Nữ giảng viên trẻ mê ngôn ngữ Việt

Giảng viên trẻ Lê Thị Thùy Vinh
Giảng viên trẻ Lê Thị Thùy Vinh

Thành công từ kiên trì và đam mê

Vốn là dân chuyên văn (Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc), Lê Thị Thùy Vinh chọn Trường ĐHSP Hà Nội 2 làm bệ phóng cho ước mơ dạy học và trở thành một gương mặt nổi bật của trường. Chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy chuyên ngành Ngôn ngữ học tại tổ Ngôn ngữ, khoa Ngữ văn sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Cử nhân sư phạm Ngữ văn với tấm bằng loại Giỏi (8,59). Khi ấy, chị đã là một Đảng viên trẻ với rất nhiều dự định và nhiệt huyết.

Mê văn chương và ngôn ngữ, Thùy Vinh ghi dấu ấn nghiên cứu đầu tiên khi còn là sinh viên với đề tài “Hiện tượng chuyển trường nghĩa của từ ngữ trong đời sống xã hội” - đạt giải ba giải thưởng sinh viên NCKH cấp Bộ. Sau đó, tiếp tục nghiên cứu sâu về ngôn ngữ, đề tài “Nghiên cứu quán ngữ tiếng Việt từ góc độ dụng học” được nữ giảng viên trẻ dồn tâm huyết.

Nhắc đến cô giáo Lê Thị Thùy Vinh trong khoa Ngữ văn, sinh viên đều nhớ đến cách giảng dạy rõ ràng, dễ hiểu và đầy thú vị của cô. Môn Ngôn ngữ học khô khan, nhưng qua giờ giảng của cô Vinh cũng trở nên sinh động và đầy tính ứng dụng.

Chị tâm sự về niềm yêu thích với lí thuyết ngữ dụng học trong ngôn ngữ học và cho biết luôn tìm tòi những vấn đề chưa được các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu một cách có hệ thống và ứng dụng những vấn đề này trong thực tiễn.

Nhiều khi, thực tiễn nói năng đa dạng của quần chúng nhân dân rất khó thu thập làm ngữ liệu làm nao núng người nghiên cứu, nhưng chị đã vượt qua, cố gắng triển khai ý tưởng thành đề tài nghiên cứu bằng sự kiên trì và lòng đam mê nghiên cứu khoa học.

 
Giảng viên Lê Thùy Vinh tại hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Giảng viên Lê Thùy Vinh tại hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 

Cần tạo động lực cho giảng viên nghiên cứu khoa học

Là ủy viên BCH Đoàn trường đảm nhiệm công tác NCKH của đoàn viên – thanh niên, chị Lê Thị Thùy Vinh lúc nào cũng trăn trở một câu hỏi: làm thế nào để NCKH đi sâu và thực sự có hiệu quả trong đội ngũ giảng viên trẻ? Bởi chị thấy nhiều giảng viên trẻ hiện nay chưa thật sự quan tâm đến NCKH. Họ coi NCKH chỉ là hoạt động “thích thì làm” chứ không phải là công việc có tính thường trực.

Đặc biệt đối với giảng viên các trường sư phạm, NCKH gắn liền với thực tiễn chưa thực sự có hiệu quả thiết thực. Nhiều vấn đề lí thuyết vẫn còn mang tính chung chung, chưa có những đề xuất cụ thể và có hiệu quả cao.

“Tôi luôn ứng dụng kết quả nghiên cứu trong những đề tài NCKH của mình vào bài giảng ngôn ngữ học và nhận thấy sinh viên rất hứng thú với những kết quả nghiên cứu này. Đồng thời, qua đây, tôi cũng hướng dẫn các em cách để NCKH hiệu quả” – Thùy Vinh nói thêm khi nhấn mạnh sự bổ trợ của công tác nghiên cứu với việc dạy học.

Để công tác NCKH thực sự là một hoạt động chất lượng, chị Thùy Vinh cho rằng cần tác động và nuôi dưỡng các yếu tố thành công trong nghiên cứu là năng lực nghiên cứu, động lực nghiên cứu. Ngoài ra, cũng cần phải có một cơ chế nhằm tổ chức NCKH một cách hệ thống.

Để tạo động lực cho NCKH, nhà trường cần phải coi nghiên cứu khoa học là một tiêu chuẩn về chất lượng chuyên môn trong đánh giá, xếp loại thi đua của cán bộ, giáo viên; phải cố gắng tăng thu nhập cho các giảng viên với nguyên tắc: thu nhập tăng thêm nhiều hay ít phải tùy thuộc vào kết quả công tác nghiên cứu. Như vậy mới tạo ra động lực tích cực NCKH cho giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ.

Giảng viên Lê Thị Thùy Vinh tại lễ tuyên dương 100 Đảng viên trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2012
Giảng viên Lê Thị Thùy Vinh tại lễ tuyên dương 100 Đảng viên trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2012

Một số điểm nhấn về giảng viên trẻ Lê Thị Thùy Vinh:

- Kết quả học tập đạt loại giỏi 4 năm đại học

- Tốt nghiệp thủ khoa ngành CNSP Ngữ văn với bằng loại Giỏi

- Được kết nạp Đảng năm 2007, khi còn là sinh viên

- Đảng viên trẻ Thủ đô xuất sắc năm 2010

- Đạt nhiều giải cao trong các kì thi Olympic cấp khoa, cấp trường, cấp các trường ĐH

- Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với kết quả xuất sắc và nhận bằng Tiến sĩ năm 2016.

- Đã nghiệm thu 3 đề tài KHCN cấp cơ sở, 1 đề tài đang trong giai đoạn triển khai; đã thẩm định 3 tập bài giảng và đang triển khai 2 tập bài giảng trong năm học này.

- Cộng tác viên tích cực của các tạp chí chuyên ngành như Ngôn ngữ và đời sống, Từ điển học và bách khoa thư…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ