Nữ giảng viên dân tộc Thái kiếm tiền nuôi... chiến dịch

GD&TĐ - Năng động, trẻ trung, lúc nào cũng tươi nụ cười, “lây” luôn sự lạc quan yêu đời cho những người xung quanh, ThS Đèo Thị Thủy - giảng viên Luật khoa Lý luận Chính trị, Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Tây Bắc, Phó Chủ tịch Hội sinh viên tỉnh Sơn La - đang tâm huyết lan tỏa Chiến dịch truyền thông Khuôn viên an toàn tại Trường ĐH Tây Bắc.

ThS Đèo Thị Thủy mặc trang phục của dân tộc Mông, thuyết trình nghiên cứu về dân tộc Mông trong một hội thảo
ThS Đèo Thị Thủy mặc trang phục của dân tộc Mông, thuyết trình nghiên cứu về dân tộc Mông trong một hội thảo

Nghĩ nhiều cho các sinh viên dân tộc thiểu số

Dự án của Đèo Thị Thủy có tên đầy đủ là Chiến dịch truyền thông Khuôn viên an toàn “Nói không với quấy rối tình dục và tấn công tình dục”. Thủy kể: Khi xây dựng chiến dịch, rất nhiều người đặt câu hỏi: “Có phải Trường ĐH Tây Bắc có nhiều hành vi quấy rối tình dục nên mới làm chiến dịch này hay không?”. Nhưng tôi cho đó là cơ hội để bày tỏ sâu hơn về chiến dịch của mình.

Hiện nay, quấy rối tình dục có ở khắp mọi nơi, dưới nhiều dạng khác nhau, cần có một cuộc khảo sát cụ thể để có thể khẳng định ở bất kỳ đơn vị nào có hay không hành vi quấy rối tình dục. Tôi muốn xây dựng một Chiến dịch với chuỗi hoạt động với mục đích trang bị cho các sinh viên các kỹ năng, kiến thức về vấn đề quấy rối tình dục và bước đầu đưa ra những biện pháp để phòng tránh quấy rối tình dục và tấn công tình dục”.

Khi xây dựng chiến dịch, Thủy nghĩ đến các sinh viên Trường ĐH Tây Bắc, nhất là nữ sinh dân tộc thiểu số. Là một giảng viên dân tộc Thái, hơn ai hết, chị Thủy hiểu trong văn hóa, trong lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số, các sinh viên được giáo dục nhìn nhận việc bị quấy rối là… đương nhiên phải thế.

Bên cạnh đó, đối với các sinh viên vùng cao, đặc biệt là sinh viên dân tộc thiểu số, khả năng tiếp cận tri thức về vấn đề này có phần hạn chế hơn so với đồng bằng. Chính vì thế, các nữ sinh viên này sẽ là đối tượng dễ bị tác động bởi hành vi quấy rối tình dục, thậm chí còn chưa biết nhận diện các hành vi này. Chị Đèo Thị Thủy mong muốn sẽ cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng có thể phòng tránh hành vi quấy rối tình dục, tạo ra một khuôn viên an toàn, một khuôn viên để sinh viên cảm thấy đó là nơi bình yên nhất sau ngôi nhà yêu thương của mình, là điểm đến tin cậy của các em.

Nỗ lực duy trì hoạt động

Ý tưởng về Chiến dịch truyền thông Khuôn viên an toàn “Nói không với quấy rối tình dục và tấn công tình dục” đến với Đèo Thị Thủy trong quá trình tham gia khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo. Trong khóa học, đặc biệt là thời gian 6 tuần đi Australia đã cho Thủy rất nhiều ý tưởng.

Từ các kiến thức được học và sự gợi ý, trợ giúp từ chuyên gia của khóa học, Đèo Thị Thủy đã thực hiện Chiến dịch với một chuỗi hoạt động xuyên suốt, kèm theo đó là các phương pháp khác nhau để thúc đẩy triển khai, lắp ráp, kết nối tạo một làn sóng lớn truyền thông trong nhà trường, lập kế hoạch, ban chỉ đạo, tổ chức phát động chiến dịch trong các sinh viên đứng đầu các lớp, ban chấp hành các lớp và các chi đoàn trong trường. Sau đó tổ chức các cuộc talkshow nói về vấn đề quấy rối tình dục, tập huấn cho các sinh viên nòng cốt…

Nữ giảng viên người dân tộc Thái, Đèo Thị Thủy
Nữ giảng viên người dân tộc Thái, Đèo Thị Thủy

Hỏi Đèo Thị Thủy lấy tiền đâu ra để vận hành chiến dịch, Thủy cười tươi nói: “Nói thật là khi xây dựng chiến dịch, chúng tôi không có tiền. Vậy nên mọi người đã tổ chức gian hàng bán một số sản phẩm lưu niệm để gây quỹ cho chiến dịch.Trong gian hàng đó, chúng tôi phát tờ rơi, giải đáp thắc mắc về vấn đề quấy rối tình dục, kêu gọi và được trên 700 sinh viên chung tay ký lên poster…”.

Và điều thú vị là từ hoạt động gây quỹ đó đã có những “mối quan hệ phát sinh”! Đèo Thị Thủy cùng các đồng nghiệp được các đơn vị bạn mời đến nói chuyện, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho các sinh viên, tập huấn cán bộ Đoàn/Hội, bước đầu trao đổi, gợi mở cho các sinh viên sự nhìn nhận về giới, chia sẻ các clip và kiến thức Thủy đã học được. Thủy và các đồng nghiệp rất vui khi sinh viên các trường đều bày tỏ mong muốn có những hoạt động thường xuyên như vậy tại trường mình. Chiến dịch Khuôn viên an toàn từ Trường ĐH Tây Bắc đã nhân rộng ra các trường khác như vậy.

Thành công bước đầu

Đèo Thị Thủy cho biết, Chiến dịch Khuôn viên an toàn trong trường ĐH có những sản phẩm truyền thông nhằm đánh giá phản hồi và nhìn nhận của sinh viên. Kết quả cho thấy phần lớn sinh viên đã bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về các hành vi quấy rối tình dục, có các kỹ năng để phòng tránh, giữ an toàn cho bản thân, tôn trọng các bạn sinh viên.

Có nữ sinh viên người Mông gặp Thủy chia sẻ: “Trước kia em đã từng bỏ qua chuyện bị quấy rối tình dục nhưng nay em đã nói thẳng suy nghĩ, cảm xúc của mình. Và từ sau em đã không bị như vậy nữa”. Với Đèo Thị Thủy, đó chính là thành công của chiến dịch khi bước đầu thay đổi nhận thức của sinh viên về vấn đề quấy rối tình dục và tấn công tình dục.

Bằng nhiệt huyết của mình, nữ giảng viên xinh đẹp Đèo Thị Thủy đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho sinh viên. Thủy chia sẻ nếu được chọn lựa lại, cô sẽ tổ chức ít hoạt động nhưng mang tính chuyên sâu hơn để đạt được kết quả tốt hơn nữa. Nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Ban lãnh đạo Trường ĐH Tây Bắc, trong thời gian tiếp theo, Đèo Thị Thủy mong muốn sẽ được tiếp tục triển khai Chiến dịch truyền thông, không chỉ dừng lại ở vấn đề quấy rối tình dục mà còn là những vấn đề khác như giới, định kiến giới…

“Trong 6 tuần học tập tại Australia, tôi rất ấn tượng về một trung tâm được đến tham quan ở Nam Úc, nơi nói về các vấn đề phòng chống quấy rối tình dục, tệ nạn hiếp dâm phụ nữ. Trung tâm còn được cung cấp quyền giám định pháp y. Lúc đó tôi đã nghĩ giá mà ở Việt Nam có một trung tâm như vậy thì tốt quá! Và mong muốn này vẫn ấp ủ trong tôi...”.

ThS Đèo Thị Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.