Nữ giáo sư Hóa học làm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

GD&TĐ - GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, 50 tuổi trở thành nữ Phó Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia TPHCM.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai làm việc tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. (Ảnh: VNU-HCM)
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai làm việc tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. (Ảnh: VNU-HCM)

Ngày 12/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM giữ chức Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1974 ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Bà tốt nghiệp ngành Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM) năm 1996.

Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Hóa dược tại Trường Đại học Y dược Toyama (Nhật Bản). Bà được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư hồi năm 2014 và sau đó là Giáo sư vào năm 2021.

Bà Mai từng làm Phó Trưởng khoa Hóa học, Trưởng khoa Hóa học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên từ năm 2021.

Tháng 1/2022, nữ giáo sư được Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM bổ nhiệm kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai. (Ảnh: VNU-HCM)

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai. (Ảnh: VNU-HCM)

Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, bà chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam. Gần đây, nữ giáo sư tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước.

Tính đến nay, GS.TS Nguyễn Thanh Mai đã có hơn 80 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Năm 2021, bà được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực của cuộc sống.

Ban Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM hiện có Giám đốc - PGS.TS Vũ Hải Quân, 2 Phó Giám đốc PGS.TS Nguyễn Minh Tâm và GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Uống trà đều đặn được xem là góp phần kéo dài tuổi thọ.

Uống trà làm chậm quá trình lão hóa

GD&TĐ - Tạp chí The Lancet Regional Health, nghiên cứu cho biết, thường xuyên uống trà có thể góp phần tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Công nghệ biến CO2 thành protein có thể giải quyết các thách thức toàn cầu quan trọng như bảo tồn môi trường, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng.

Biến CO2 thành protein

GD&TĐ - Các nhà khoa học ở Đức đang nghiên cứu để biến CO2 thành protein và vitamin, hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo.