Nữ nhà giáo được tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023

GD&TĐ - PGS.TS Trần Thị Thu Hà là một trong 10 nhà giáo của Bộ GD&ĐT tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà khi đi thực tế.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà khi đi thực tế.

Sự kiện dự kiến được tổ chức ngày 11/6, tại Hà Nội. Hiện, PGS.TS Trần Thị Thu Hà là Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững, Trưởng Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). Cô là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp, cây dược liệu.

Chủ nhân của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học

PGS.TS Trần Thị Thu Hà sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Từ nhỏ, cô mơ ước được học hành, có công việc ổn định để thoát nghèo; trên hết là cống hiến cho xã hội. Nay ước mơ của cô đã và đang được hiện thực hóa.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà đến với lĩnh vực lâm nghiệp như một cơ duyên và nếu được chọn lại cô vẫn chọn lĩnh vực này để làm việc, cống hiến.

“Rừng là vàng, là lá phổi xanh nên lâm nghiệp thực sự quan trọng và cần thiết cho đất nước; nhất là hiện nay hệ sinh thái tự nhiên dần mất đi và chúng ta đang phải đối diện với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” - PGS.TS Trần Thị Thu Hà bộc bạch.

Hơn 30 năm làm khoa học, gắn với núi rừng, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã chủ trì thành công 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; trong đó có 2 đề tài của Quỹ tài trợ cho các nhà Khoa học trẻ Quốc tế, 1 đề tài cấp nhà nước, 1 đề tài Quỹ gen cấp Quốc gia; 1 đề tài cấp quốc gia, 2 đề tài cấp bộ và cơ sở. Cô cũng chủ trì 3 đề tài cấp tỉnh và tham gia thành viên chính 2 Chương trình chuyển giao khoa học.

Đáng chú ý, nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của cô đã được ứng vào thực tiễn như dự án “Hoàn thiện công nghệ nhân giống In Vitro và nuôi trồng một số cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao, gồm: lan kim tuyến, đinh lăng và gừng gió.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà cho hay, đây là dự án thành công đầu tiên và được nghiệm thu đúng hạn duy nhất của Chương trình 592 (Quyết định số 592/QĐ-TTg của Chính phủ).

Từ đây, doanh nghiệp khoa học đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên ra đời (Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam). Sau đó mở rộng 2 chi nhánh của Hà Giang và Quảng Nam và cũng là doanh nghiệp khoa học đầu tiên của các tỉnh này.

Tạo sinh kế cho người dân

Hàng năm, Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững sản xuất và cung cấp 4 triệu cây giống cho nhiều địa phương trong cả nước. Từ năm 2016 đến nay; PGS.TS Trần Thị Thu Hà chuyển giao bản quyền sản xuất giống cho một số doanh nghiệp.

Đáng chú ý, PGS.TS Trần Thị Thu Hà còn là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống cây dược liệu và cũng là tác giả chính của 7 giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.

Hiện nay, đã có 21 quy trình nhân giống, nuôi trồng loài cây dược liệu và lâm nghiệp đã được nghiệm thu cấp cơ sở, đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Các quy trình được ứng dụng thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật vào các dự án tập trung trên 9 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống cây dược liệu.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà là tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống cây dược liệu.

Không dừng lại ở việc nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Thị Thu Hà còn là chủ biên 1 giáo trình, 3 sách chuyên khảo, 3 sách tham khảo đã xuất bản và tham gia biên soạn 5 sách tham khảo.

Cô là người tiên phong trong việc phát triển chương trình, giáo trình và mở ngành mới phù hợp như: ngành Dược liệu và Hợp chất thiên nhiên. Cô cũng là nhà khoa học lâm nghiệp gắn liền với rừng và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, nên đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu tác động của chính sách đổi mới đối với vùng cao trong việc phát triển bền vững giữa vấn đề sinh kế và giá trị môi trường.

Cô Hà đã tham gia cùng với các bộ ngành và địa phương trong việc xây dựng các chiến lược và định hướng phát triển rừng bền vững, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao ở nhiều địa phương trong cả nước.

Giúp cho các tỉnh khảo sát xây dựng các báo cáo tiền khả thi về Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế xã hội Đồng bào Dân tộc thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030 thuộc tiểu dự án “Phát triển Dược liệu quí phù hợp với địa phương”. Hiện cô đã biên soạn và tham gia đào tạo hàng ngàn lượt nông dân cho các chương trình dự án trong suốt gần 30 năm qua trong phạm vi cả nước.

Cô Hà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều sinh viên và người dân địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 10-15 sinh viên làm thêm tại Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững. Đó là chưa kể nhiều sinh viên làm việc theo giờ, với tiền công từ 15.000 đến 20.000đ/giờ (tùy từng vị trí công việc).

Ngoài ra, khoảng 100 công nhân là nông dân trong vùng đến làm việc. Qua đó, giúp họ có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

Đau đáu với tuyển sinh, đào tạo ngành lâm nghiệp

Điều mà hiện nay PGS.TS Trần Thị Thu Hà trăn trở là, nhiều học sinh không mặn mà với ngành lâm nghiệp, nên số lượng sinh viên theo học ngành này còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà nhớ lại, trước đây có thời điểm Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) đào tạo trên 10.000 sinh viên, học sinh. Giờ đây, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực lâm nghiệp không nhiều, trung bình mỗi năm nhà trường tuyển sinh được 50 sinh viên. Hiện có khoảng 300 – 400 sinh viên đang học tập tại khoa lâm nghiệp.

Đau đáu với công tác tuyển sinh, đào tạo của ngành lâm nghiệp, PGS.TS Trần Thị Thu Hà mạnh dạn đảm nhận “nhiệm vụ kép”: Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững kiêm Trưởng khoa Lâm nghiệp.

“Tôi muốn dành toàn bộ tâm huyết để truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu khoa học với học sinh, sinh viên” - PGS.TS Trần Thị Thu Hà bộc bạch. Vì vậy, thời điểm này, cô dành tâm sức cho nhiệm vụ tuyển sinh, truyền nhiệt huyết cho con em miền núi, đồng bào dân dân tộc thiểu số, để các em yêu thích và lựa chọn ngành lâm nghiệp.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) bày tỏ, cô Hà là nhà khoa học, một giảng viên tâm huyết. Cô là người sáng tạo có tài, có tâm và dám dấn thân.

Theo GS.TS Nguyễn Thế Hùng, cô Hà dành trọn tâm huyết cho nghiên cứu khoa học và sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Cô luôn dẫn dắt và chủ trì nhiều hoạt động nghiên cứu theo các hướng mới, quy tụ các nhà khoa học trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Cô luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, được đồng nghiệp tin tưởng và tham gia cùng.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng và PGS.TS Trần Thị Thu Hà.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng và PGS.TS Trần Thị Thu Hà.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông lâm nghiệp không phải là lựa chọn số 1 của thí sinh. Vì thế, Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Theo đó, nhà trường thành lập các viện, trung tâm theo hướng tự chủ nhằm giải quyết bài toán thu nhập cho cán bộ, nhân viên và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đào tạo.

“Nhận thấy đào tạo và nghiên cứu chưa gắn kết nhau. Vì thế, chúng tôi lựa chọn giải pháp phải kết gắn đơn vị nghiên cứu và đào tạo với nhau. Với hướng đi mới này, nhà trường lựa chọn PGS.TS Trần Thị Thu Hà là người tiên phong và thực hiện thí điểm thông qua việc giao nhiệm vụ kép. Theo đó, cô Hà vừa là Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững, vừa kiêm Trưởng khoa Lâm nghiệp” - GS.TS Nguyễn Thế Hùng cho hay.

Sau một vài năm thực hiện đã phát huy hiệu quả; nhà trường định hướng sẽ thành lập các viện nghiên cứu đào tạo. Theo đó, cán bộ, nhân viên sẽ đi bằng hai chân: nghiên cứu và đào tạo.

“Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của PGS.TS Trần Thị Thu Hà. Cô xứng đáng được biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc” - GS.TS Nguyễn Thế Hùng bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ