3 giảng viên đại học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020

3 giảng viên đại học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020

Đây là ba công trình được thực hiện tại Việt Nam, công bố trên các tạp chí quốc tế xuất sắc, tiếp cận các hướng nghiên cứu mới trên thế giới.

Nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học

Tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm; tăng tỉ lệ phôi sống sau rã đông 99%... là những thành tựu quan trọng, nổi bật nhất mà PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự Trường Đại học Y Dược TPHCM đạt được với công trình nghiên cứu được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

PGS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, nghiên cứu được bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu từ giữa năm 2015 tại Bệnh viện Mỹ Đức (TPHCM). Việc thu thập và theo dõi dữ liệu cho đến kết quả sản khoa và trẻ sơ sinh của một số lượng lớn phụ nữ điều trị (782 người) hết sức công phu và khó khăn.

Trong quá trình thực hiện, dữ liệu nghiên cứu được kiểm tra và giám sát bởi một Ủy ban Giám sát dữ liệu độc lập gồm 3 Giáo sư uy tín trên thế giới: GS JLH Evers (Chủ biên Tạp chí Human Reproduction, người Hà Lan), GS S Bhattacharya (Chủ biên Tạp chí Human Reproduction Open, người Anh), TS E Schuit (Đại học Utrecht, người Hà Lan).

Về ý nghĩa của công trình, PGS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và 3 triệu chu kỳ chuyển phôi được thực hiện. Tại Việt Nam, có khoảng 20.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và 30.000 chu kỳ chuyển phôi. Kết quả nghiên cứu giúp các bác sĩ và bệnh nhân chọn lựa phương án chuyển phôi phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, biến chứng và thời gian điều trị.

PGS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ, một trong những nhiệm vụ chính của giảng viên đại học là nghiên cứu khoa học. Câu hỏi nghiên cứu thường xuất phát từ thực tiễn. “Hàng ngày làm việc, gặp gỡ, điều trị bệnh nhân, chúng tôi luôn có những câu hỏi lâm sàng như tại sao triệu chứng bệnh diễn tiến như thế, phương pháp nào điều trị hiệu quả hơn”.

Toán học rất thú vị

3 giảng viên đại học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 ảnh 1
PGS.TS Phạm Tiến Sơn

PGS.TS Phạm Tiến Sơn – giảng viên Trường Đại học Đà Lạt nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 với công trình nghiên cứu tính tổng quát của bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số. PGS Phạm Tiến Sơn cho biết, ông thích toán từ những năm học THPT. Bởi vậy, ông đã theo học ngành Toán tại Trường Đại học Đà Lạt từ năm 1981 và ở lại Trường Đại học Đà Lạt làm công tác giảng dạy và nghiên cứu cho đến giờ.

Chính những năm học đại học, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức đã truyền cảm hứng và hướng ông đến với Lý thuyết kỳ dị khi Giáo sư Nguyễn Hữu Đức giảng chuyên đề liên quan đến chuyên ngành Lý thuyết kỳ dị. Sau này, ông tiếp tục học và nghiên cứu ở bậc cao học.

PGS Phạm Tiến Sơn chia sẻ: Công trình nghiên cứu đã chỉ ra hai đóng góp chính. Về mặt lý thuyết, công trình nghiên cứu chứng minh với hầu hết các bài toán tối ưu nửa đại số. Về mặt ứng dụng, dựa vào các kết quả nghiên cứu, chứng tỏ nghiệm tối ưu của hầu hết các bài toán tối ưu đa thức hoàn toàn được xác định bằng cách giải một số hữu hạn các bài toán quy hoạch nửa xác định.

Các kết quả trên cùng với một kết quả chuẩn về sự tồn tại các tiêu chuẩn tổng các bình phương chỉ ra rằng có thể xây dựng một dãy các bài toán quy hoạch nửa xác định sao cho dãy nghiệm của các bài toán này sinh ra một dãy các điểm hội đến nghiệm bài toán ban đầu sau hữu hạn bước.

“Nghiên cứu toán học có rất nhiều điều thú vị, tôi cùng các đồng nghiệp đang xây dựng những tính chất tổng quát cho lớp bài toán tối ưu nửa đại số có cấu trúc phức tạp ở đó hàm mục tiêu và tập ràng buộc phụ thuộc vào tham số, điều này cần những ý tưởng mới để giải quyết bài toán tổng quát này”, PGS Phạm Tiến Sơn cho biết.

Chú trọng nghiên cứu khoa học

3 giảng viên đại học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 ảnh 2
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu tại lễ trao giải Tạ Quang Bữu 2020. Ảnh: NVCC

Công trình nghiên cứu nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 của TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu - giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đề xuất phương pháp tổng quát để xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp. Theo đó, đại lượng này được xác định trong hệ hình thức điện môi, sử dụng hàm mất năng lượng thu được từ các tính toán nguyên lý đầu.

Nói về đề tài, TS Hiếu cho biết, vào năm 2008, ông gặp Giáo sư hướng dẫn và đi theo hướng của thầy, nghiên cứu tán xạ điện tử trong vật rắn bằng mô phỏng Monte Carlo. Phương pháp này đòi hỏi cơ sở dữ liệu về quãng đường tự do trung bình (không đàn hồi) của điện tử. Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm lẫn lý thuyết về đại lượng này, hầu hết là cho điện tử năng lượng cao.

Sau khi về nước, ông đã đi sâu nghiên cứu tán xạ không đàn hồi cho điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) trong vật liệu. Công trình khoa học này là dựa trên các công trình trước đó về tán xạ điện tử, một chủ đề nghiên cứu mà TS Hiếu đã theo đuổi hơn 10 năm nay.

“Tôi cố gắng giải quyết những vấn đề còn khúc mắc trong chuyên ngành, qua đó đóng góp vào sự phát triển của chuyên ngành nói riêng và sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung. Đó cũng là hành động thiết thực của người làm khoa học đối với xã hội”, TS Hiếu giải thích.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu nói: Khoa học Việt Nam hiện nay đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, chuyên nghiệp hơn so với trước đây. Hiện nay, các trường đại học đã bắt đầu chú trọng hơn vào nghiên cứu khoa học, đưa ra nhiều chính sách để tăng cường công bố khoa học cả về số lượng và chất lượng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.