Nhà văn và nhà trường tương tác hiệu quả

GD&TĐ - Thông thường, sinh viên học tập và nghiên cứu văn học thường chỉ ngưỡng mộ nhà văn qua tác phẩm, ít khi được gặp nhà văn ngoài đời.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh trò chuyện với sinh viên văn trường Đại học Hồng Đức
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh trò chuyện với sinh viên văn trường Đại học Hồng Đức

Tuy nhiên, niềm ao ước được gặp tác giả vẫn dấy lên trong lòng nhiều sinh viên, bởi việc gặp trực tiếp tài năng văn chương mà mình ngưỡng mộ, vẫn tạo động lực rất lớn cho các em dấn thân nghiên cứu, hoặc sáng tạo văn học.

Xuất phát từ Bản giao ước giữa Hội Nhà văn Việt Nam với khoa Khoa học xã hội trường ĐH Hồng Đức-Thanh Hóa (ký kết năm 1998), nên mỗi khi các đoàn nhà văn thuộc Hội đi thực tế Thanh Hóa đều có chuyến thăm và giao lưu với giảng viên, sinh viên nhà trường.

Những cuộc gặp gỡ như thế đều mang lại hiệu quả lớn cho cả hai bên, về phía các nhà văn có thêm niềm vui khi hiểu thực tế, khi trực tiếp cảm nhận tác phẩm của mình được lớp trẻ tôn vinh, về phía giảng viên và sinh viên, thì được hiểu biết thêm hành trình sáng tác, động lực sáng tác và hoàn cảnh sáng tác của nhà văn họ yêu mến, học hỏi thêm những kinh nghiệm quý trong hoạt động văn chương.

Trong hai thập kỷ qua, Hội nhà văn Việt Nam đã ưu ái tặng cho ĐH Hồng Đức nhiều tài liệu văn học quý. Trên báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn VN, nhiều bài viết, công trình nghiên cứu văn học của trường ĐH Hồng Đức cũng được đăng tải, lan tỏa rộng trên văn đàn cả nước. Nhà trường cũng đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học về các tác phẩm giá trị của Hội viên Hội Nhà văn VN, như Hội thảo về nhà văn Nam Cao, nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Hữu Thỉnh... và tham gia Ngày thơ Việt Nam theo lời mời của Hội. Những hoạt động nghề nghiệp tương tác như vậy đã đem lại hiệu quả ý nghĩa cho cả nhà trường và Hội nhà văn.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn xúc động tặng hoa cho giảng viên thể hiện bài bát Hương thầm
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn xúc động tặng hoa cho giảng viên thể hiện bài bát Hương thầm

Nhân trại sáng tác văn học dành cho nhà văn nữ được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, Ban Nhà văn nữ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã có chuyến thực tế, giao lưu với thầy và trò trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) ngày 19/4/2018.

Đoàn nữ nhà văn trong Trại sáng tác văn học dành cho nhà văn nữ năm 2018 đã có cuộc hội ngộ quý giá với các giảng viên-sinh viên khoa Khoa học xã hội của trường, được các thầy cô và sinh viên chia sẻ niềm đam mê nghiên cứu văn học của mình. Qua đó, các nhà văn được tiếp xúc thực tế với hoạt động nghiên cứu, giảng dạy văn học hiện nay tại trường, còn các giảng viên, sinh viên cũng thật may mắn được có cơ hội tiếp xúc trực tiếp, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ mà mình đã đọc tác phẩm và mến mộ bấy lâu.

Việc tìm hiểu, giao lưu giữa nữ nhà văn, nhà thơ với sinh viên không chỉ tạo chiếc cầu nối để hai bên hiểu biết lẫn nhau, mà còn tạo động lực mới khiến các em sinh viên thêm say mê học tập, nghiên cứu và sáng tác văn học.

Các giảng viên, sinh viên ĐH Hồng Đức vô cùng xúc động và ngạc nhiên khi được biết trong đoàn nữ nhà văn có tới hơn một nửa đã hoặc đang là giáo viên, giảng viên, một số người là nhà báo lâu năm, có tới hai Phó Giáo sư, Tiến sĩ, một nữ sĩ đã đoạt giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật là nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, tác giả bài thơ “Hương thầm” nổi tiếng và quyến rũ biết bao người... Và cũng trong buổi gặp mặt, những vần thơ danh tiếng lẫy lừng đã được chính các nữ tác giả trình diễn trên sân khấu trường Đại học dành tặng các thầy cô và sinh viên trường Hồng Đức.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và giảng viên-sinh viên
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và giảng viên-sinh viên

Cũng tài năng và đầy sức trẻ, sinh viên ĐH Hồng Đức đã táo bạo thể hiện những sáng tác đầu tay của mình, những bài thơ mới mẻ, tràn đầy sức sống và tìm tòi sáng tạo, khiến các nữ sĩ nổi tiếng trên văn đàn đất nước được một phen thán phục. Hóa ra, trong thời buổi kinh tế thị trường phát triển, thơ vẫn có chỗ đứng, và vẫn dành được tình yêu thương, sự đam mê của giới sinh viên, tầng lớp trí thức trẻ.

Cũng trong buổi giao lưu, các nữ nhà văn đã trao tặng trường ĐH Hồng Đức những tác phẩm của mình, làm giàu thêm cho thư viện nhà trường, là nguồn sách đọc nghiên cứu, tham khảo, thưởng thức cho đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.