Nữ hiệu trưởng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan có nhiều thành tích tiêu biểu trong công tác quản lý và NCKH, góp phần cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (sinh năm 1974) là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), vừa được xét chọn danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024.

Khi biết mình có tên trong danh sách, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho hay, đây là niềm vinh dự lớn lao và là sự công nhận cho những nỗ lực, tâm huyết mà cô đã dành trọn cho nghề giáo.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan gửi lời biết ơn sâu sắc đến Nhà nước và các cấp lãnh đạo đã quan tâm, tri ân, việc được ghi nhận những cống hiến luôn là một phần thưởng cao quý với nhà giáo nói riêng, bất kỳ ngành nghề nào nói chung.

"Được vinh danh vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào và hạnh phúc. Điều này càng khiến tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu với nghề. Tôi luôn trân trọng từng khoảnh khắc trên hành trình giảng dạy và quản lý giáo dục, không ngừng nỗ lực để thể hiện đạo đức chuẩn mực của người thầy, cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục. Giải thưởng này không chỉ mang đến niềm vui mà còn là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện hơn nữa trên con đường đã chọn", PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho hay.

co-lan-8.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhận danh hiệu “Công dân danh dự của tỉnh Gyeongsangbuk”.

Nỗ lực với nhiều công trình nghiên cứu khoa học

Là một hiệu trưởng của một Trường Đại học lớn phía Nam, hơn 26 năm công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan vẫn miệt mài có những công trình nghiên cứu khoa học quý giá.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho hay, nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, ngoài chuyên môn, việc này đòi hỏi rất nhiều đam mê, kiên trì và sự quyết tâm cao độ. Đây là một thử thách lớn với nữ hiệu trưởng khi phải có sự sắp xếp hợp lý và quyết tâm bền bỉ.

"Khó khăn lớn nhất, tôi nghĩ, không chỉ là với nhà khoa học nữ mà là thách thức chung của tất cả các nhà nghiên cứu, làm sao cân đối được thời gian giữa các công tác khác nhau và đảm bảo những công trình nghiên cứu được thực hiện đến nơi đến chốn, với tâm huyết và chất lượng cao nhất.

Là một nhà nghiên cứu ở trường đại học, tôi không chỉ dành thời gian cho các dự án mà còn có trách nhiệm trong công tác quản lý, giảng dạy và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Việc dung hòa tất cả những vai trò này thực sự là một thử thách lớn, đòi hỏi sự sắp xếp hợp lý và quyết tâm bền bỉ", cô Lan nói.

co-lan-2.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (giữa) là Chủ tịch Hiệp hội Mạng lưới Giáo dục Đông Nam Á (AsTEN) nhiệm kỳ 2024 - 2027.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan là thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học xã hội nhân văn cấp quốc gia “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn nhân lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước” thuộc Bộ Khoa học Công nghệ; chủ nhiệm 1 đề tài nhánh cấp Bộ; 3 đề tài cấp Đại học Quốc gia; 4 đề tài cấp cơ sở và 15 đề án cấp tỉnh, huyện.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan còn hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; 19 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ; hiện tại cô đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh (1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ cấp chuyên môn, 1 nghiên cứu sinh đã hoàn thành 2 chuyên đề Tiến sĩ).

co-lan-3.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (phải) chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài NCKH cấp Đại học Quốc gia TPHCM cho Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM.

Bên cạnh đó, nữ hiệu trưởng đã công bố 53 bài báo khoa học và 1 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín, xuất bản 13 sách và 4 chương sách (2 chương sách quốc tế và 2 chương sách trong nước), thuộc nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế.

Chìa khóa cho những cống hiến xuất sắc

Mặc dù công việc ở trường và nghiên cứu chiếm nhiều thời gian, tuy nhiên PGS.TS Ngô Thị Phương Lan vẫn nhận được sự thấu hiểu và hỗ trợ từ gia đình. Điều này đã giúp nữ lãnh đạo duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, tập trung vào công tác nghiên cứu và các trách nhiệm trong vai trò quản lý.

"Là một người con, người vợ, người mẹ, tôi luôn cố gắng dành thời gian chất lượng bên gia đình, người thân và bạn bè. Tôi quan niệm rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng, nên dù thời gian có hạn, tôi luôn trân trọng từng khoảnh khắc quý giá bên những người thân yêu, chia sẻ những giây phút ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi thành viên", PGS.TS Ngô Thị Phương Lan chia sẻ.

Bên cạnh đó, nữ hiệu trưởng cũng tin rằng, giao tiếp giữa cha mẹ và vợ chồng là điều quan trọng để cùng nhau thấu cảm. Đồng thời, việc giáo dục con cái tính tự lập và tự chủ là một phần giúp các con phát triển một cách lành mạnh về sức khỏe và tinh thần.

Nhờ sự ủng hộ và thấu hiểu từ hậu phương, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan đã nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý như bằng khen "Vì sự nghiệp Phát triển Nông nghiệp và nông thôn Việt Nam dựa trên tinh thần Saemaul, Hàn Quốc" do Thống đốc tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc trao năm 2024; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về "Đạt thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2019".

co-lan-4.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan tiếp ông Shawn Steil - Đại sứ Canada tại Việt Nam. Ảnh: Thu Thảo.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan còn nhận được nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2015 đến năm 2022; bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; bằng khen của Đại học Quốc gia TPHCM; bằng khen từ Chủ tịch UBND TPHCM cùng nhiều bằng khen từ các tổ chức như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam…

Phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã đi vào năm thứ ba thực hiện tự chủ đại học.

Sau ba năm nỗ lực, nhà trường đã xây dựng nền tảng tốt trong công tác chuẩn hóa nhân sự, quản trị đại học, chuyển đổi số, chăm sóc người học, công tác tài chính, cũng như phát triển tinh thần đại học xanh, văn hóa người nhân văn, tinh thần đổi mới sáng tạo. Những yếu tố này là nền tảng quan trọng để thực hiện các mục tiêu lớn trong thời gian tới.

co-lan-7.jpg
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (ngoài cùng bên trái) cùng Ban Giám hiệu nhà trường trong chương trình "Người Nhân Văn xây dựng Đại học xanh".

Đây là nhiệm kỳ thứ hai của PGS.TS Ngô Thị Phương Lan trên cương vị Hiệu trưởng. Cô Lan cho biết sẽ cùng tập thể nhà trường xác định các mục tiêu chiến lược cho giai đoạn 2025 - 2030 và hướng tới 2045, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện thành công các mục tiêu này.

"Thời gian tới, nhà trường đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới quốc tế hóa chương trình học nhằm đảm bảo đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và toàn cầu, đúng với mục tiêu của Đại học Quốc gia TPHCM và định hướng giáo dục của đất nước.

Bên cạnh đó, là một trường đại học đào tạo nhiều ngành khoa học cơ bản, chúng tôi chú trọng đến sự xuất sắc trong học thuật. Nhà trường sẽ có những kế hoạch và ưu tiên cụ thể nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, góp phần khai phá tri thức mới và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nhân loại", PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan tốt nghiệp cử nhân ngành Đông Phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) vào năm 1997.

Năm 2002, cô được cấp bằng Thạc sĩ ngành Nhân học, chuyên ngành Nhân học văn hóa xã hội tại Đại học Toronto, Canada.

Năm 2012, cô được cấp bằng Tiến sĩ ngành Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học tại (Đại học Quốc gia TPHCM). Bà được bổ nhiệm/công nhận chức danh PGS năm 2018, ngành Dân tộc học.

Ngoài công tác quản lý tại Trường Đại học, cô Lan còn là Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Chủ tịch Hiệp hội Mạng lưới Giáo dục Đông Nam Á (AsTEN) nhiệm kỳ 2024 - 2027 và là thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Năm 2024, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan là ứng viên duy nhất xét công nhận chức danh GS của liên ngành sử học - khảo cổ học - dân tộc học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ