chị càng tách khỏi đám đông hào hứng ngâm vịnh. Tính đại chúng của thơ Ý Nhi chỉ thể hiện qua hai ca khúc được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc dựa trên thơ chị là “Romance 1” và “Trong ánh chớp số phận”.
Ca khúc “Romance 1” lấy ca từ gần như đầy đủ từ bài thơ “Vườn 1” của nữ sĩ Ý Nhi: “Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn/ em muốn trốn vào sự bình yên/ em muốn trốn sâu mãi/ sâu mãi vào tình yêu của anh/ Đôi lần/ em nhìn tán cây mà ứa nước mắt/ vì màu xanh/ Đôi lần/ em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt/ vì sự trong trẻo/ Rồi em khóc vì đốm nắng lan trên vạt cỏ/ vì bông hoa trắng như giọt lệ/ vì phiến đá dần tan trong ly nước mùa hè…/ Rồi em muốn được ra đi như thế/ ra đi mà tràn đầy biết ơn/ ra đi/ mà trên đôi mi đã khép/ còn lăn chảy giọt nước mắt hân hoan”.
Ca khúc “Trong ánh chớp số phận” sử dụng chủ yếu một đoạn trong bài thơ “Năm lời cho bài hát” của nữ sĩ Ý Nhi: “Trong ánh chớp của phận số/ em đã kịp nhìn thấy anh/ Trong vòng quay không ngừng nghỉ của phận số/ em đã dừng lại đúng nơi anh/ ôi thời khắc huy hoàng/ Em lặng lẽ nói cười/ lặng lẽ nát tan/ em thành lá, thành sương, thành lửa/ Em lặng lẽ gọi kêu/ lặng lẽ cầu xin/ lặng lẽ chờ mong, lặng lẽ vỡ òa thành lệ…”. Và thật thú vị, nhạc sĩ Phú Quang chứng tỏ là một độc giả am tường thơ Ý Nhi khi cộng thêm vào ca từ của “Trong ánh chớp số phận” hai ý trong bài thơ “Viết nhân một câu thơ” có thay đổi chút ít, câu thơ “quỳ đã nở vàng ngoài dậu” thành câu hát “hàng dậu ấy hoa quỳ vàng đã nở”, còn câu thơ “xe cấp cứu đang chạy qua thành phố” thành câu hát “xe cấp cứu đang rúc còi đó chăng”.
2.
Nếu không tính tập thơ “Nỗi nhớ con đường” in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ và tập thơ “Cây trong phố chờ trăng” in chung với Xuân Quỳnh, thì nữ sĩ Ý Nhi xác lập sự nghiệp thi ca từ tập thơ “Đến với dòng sông” xuất bản năm 1978. Có một giai đoạn, nữ sĩ Ý Nhi cũng theo đuổi những câu thơ khuôn thước và lấp lánh như “Những cơn mưa báo rét/ Bay mờ cả dốc dài” hoặc “Sau mỗi cung đường biển oà lên bất chợt/ Sóng ngời ngời ánh mắt trẻ thơ” hoặc “Ngã ba sông buổi ấy bình yên/ Màu nước đỏ dường như nhạt lại/ Con thuyền mỏng như mảnh trăng nằm đợi/ Cây bên bờ cây còn chưa biết tên”.
Nếu tiếp tục lối viết ấy, nữ sĩ Ý Nhi cũng có thành tựu nhất định, bởi lẽ ở chị luôn có sự ngổn ngang và rối bời của một người đàn bà nhạy cảm “Đã bao lần nhớ đến tán cây kia/ Tôi tìm gặp một chút gì yên tĩnh/ Một chút gì chở che thương mến/ Trong nắng nôi bão gió của đời mình” hoặc “Có điều gì đã vỡ nát trong ta/ Đang kết lại dưới mặt trời như muối trắng/ Bài ca đã lãng quên bỗng thốt lời thương mến/ Như thể là gió biển hát qua môi”. Một phẩm chất không thể phủ nhận ở nữ sĩ Ý Nhi là sự tinh tế, để có thể chọn và đưa những khoảnh khắc chênh chao vào thơ: “buồm thẫm nâu trong chiều muộn chợt về/ hoa cúc trắng tần ngần qua các phố”.
Thơ Ý Nhi bắt đầu thay đổi từ khi nào? Vì sao chị khước từ những nhịp nhàng trầm bổng để dịch chuyển thơ về phía định dạng những câu nói gần gũi đời thường? Nữ sĩ Ý Nhi cho rằng, nhờ chj đã viết được bài thơ có tính mở cửa thẩm mỹ trong suy tư: “Đó là “Người đàn bà ngồi đan”, bài thơ mà mọi người thường nhắc đến. Mỗi thời sẽ nhìn bài thơ theo cách của mình, nhưng ở thời điểm ra đời, tôi cho rằng bài thơ có vai trò quan trọng. Đó là bước thay đổi của chính tôi và một phần nào đó ảnh hưởng đến sự thay đổi của thơ Việt Nam, vì bài thơ mang giọng điệu hoàn toàn mới.
Trước đó, thế hệ nhà thơ chống Mỹ trong chiến tranh đề cao con người công dân hơn con người cá nhân. Những người trẻ chắc không hiểu hết được nhưng khi đó, bao trùm không khí là tinh thần chiến đấu quả cảm, của niềm vui chiến thắng. Tinh thần này cũng chiếm lĩnh thơ. Nhưng sau đó, khoảng năm 1983, 1984, cuộc sống có nhiều thay đổi, thơ cũng thay đổi. Con người ta bắt đầu nói đến con người cá nhân, tâm trạng cá nhân. Không còn những tình cảm đồng nhất, một chiều. Thơ có tính nước đôi: vui và buồn, hạnh phúc và đau khổ, cô đơn và hòa đồng... Có thể nói là một giọng thơ khác, rất quan trọng với tôi!”.
Bài thơ “Người đàn bà ngồi đan” được nữ sĩ Ý Nhi sáng tác tháng 1-1984. Cả bài thơ không có ý nào tài hoa, cũng không có câu nào đột phá, nhưng dắt người đọc vào một không gian thơ bồi hồi và khó quên:
Người đàn bà ngồi đan
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
Không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực
Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộn len như quả cầu xanh
Đang lăn những vòng chậm rãi.
3.
Sau bài thơ “Người đàn bà ngồi đan”, nữ sĩ Ý Nhi tung tẩy trong phương pháp sáng tạo khác. Chị nhìn vào tâm hồn mình bằng cách chú giải về những nghịch lý trên cuộc đời. Chị tự thú: “Tôi là đứa trẻ muốn kêu to lên để nghe thấy lời mình trong biển/ là người đàn bà tìm về kết cục/ tôi đang đứng kề bên cái vạch nhỏ xíu/ của thủy chung và phản trắc, của tan vỡ và hy vọng, của hằn thù và tha thứ”, đồng thời chị chấp nhận: “Đôi khi ta như người leo núi rủi ro/ không phải vì kém cỏi/ không phải vì thiếu can đảm/ nhưng mà núi lở/ nào ai có thể bám vào khoảng không”.
Với thái độ ấy, nữ sĩ Ý Nhi nhanh chóng phát hiện sự thật “thi đàn hôm nay/ chật ních những kẻ bất tài, những kẻ lỗi thời/ họ giống như những người đàn bà không biết mình đã qua thì xuân sắc/ cứ tô vẽ nói cười, dở mọi trò ngạo ngược”. Và then chốt là chị nhận điện được trách nhiệm của một người cầm bút trước được mất của những người xung quanh, trước khuất chìm của cộng đồng còn bao nhiêu mệnh kiếp gieo neo sau cuộc chiến tranh dai dẳng chia lìa: “Những người đàn bà gánh trên vai hàng chục cái tang/ Những đứa sơ sinh chỉ một mình sống sót/ Những người yêu cách xa biền biệt/ Những cụ già trơ trọi chẳng cháu con/ Là người giữ bài ca qua suốt tháng năm, qua tất cả mọi vui buồn bão sóng/ Dù chỉ một lần bước trên cát nóng/ chỉ một lần hiểu thấu khúc ca kia/ Suốt đời tôi chẳng thể bao giờ/ đặt bút viết những điều dối trá”.
Tách khỏi dàn đồng ca thơ thánh thót, thơ đãi bôi, thơ thù tạc, thơ tán tụng, thơ tâng bốc, nữ sĩ Ý Nhi dĩ nhiên bơ vơ hơn và cô độc hơn. Nữ sĩ Ý Nhi lắm phen tự vấn: “Tôi không ưa đồ trang sức/ kể cả nhẫn, vòng và các chức danh/ Tôi rất ít bạn/ đôi khi tôi mất họ vì một lẽ nào đó/ ngoài 30 tuổi tôi không tìm thêm bạn mới/ và không thường giao du với các đồng nghiệp…/Tôi ngại các tiệc vui/ nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến những người xung quanh tôi vui sướng/ và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng”.
Đã mang lấy nghiệp vào thân, nữ sĩ Ý Nhi không trách trời gần lẫn trời xa, mà nhẹ nhõm với niềm riêng: “Tôi làm ra bài ca/ tự mình tôi hát/ tự mình khổ đau/ tự mình hạnh phúc/ tôi một mình lặng bước tới trùng khơi”. Trong nỗi âm thầm kiêu hãnh, nữ sĩ Ý Nhi thừa mạnh ưu điểm bản thân “chỉ có những ý nghĩ như lửa dưới vòm xanh trầm lặng”, nên chị tìm sự tự do một cách thanh cao và tìm sự giản dị một cách quyết liệt: “Không ai trói buộc/ không ai gông cùm/ không ai đánh đập/ không ai chửi mắng/ sao ta sống như trong lồng cũi?”. Chị giải quyết câu hỏi về lương tri người làm thơ giữa “Ngày thường” với sự đắn đo cần thiết: “Tôi cầm những đồng tiền lẻ/ như nhà thơ cầm giữ từ ngữ/ Những đồng tiền nhàu nát/ như những từ ngữ đã được dùng bao thế kỷ/ Tôi tính cách tiêu tiền/ khó khăn như nhà thơ tìm thi tứ”.
Nữ sĩ Ý Nhi trước và sau “Người đàn bà ngồi đan” có sự thay đổi rõ rệt về bút pháp. Năm 1975, chị đã “Viết cho con trên đường công tác” những câu lục bát: “Mẹ đi xa mấy dặm đường/ Bao nhiêu cảnh lạ vẫn thường có con/ Giấc lành con ngủ cho ngon/ Nghìn đôi mắt lá mãi còn xanh nguyên” thì hơn 20 năm sau chị lại nhủ thầm “Tập làm lục bát” trong tập thơ “Vườn” in năm 1998: “Biển xa sóng trắng như mây/ sông gần nước đã dâng đầy màu xanh/ ngủ đi anh, ngủ đi anh/ em xin cho giấc ngọt lành đêm nay”.
Còn ở mảng thơ tình, một nữ sĩ Ý Nhi trong tập “Đến với dòng sông” in năm 1978 rạo rực “Em đã đợi chờ anh suốt cuộc đời mình/ Như đá xám chờ tay người tạc tượng/ Sông khô cạn chờ mùa mưa lớn/ Cây giữa rừng đợi ánh mặt trời lên” được thay thế bằng một nữ sĩ Ý Nhi trong tập “Mưa tuyết” in năm 1991 ân cần: “Xin anh/ trong niềm vui/ nhớ đến em/ Xin anh/ trong nỗi buồn/ chia sẻ cùng em/ Xin anh/ mãi như em đã gặp/ đã yêu/ đã luôn chờ đợi/ Xin anh/ hãy yêu/ và tha thứ”.
Thơ Ý Nhi khước từ mọi kỹ nghệ đánh bóng chữ nghĩa, nên nhiều bài thơ chỉ cần chị không chú ý đến nhạc tính thì trở nên thô cứng. Một hạn chế nữa ở thơ Ý Nhi là những tựa đề đôi lúc quá đơn sơ, chỉ đặt tên như một thủ tục bắt buộc, nên chẳng giúp ích được gì cho độc giả trong quá trình mở rộng biên độ cảm xúc khi tiếp cận bài thơ. Ngược lại, trong nhiều trường hợp, chị chủ động ngắt nhịp câu thơ để hiệu quả diễn đạt cao hơn.