Nữ giáo viên miền núi được vinh danh là “Công dân tiêu biểu”

GD&TĐ - 13 năm đứng trên bục giảng, với những đóng góp, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người”; cô Lê Thị Thu Hiền vinh dự được vinh danh là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang.

Cô Lê Thị Thu Hiền (thứ 4 từ phải sang) trong Lễ vinh danh công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang.
Cô Lê Thị Thu Hiền (thứ 4 từ phải sang) trong Lễ vinh danh công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang.

Viết nhật ký dạy học

Cô Hiền là giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Xuân Vân - một trường thuộc địa bàn khó khăn của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Hiện, cô là tổ phó chuyên môn Tổ Sử - Địa - Giáo dục Công dân.

Sinh năm 1983, lớn lên trong gia đình thuần nông ở một làng quê nghèo tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn; từ nhỏ, cô Hiền đã có mơ ước trở thành cô giáo. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2001), cô quyết định dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Tôi vỡ oà trong hạnh phúc khi nhận được giấy báo trúng tuyển của nhà trường, bởi mơ ước trở thành “cô giáo làng” của tôi đã dần trở thành hiện thực” – cô Hiền bộc bạch.

Tốt nghiệp ra với tấm bằng Cử nhân khoa học môn Giáo dục chính trị, năm 2008 cô Hiền nhận công tác tại Trường THPT Xuân Vân. Hành trang cô mang theo là sự nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ và những kiến thức đã học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cùng những kinh nghiệm đã được tích luỹ trong năm tháng đi làm gia sư ở Thủ đô.

Với lòng yêu nghề và khát khao cống hiến của tuổi trẻ, cô Hiền không ngừng học hỏi và sáng tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cô luôn chủ động tìm tòi, linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để tạo hiệu quả cho giờ dạy và mang lại hứng thú cho học sinh.

“Tôi có sử dụng nhật ký giảng dạy để ghi lại những gì cần lưu ý trong mỗi giờ lên lớp. Đồng thời, quan sát học sinh để biết các em đang cần gì trong mỗi giờ học; từ đó điều chỉnh phương pháp giảng để tạo hứng thú cho học trò; quan trọng là mang hiệu quả trong các tiết họ, để cô – trò không bị lãng phí thời gian, công sức” – cô Hiền chia sẻ.

Cô Lê Thị Thu Hiền (bên trái) còn được mệnh danh là "cây giải thưởng".
Cô Lê Thị Thu Hiền (bên trái) còn được mệnh danh là "cây giải thưởng".

"Cây giải thưởng"

Liên tục trong nhiều năm, cô Hiền được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường. Ấn tượng nhất là, năm học 2013-2014, 2015-2016, cô được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh và Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang vì có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, đạt thành tích xuất sắc trong các hội thi.

Không chỉ tích cực và say sưa với chuyên môn, cô Hiền luôn dành sự quan tâm đặc biệt để hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu, thông qua các hoạt động thiện nguyện và phụ đạo miễn phí cho các em.

Ngoài ra, cô tích cực tham gia các cuộc thi của ngành. Năm 2014, cô được Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn tặng Giấy khen về thành tích tiêu biểu trong 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011. Năm 2016, cô tiếp tục được xét tặng danh hiệu “Điển hình tiên tiến” trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016 của huyện Yên Sơn.

Để khắc phục khó khăn về thiết bị dạy học bộ môn, với khả năng sáng tạo của mình, năm 2015 cô tham gia hội thi “Tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học dành cho giáo viên các môn đạo đức và giáo dục công dân” và đạt giải Ba cấp tỉnh.

Năm học 2018-2019 và 2019-2020, cô Hiền tham gia cuộc thi “An toàn Giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho giáo viên THPT và đạt giải Nhì cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia. Năm học 2020-2021, cô tiếp tục tham gia và đạt giải nhất Hội thi “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giỏi” cấp tỉnh; giải Nhì Cụm 5, Hội thi Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 của Huyện Yên Sơn.

“Đáng nhớ nhất là, hồi đầu năm 2022, tôi vinh dự trở thành 1 trong 10 công dân tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang. Với tôi, đây là phần thưởng vô giá trong sự nghiệp của mình và là động lực để tôi tiếp tục tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp “trồng người” – cô Hiền tâm sự và cảm thấy tự hào vì được đứng trên bục giảng, được làm nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Cô luôn tự nhủ, phải cố gắng nhiều hơn và quyết tâm hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, để ươm những mầm xanh cho tương lai của quê hương, đất nước.

Cô Lê Thị Thu Hiền trong một giờ lên lớp.
Cô Lê Thị Thu Hiền trong một giờ lên lớp.

Nhận xét về đoàn viên của mình, cô Nguyễn Thị Uyên – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang – chia sẻ: cô Lê Thị Thu Hiền là giáo viên giỏi, giàu nghị lực và luôn nỗ lực vượt lên chính mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà giáo. Trong giảng dạy, cô luôn đổi mới, sáng tạo mang đến hứng thú cho học trò.

“Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Hiền còn là một đoàn viên công đoàn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của nhà trường cũng như của Công đoàn tỉnh. Chẳng thế mà cô đạt nhiều thành tích cao tại các cuộc thi do cấp tỉnh, huyện phát động.

Mới đây nhất, cô trở thành 1 trong 10 công dân tiêu biểu nhất của tỉnh Tuyên Quang – một trong những danh hiệu cao quý mà địa phương trao tặng cho những cá nhân thực sự tiêu biểu, xuất sắc trong công việc cũng như cuộc sống. Cô xứng đáng là tấm gương sáng để đồng nghiệp và học trò noi theo” – cô Uyên quả quyết.

Em Tạ Hương Giang – học sinh lớp 12C6, Trường THPT Xuân Vân bộc bạc: em may mắn được học cô Hiền. Những tiết học của cô, chúng em rất hứng thú học tập. Cô luôn biết cách “truyền lửa” và đổi mới sáng tạo trong các tiết dạy. Vì thế, giờ học Giáo dục công dân của chúng em rất nhẹ nhàng, thoải mái, không nhàm chán.

Ngoài ra, cô Hiền luôn mang lại cho chúng em những năng lượng tích cực để học tập thật tốt. Chúng em rất cảm ơn và biết ơn cô! Hiện, chúng em đang được cô Hiền hướng dẫn một số phương pháp học tập tích cực, giúp chúng em ôn thi hiệu quả; từ đó tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Dù bị nhiễm Covid-19, nhưng cô Hiền vẫn tình nguyện tham gia dạy học online, để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn. Cô tâm sự, với bộ môn Giáo dục công dân, điều quan trọng nhất ở giáo viên là cần sự tâm huyết và sáng tạo không ngừng trong dạy học. Có như vậy mới thu hút được học sinh trong từng tiết dạy. Đó cũng là cách để nâng cao vị thế của bộ môn này, để học sinh, phụ huynh và rộng hơn là xã hội thay đổi cách nhìn, không coi Giáo dục công dân là môn học phụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.