Máy bay buộc hạ cánh vì hành khách gặp sự cố
Chuyến bay VN1262 khởi hành từ TP.HCM lúc 6h40. Tuy nhiên, sau 40 phút, một nữ hành khách tại ghế ngồi 18B có dấu hiệu chảy máu tại vết thương nên liên hệ tiếp viên để xin bông, gạc.
Nữ hành khách sau đó được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ do chênh lệch áp suất trên máy bay.
Ngay sau khi nhận thông tin về tình trạng sức khoẻ của khách, tiếp viên trưởng đã phát thanh đề nghị hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay và nhận được sự giúp đỡ của một y sĩ đông y.
Mặc dù nỗ lực sơ cứu, nhưng y sỹ vẫn không thể cầm máu cho khách vì lúc này máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000m, chênh lệch áp suất lớn.
Nhận thấy tình trạng sức khoẻ của khách không thuyên giảm, tổ tiếp viên đã thông báo tới cơ trưởng để đưa ra phương án xử lý.
Cơ trưởng quyết định cho máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu cho hành khách. Do đi một mình nên hành khách đã được đưa đến bệnh viện dưới sự hỗ trợ của nhân viên Vietnam Airlines.
Chảy máu do mới can thiệp thẩm mỹ
Theo TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Trường hợp của nữ bệnh nhân trên không thể là nổ túi ngực do chênh lệch áp suất.
Áp suất khí quyển bình thường và trong khoang hành khách khoảng 760 mmHg tương đương ở mặt đất. Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng trong máy bay sẽ giữ nguyên, trừ trường hợp vào vùng không khí loãng, máy bay rơi tự do gây ra chênh lệch, dẫn đến chảy máu mũi, khó thở.
“Với áp suất trong khoang máy bay như ở dưới mặt đất nên không thể xảy ra hiện tượng “nổ” túi ngực. Ngoài ra, độ bền của túi rất cao, có thể đặt chúng dưới đất để ôtô đi qua không hề vỡ”, TS.BS khẳng định.
Túi độn này thường bị rách trong trường hợp để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng, tạo ra các nếp gấp. Sau đó, các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách, gây thoát dịch silicone gel từ trong túi ra ngoài.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rách túi nâng do vật nhọn đâm hoặc sinh thiết ngực. TS.BS Nguyễn Huy Thọ cho hay nguyên nhân gây ra sự việc có thể là hội chứng tiết dịch khoang muộn (Late Seroma).
Bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Ngọc Thưởng (tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM, 20 năm kinh nghiệm) cũng cho rằng, túi ngực là dạng gel đặc nên không bị ảnh hưởng bởi áp suất.
Nếu túi ngực bị vỡ, chúng sẽ nứt, rách và gel chảy từ từ qua nhiều tháng, không ồ ạt hay phát ra tiếng. Gel cũng chảy ra rất chậm và ít, nằm ở khoang bóc tách, không gây chảy máu.
Trường hợp chảy máu có thể do bệnh nhân mới nâng ngực, đang theo dõi nhưng đã làm những thao tác nặng, khiến viết thương bị ảnh hưởng, đau nhói, thậm chí 2 tháng sau "dao kéo" nhiều người vẫn có cảm giác này.
Vì vậy, bệnh nhân mới nâng ngực khi đi máy bay cần có người đi cùng để xách giúp hành lý nặng. Khi thao tác giơ tay lên cất hành lý có thể ảnh hưởng tới vết thương, đặc biệt là đường nách.