Nữ Hiệu trưởng người Phần Lan lạc quan chia sẻ về hạnh phúc

Nữ Hiệu trưởng người Phần Lan lạc quan chia sẻ về hạnh phúc

Khi những dòng chia sẻ này được gửi đến mọi người, Phần Lan liên tục xác nhận những ca dương tính với virus COVID-19 những ngày gần đây, trường học và biên giới đã đóng cửa, cả nước đang ở tình trạng báo động khẩn cấp quốc gia. 

“Hình như có chút gì đó không phù hợp khi kỷ niệm ngày Quốc tế hạnh phúc trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay, một điều chưa ai trong chúng ta từng phải trải qua. Có gì để nói về hạnh phúc trong những ngày này?” - cô Seija Nyholm - Hiệu trưởng VFIS lạc quan chia sẻ...

Có một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ người Phần Lan vào thế kỷ thứ 19 là “Kell’ onni on, se onnen kätkeköön”. Tạm dịch: “Tìm thấy hạnh phúc thì nên che giấu đi”. 

Nhưng, tại sao? 

Ngày xưa, có lẽ người ta sợ việc bày tỏ cho người khác biết mình hạnh phúc có khi sẽ gây ra những ghen tị và mang đến điều không may. Hạnh phúc một cách bí mật cũng tốt - che dấu hạnh phúc cũng không sao - nhưng suy nghĩ rằng bày tỏ niềm hạnh phúc có thể mang đến rắc rối có lẽ là hơi mê tín.

150 năm trước, cuộc sống rất khó khăn và nghèo nàn, nhiều người trên khắp đất nước Phần Lan đã chết trong cuộc càn quét của nạn đói không lâu trước khi câu thơ này được viết. Trong những ngày đau khổ tận cùng đó, khó chịu trước sự may mắn của người khác cũng là một điều dễ hiểu. 

Ngày nay, chúng ta nghĩ về hạnh phúc một cách khác hơn, nhưng đâu đó vẫn còn dư âm những cảm xúc của câu thơ này. Che dấu niềm hạnh phúc hoặc sẽ bị mất đi! 

Theo tôi, hạnh phúc không phải là thứ gì đó để theo đuổi hay đấu tranh. Hạnh phúc là thành quả khi tôi làm tốt những công việc mình yêu thích. Hạnh phúc là khi tôi dừng lại để cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trong gia đình hay ngoài xã hội, chúng ta cố gắng để được chấp nhận và yêu thương. Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi được ở bên gia đình mình. Đúng là thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ khiến tôi phát rồ, nhưng gia đình luôn là nguồn mạch hạnh phúc vô tận. Nhìn gia đình, tôi nhận ra cuộc sống đáng quý biết bao. 

Thật dễ dàng để chúng ta bị lôi cuốn vào những điều tiêu cực trong cuộc sống, phàn nàn, than vãn và kêu ca. Có lẽ con người thích phàn nàn, thậm chí trong tiếng Phần Lan, còn có hẳn một từ lóng cho phàn nàn. Bạn nghĩ rằng Phần Lan, quốc gia hai năm liền được mệnh danh là “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” không phàn nàn? Bạn nhầm rồi! Có rất nhiều thứ để phàn nàn, kể cả về thời tiết. Tôi vẫn cười thầm mỗi lúc nghĩ đến những gì chú Simo của tôi nói khi nghe người khác phàn nàn về mùa hè tại Phần Lan mưa nhiều và quá lạnh. Chú nói: “Ít nhất mùa hè cũng ngắn thôi mà!”.

Cô Seija Nyholm cùng với các học sinh VFIS
 Cô Seija Nyholm cùng với các học sinh VFIS

Như thế nào là 1 Quốc gia hạnh phúc?

Nghĩ về danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, tôi nhận ra vài điều lớn lao có thể giúp một quốc gia và con người trở nên hạnh phúc. 

• Đầu tiên là không chiến tranh. Chúng ta đều muốn sống trong hòa bình, được làm việc và nuôi sống gia đình mà không bị đe dọa tính mạng.

• Thứ hai là quyền tự do và bình đẳng. Con người muốn được lên tiếng về cuộc sống của mình và cảm thấy rằng con cái họ có quyền bình đẳng để có một cuộc sống tốt. Để phát triển xã hội, người dân cần được tham gia lựa chọn lãnh đạo và góp phần vào việc hoạch định và định hướng quốc gia. 

• Thứ ba là sự đoàn kết, cùng hành động vì những điều chung tốt đẹp. Trong khi người Phần Lan rất cá nhân và độc lập, kể cả khi cáu kỉnh trên phương diện tính cách nhưng đứng ở góc nhìn là một quốc gia, Phần Lan có sự đồng thuận rất cao về những điều quan trọng để khiến cuộc sống dễ dàng hơn. Họ muốn mức phí gửi trẻ phù hợp, miễn phí giáo dục và y tế, môi trường trong lành, hạ tầng giao thông tốt, trong đó có phương tiện công cộng. Để có được những điều này, họ sẵn sàng đóng thuế một cách trung thực và đúng thời hạn. 

Nói thật với các bạn, có lẽ người Phần Lan không hẳn là kiểu người “hạnh phúc” theo cách bạn nghĩ. Tôi đoán bạn có thể thấy những người ở khu ổ chuột Calcutta (Ấn Độ) cười nhiều hơn người dân ở bất kỳ thành phố hiện đại nào tại Phần Lan. Tuy nhiên, trên phương diện an sinh xã hội của một quốc gia, Phần Lan là một đất nước hạnh phúc. 

Làm sao để xây dựng một trường học hạnh phúc?

Tôi nghĩ rằng, cần bắt đầu với việc công nhận mỗi học sinh là một cá thể duy nhất. Một đứa trẻ có thể nhỏ bé, nhưng các em có quyền và trách nhiệm cũng giống như mỗi người chúng ta. Chúng tôi muốn các em cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân, tất nhiên là từ những lý do chính đáng. Vì các em tử tế, vì các em đã học được một kỹ năng mới, biết đặt những câu hỏi, biết giúp đỡ bạn bè, biết tuân thủ luật lệ.

Trường học nên là một cộng đồng nơi quyền lợi của mỗi thành viên là quan trọng nhất. Chúng tôi cam kết tạo nên một môi trường kích thích việc học và nuôi dưỡng tính hiếu kỳ thiên bẩm của trẻ. Được học tập trong một môi trường  an toàn để tự do khám phá và phát huy trí tưởng tượng. Giáo viên của chúng tôi được đào tạo để cảm nhận thế giới qua lăng kính của trẻ trong khi dẫn dắt các em trưởng thành một cách cân bằng. Chúng tôi giúp các em tìm thấy đam mê và sở trường để giúp các em để trở nên hạnh phúc hơn. 

Chúc mừng Ngày Quốc tế hạnh phúc!

Hình như có chút gì đó không phù hợp khi kỷ niệm ngày Quốc tế hạnh phúc trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay, một điều chưa ai trong chúng ta từng phải trải qua. Có gì để nói về hạnh phúc trong ngày hôm nay? Nếu chúng ta đang có những giây phút hạnh phúc thì liệu có nên che dấu trong hoàn cảnh hiện tại. 

Quý vị và các bạn thân mến, chính xác là vào những lúc như thế này chúng ta nên dừng lại để trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đừng bị cám dỗ mang cả gánh nặng của trái đất trên đôi vai để rồi bị đè bẹp, hãy tập trung vào cách chúng ta có thể đồng hành cùng những người thân và cộng đồng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách biểu lộ cho những người bên cạnh mình yêu thương họ đến chừng nào. 

Trong cộng đồng của chúng ta, đây không phải là lúc để sống ích kỷ. Tại Việt Nam, chính phủ đang ngày đêm vất vả để bảo đảm an toàn quốc gia và cuộc sống thường nhật của người dân. Những tình nguyện viên đang đóng góp thời gian và chuyên môn của mình để cùng bảo vệ đất nước. Mỗi người chúng ta đều có thể làm điều gì đó. Có thể là các anh chị giúp các em học bài, những thanh niên giúp những người lớn tuổi trong xóm, con cái giúp bố mẹ theo dõi và chăm sóc sức khỏe, hay đơn giản là hành xử một cách tử tế với những người bán hàng trong cửa hàng tạp hóa và quầy thuốc. Có những người đang phải thực hiện những công việc rất nguy hiểm trong giai đoạn này. Đó là những bác sĩ và nhân viên y tế. Họ cần sự đồng hành của chúng ta để có thể làm tốt công việc và cứu người. 

Là học sinh, các em có thể làm những việc trong khả năng của mình như giúp đỡ gia đình và hoàn thành các bài học. Việc này là không dễ, nhưng khi các em biết giúp đỡ và sống có trách nhiệm, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn đối với những người xung quanh.  Có thể chúng ta đang cảm thấy lo lắng và căng thẳng, nhưng cư xử tử tế và tốt bụng với người khác cũng chính là đang giúp đỡ chính mình. Người cho thường cảm thấy hạnh phúc hơn người nhận. 

Hãy thử để cảm nhận hạnh phúc quanh mình quý vị và các bạn nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.