Nữ hoàng Elizabeth II: Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10

GD&TĐ - Cuộc họp của Hội đồng châu Âu, được tổ chức vào tuần này tại Brussels (Bỉ), trong đó các nhà lãnh đạo sẽ thỏa thuận với Thủ tướng Anh Boris Johnson về các điều kiện để Anh rời khỏi EU. Khả năng đó ngày càng rõ ràng hơn khi vào ngày 14/10, trong phiên họp mới của Quốc hội Anh, Nữ hoàng Elizabeth II tuyên bố: London sẽ rời EU vào ngày 31/10.

Nữ hoàng Elizabeth II phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 14/10. Ảnh: Reuters
Nữ hoàng Elizabeth II phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 14/10. Ảnh: Reuters

Khi Nữ hoàng lên tiếng

Đây là lần thứ 65 Nữ hoàng Elizabeth II (93 tuổi) phát biểu trước Quốc hội Anh. Điều đáng nói rằng, xuyên suốt buổi lễ là một loạt các nghi lễ cổ xưa nhằm nhấn mạnh đến sự vĩ đại của quốc vương và sự độc lập về quyền lực của Quốc hội. Đây là lần thứ hai trong tất cả những năm ngồi trên ngai vàng, Nữ hoàng đã phá vỡ truyền thống - đội vương miện của Đế quốc Anh đọc bài phát biểu. Vương miện là một trong những báu vật chính của Hoàng gia, được làm từ 2 thế kỷ trước cho George IV, được trang trí với gần 1.333 viên kim cương.

Người đứng bên phải Nữ hoàng, trong trang phục đầy đủ, không phải Phu quân (Hoàng tử Philip 98 tuổi hầu như không xuất hiện trước công chúng), mà là con trai 70 tuổi của bà - Hoàng tử Charles. Buổi lễ diễn ra trong thời gian ngắn. Nữ hoàng đọc bài diễn văn được chuẩn bị sẵn trong khoảng 10 phút và rời khỏi hội trường. Bài diễn văn của Nữ hoàng được xuất bản cùng ngày trên trang web của Chính phủ Anh cùng với các ghi chú chi tiết mất gần 130 trang. Tài liệu này được coi là đại diện chính thức cho chương trình chính trị của Nội các Boris Johnson. Chính phủ của ông đã chuẩn bị bài phát biểu cho Nữ hoàng Elizabeth II.

Những ưu tiên chính của Nữ hoàng xuất hiện ngày trong những câu đầu tiên: “Chính phủ của tôi dự định rút khỏi EU vào ngày 31/10. Chính phủ của tôi dự định làm việc với các đối tác mới của EU trên các nguyên tắc thương mại tự do và hợp tác cùng có lợi”. Tổng cộng, bài phát biểu có liên quan đến hơn hai chục sáng kiến lập pháp. Những vấn đề chính liên quan đến sự cần thiết phải cập nhật luật pháp của Anh trong việc tách khỏi EU: Trước hết trong lĩnh vực di cư, hệ thống thực thi xã hội và pháp luật, ngư nghiệp và nông nghiệp.

Theo đó, trong Luật Nhập cư, Anh sẽ chấm dứt tự do đi lại giữa Anh và EU, sẽ đặt nền tảng cho một hệ thống di cư công bằng, hiện đại và phù hợp với yêu cầu toàn cầu hóa của hệ thống nhập cư” - Nữ hoàng hứa. Bà khẳng định rằng, Chính phủ sẽ quan tâm đến cuộc sống của công dân các nước EU đã sống một thời gian dài ở Anh.

Theo lời của Nữ hoàng, tương lai của nước Anh “ngoài EU” sẽ mang sắc thái màu hồng. “Sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu, Chính phủ của tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để đất nước tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong các vấn đề quốc tế, bảo vệ lợi ích và khẳng định giá trị của mình. Chính phủ của tôi sẽ là trung tâm của những nỗ lực giải quyết các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến an ninh quốc tế, nó sẽ bảo vệ tự do thương mại quốc tế và cùng với các đối tác nước ngoài sẽ đối phó với những thách thức lớn trên toàn cầu” - Nữ hoàng khẳng định.

Giải pháp nào cho Brexit?

Tuyên bố của Nữ hoàng Anh đã rõ ràng. Như vậy, vào cuối tuần này, các đại biểu Quốc hội Anh sẽ phải phê duyệt chương trình mà Nữ hoàng vừa truyền tải đến họ. Tuy nhiên, cho đến lúc này, London vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về các điều kiện rút khỏi Liên minh châu Âu.

Phía Anh dường như không có thời gian để thỏa thuận về “điều khoản ly hôn” với các quốc gia trong lục địa. Trong khi đó, vào thứ Năm tuần này, Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ khai mạc tại Brussels, nơi tất cả các nhà lãnh đạo của các nước thành viên sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho Brexit.

Các nhà ngoại giao cấp cao của Anh gọi ngày 17/10 là thời hạn không chính thức mà cần phải đồng ý về các chi tiết, nếu không vào ngày 31/10, Anh sẽ rời khỏi liên minh mà không có bất cứ thỏa thuận nào. Tuy nhiên, theo The Times, ông Boris Johnson vẫn hy vọng sẽ đồng ý về một tài liệu cuối cùng trước khi kết thúc tuần làm việc với các đồng nghiệp EU và vào thứ Bảy (19/10) với Quốc hội Anh. Các nhà lãnh đạo châu Âu thận trọng gọi các cuộc đàm phán kéo dài với các đại diện của London là “mang tính xây dựng” nhưng họ cố gắng không thể hiện sự lạc quan.

Trong khi đó, nếu không thể đồng ý “ly hôn” trước cuối tuần này (các cuộc đàm phán đã diễn ra từ năm 2016 - ND), thì vào tuần tới Quốc hội Anh có thể phải xem xét tới khả năng tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Với tư cách là người lãnh đạo Công Đảng đối lập, hôm thứ Hai (14/10), Jeremy Corbin đã chỉ trích bài phát biểu của Nữ hoàng Elizabeth II rằng “Chính phủ (Boris Johnson - ND) đã mất đa số” và rất có thể chỉ vài tuần nữa, Nữ hoàng lại phải đọc bài phát biểu do Chính phủ của Công Đảng soạn thảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ