(GD&TĐ)- PGS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho biết, mùa tốt nghiệp năm 2011, Trường ĐH Vinh nhận được 300 yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực Nông Lâm Ngư, trong khi chỉ có 185 sinh viên ra trường. Như vậy số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2011 không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường ĐH Nông - Lâm Huế, mỗi năm trường tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu và cũng chừng ấy sinh viên ra trường, các em đều có công ăn việc làm ổn định chỉ sau 1 năm. Hàng năm, các nông trường, các trạm, viện nghiên cứu, các đối tác nước ngoài… quan tâm đến phát triển nông thôn đều liên hệ với nhà trường để tuyển sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.
Ông Dương Anh Tuyên – Tổng thư ký Chương trình Phát triển nguồn nhân lực nông thôn VN nhận định rằng, hiện nhu cầu nhân lực ngành Nông - Lâm - Ngư rất lớn và có tính ổn định cao. Thống kê mới nhất từ Bộ GD&ĐT về nhu cầu đào tạo các ngành trình độ công nhân kỹ thuật đến đại học từ nay đến 2020, ngành Lâm nghiệp cần 8.000 - 10.000 người/năm; thủy lợi 7.000 - 9.000 người/năm; thủy sản 8.000 - 8.500 người/năm; nông nghiệp 58.000 - 60.000 người/năm. Cũng theo ông Tuyên, khi có kiến thức và được đào tạo bài bản, việc làm giàu từ ngành này sẽ không khó. Thực tế, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trang trại, nhờ đất, nhờ rừng…
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo các ngành Nông – Lâm – Ngư mùa tuyển sinh nào cũng phải đau đầu đối mặt với bài toán thiếu nguồn tuyển. Như ĐH An Giang, năm 2010 đã ngưng tuyển sinh 5 ngành trong đó có 3 ngành thuộc khối nông lâm: Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp, Sư phạm Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Chăn nuôi. Các thí sinh tỏ ra thờ ơ với các ngành này vì cho rằng đây là những ngành không “sang trọng”, khó kiếm việc làm có thu nhập cao, công việc vất vả…
Năm 2011, nhiều trường ĐH đã công bố những ưu đã khá hấp dẫn để thu hút thí sinh vào các ngành học này. Như ĐH Nha Trang có đào tạo một số ngành về thủy sản, trong mỗi đợt tuyển sinh, điểm chuẩn cho những ngành này đều điểm thấp hơn 2 điểm so với các ngành khác. Bên cạnh đó, con em nông dân, ngư dân đang theo học ở trường được giảm 20% học phí.
Trường ĐH Tây Nguyên, sinh viên khối ngành nông -lâm- ngư chỉ cần học lực khá là có thể có học bổng, trong khi các ngành khác cần phải đạt học lực giỏi. Mức học phí cho sinh viên nhóm ngành này cũng được ưu ái hơn các nhóm ngành còn lại.
ĐH Nông- Lâm TP.HCM hiện có 52 ngành và chuyên ngành đào tạo, trong đó có 13 ngành liên quan đến nông nghiệp truyền thống như: Cơ khí nông, lâm, chế biến nông sản thực phẩm, phát triển nông thôn… các ngành này đều được ưu tiên về mức học phí, chỉ ở khoảng 290.000 đồng/tháng, trong khi các ngành khác dao động từ 340.000-360.000đồng/tháng…
Tuy nhiên, năm nay, với mức điểm trúng tuyển nhiều ngành chỉ ngang bằng với điểm sàn, các trường có đào tạo ngành Nông – Lâm – Ngư vẫn phải “cầu cứu” đến các NV2, NV3 nhưng chưa chắc đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Làm thế nào để thay đổi nhận thức của các thí sinh, làm thế nào tạo ra cho các em lòng yêu nghề, mong muốn gắn bó và phục vụ nông nghiệp…, đó vẫn là một dấu hỏi lớn!
Hiếu Nguyễn