Nhà văn nữ đồng hành cùng đất nước

GD&TĐ - Hội thảo “Nhà văn nữ đồng hành cùng đất nước” vừa được tổ chức ngày 17/4/2018 tại thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ “Trại sáng tác văn học dành cho nhà văn nữ” lần đầu tiên, do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức.

 Nhà văn nữ đồng hành cùng đất nước

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một trại sáng tác văn học dành riêng cho nữ nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức từ ngày 16-22/4/2018 tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trại sáng tác thu hút tổng số 22 chị em nhà văn ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam tham gia, trong đó có nhà văn cao tuổi nhất trại là nữ sĩ Nguyễn Thị Kim, 79 tuổi, và nhà văn ít tuổi nhất trại là nhà văn Kiều Bích Hậu, 46 tuổi.

Trại cũng hội tụ những tên tuổi danh tiếng như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Mai, nhà văn Viên Lan Anh, nhà phê bình lý luận Tôn Phương Lan...

Với sự nỗ lực vận động của Ban nhà văn nữ và sự ủng hộ, giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam cùng cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, Trại sáng tác văn học đầu tiên dành cho nhà văn nữ được tổ chức tại Thanh Hóa, với mục đích kết nối các nữ nhà văn trên cả ba miền, cùng tập trung viết và học hỏi kinh nghiệm của nhau, cùng đi thực tế mảnh đất, con người xứ Thanh để có những tác phẩm mới phản ánh những đổi thay kỳ lạ và nhanh chóng trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa nơi này.

Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh phát biểu trong Hội thảo
Chủ tịch Hội nhà văn  Hữu Thỉnh phát biểu trong Hội thảo

Phát biểu tại Lễ khai mạc Trại sáng tác, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng, với lực lượng khoảng 250 nhà văn nữ, chiếm tỷ lệ 1/5 tổng số nhà văn toàn Việt Nam và đang có xu hướng gia tăng về số lượng, đội ngũ các nhà văn nữ đã tạo nên một mảng văn học nữ rất đặc sắc.

Văn học nữ trong những năm qua đã mang đến sáng tạo mới mẻ, đẹp đẽ, gây ấn tượng sâu sắc và đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam. Với tiêu chí mới “Tất cả vì hội viên”, Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian từ nay tới hết năm 2020 sẽ có những thay đổi về cơ chế, kết cấu trong đầu tư sáng tác, nhất là sáng tác của nhà văn nữ, làm sao để các nhà văn trong hành trình sáng tạo vốn rất cô đơn và đầy nhọc nhằn của mình sẽ luôn cảm thấy có Hội bên cạnh, trợ giúp hiệu quả.

Hội Nhà văn sẽ đầu tư các chuyến đi thực tế sáng tác cho các nhà văn nữ theo nhóm từ lớn đến nhỏ, để chị em nhà văn được tiếp xúc sâu hơn với thực tế đổi thay nhanh chóng của đất nước, thu hoạch chất liệu sống quý giá, để tạo nên những tác phẩm giá trị cho nhiều thế hệ.

Cũng trong Lễ khai mạc là Hội thảo chủ đề “Nhà văn nữ đồng hành cùng đất nước” với nội dung phong phú, gồm các tham luận: Để đam mê vẻ đẹp tâm hồn (Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa); Vài nét cảm nhận về thơ nữ hiện nay (Nhà thơ Trần Thu Hà); Những gương mặt văn chương nữ xứ Thanh (Nhà phê bình lý luận Hỏa Diệu Thúy); Mấy vẻ đẹp của thơ nữ đương đại (Nhà phê bình lý luận Trần Thị Trâm); Giải pháp để nhà văn nữ vượt qua vấn đề về giới, sáng tác hiệu quả (Nhà văn Kiều Bích Hậu)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.