Nữ doanh nhân 10 năm đi kiện đòi 11 tỷ đồng

GD&TĐ - Trải qua ba phiên sơ thẩm, ba lần phúc thẩm, vừa qua TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên chấp nhận kháng cáo của doanh nhân Đặng Thị Liên, buộc bị đơn dân sự Hoàng Thị Lệ Quyên trả cho bà gần 11 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Lệ Quyên (phải) tại một phiên tòa trước đây.
Bà Hoàng Thị Lệ Quyên (phải) tại một phiên tòa trước đây.

Quyết định này của HĐXX đã khép lại hành trình 10 năm theo đuổi vụ kiện đòi 11 tỷ đồng của bà Liên.

Thả tép bắt tôm

Theo hồ sơ vụ án, bị đơn Hoàng Thị Lệ Quyên là Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Trang Việt, đang chấp hành hình phạt tù chung thân theo bản án ngày 9/4/2013 của TAND TPHCM về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 6/2010, bà Đặng Thị Liên (sinh năm 1961, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Phú Mỹ) quen biết bà Hoàng Thị Lệ Quyên (sinh năm 1977, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Trang Việt). Bà Quyên tự giới thiệu là người làm ăn lớn, chuyên kinh doanh hàng nông sản.

Do công ty liên tục làm ăn thua lỗ nên Quyên nghĩ ra cách lừa tiền cùa bà Liên để trả nợ. Bà Quyên nói với bà Liên rằng chị ta là người chuyên mua bán nông sản, có nhiều mối làm ăn lớn với các đại gia và ngỏ ý muốn bà này góp vốn kinh doanh.

Sau đó, bà Quyên đề nghị bà Liên góp vốn để cùng kinh doanh. Ban đầu, hai bên ký hợp đồng mua bán sắn lát, bà Liên chuyển cho Quyên 920 triệu đồng, một tháng sau Quyên trả bà Liên tiền gốc và 67 triệu đồng tiền lãi.

Đầu tháng 8/2010, bà Quyên nói với bà Liên đang hợp tác làm ăn với 2 tập đoàn lớn, đang có một hợp đồng nhập khẩu lúa mì từ Argentina về Việt Nam trị giá 200 tỷ đồng. Quyên mời bà Liên góp 80 tỷ đồng với lời hứa sẽ chia nhiều lợi nhuận khi số hàng này về Việt Nam.

Để bà Liên tin tưởng, Quyên đã ký hợp đồng với bà Liên, hứa chia lợi nhuận cao (bà Liên góp 4 tỷ đồng, trong một tháng được trả 10 tỷ đồng) và sẽ cho bà Liên nhận hàng, giao hàng. Có khi bà Liên chưa chuyển tiền nhưng Quyên viết trước giấy vay tiền 16,5 tỷ đồng, bao gồm tiền vốn và tiền lợi nhuận 11,1 tỷ đồng mà Quyên hứa sẽ trả…

Thấy những lần trước Quyên làm ăn rất uy tín và trả lãi cao nên bà Liên đồng ý góp vốn. Để có tiền, bà Liên đã bán hầu hết tài sản được gần 12 tỷ đồng chuyển cho Quyên để “góp vốn kinh doanh” mà không chút mảy may nghi ngờ.

Tuy nhiên bà Quyên đã dùng toàn bộ số tiền trên để trả nợ, mua đất đai, đầu tư kinh doanh và tiêu xài cá nhân. Trong đó, Quyên cho em gái mình đứng tên một số miếng đất.

Đến hạn mà không thấy Quyên giao tiền, cũng không đả động gì đến lô hàng “trăm tỷ”, sau khi tìm hiểu và biết mình bị lừa, bà Liên làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Trong khi đó, Quyên dùng tiền lừa đảo bà Liên đi đặt cọc mua đất, trả nợ…

Bà Quyên dùng 1,2 tỷ đồng mua lô đất 805 m2 tại xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai, sau đó chuyển nhượng cho bà Phùng Khánh N. Bà N. được cấp sổ đỏ, sau đó chuyển nhượng cho người khác…

10 năm kiện đòi lại tiền bị lừa

Trải qua 10 năm với ba phiên tòa sơ thẩm, ba phiên tòa phúc thẩm, vừa qua TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên chấp nhận kháng cáo của doanh nhân Đặng Thị Liên, buộc bị đơn dân sự Hoàng Thị Lệ Quyên trả cho bà gần 11 tỷ đồng.

Đồng thời, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng tuyên vô hiệu đối với các giao dịch dân sự liên quan đến mảnh đất 805 m2 mà bà Quyên mua bằng tiền lừa đảo của bà Liên, sau đó được bán qua tay nhiều người. Với phán quyết này của HĐXX phúc thẩm, khả năng thu hồi số tiền bị lừa của bà Liên được thuận lợi hơn.

Theo diễn tiến vụ án, từ năm 2013, hai bản án sơ thẩm đã tuyên buộc bà Quyên bồi thường cho bà Liên số tiền đã chiếm đoạt nhưng sau đó đều bị hủy phần dân sự vì giải quyết chưa thỏa đáng quyền lợi của bà Liên. Trong đó, phần hình phạt tù chung thân đối với bà Quyên đã có hiệu lực từ năm 2013.

Tại phiên xử sơ thẩm lần 1, TAND TPHCM nhận định, bị cáo đã sử dụng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, lợi dụng sự tin tưởng và đánh vào lòng tham của người bị hại để chiếm đoạt tài sản. Bị cáo đã dùng toàn bộ số tiền chiếm đoạt được sử dụng vào mục đích cá nhân là mua bán bất động sản và trang trải nợ nần.

HĐXX nhận thấy, các khoản tiền này thực chất là của bà Liên, do bị cáo chiếm đoạt được mà có, cho nên các giao dịch của bị cáo liên quan đến số tiền này đều là giao dịch không hợp pháp.

Từ đó HĐXX tuyên phạt bà Quyên tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời buộc các đối tác từng giao dịnh làm ăn với bà Quyên giao nộp lại cho cơ quan chức năng toàn bộ số tiền đã giao dịch với bị cáo để hoàn trả lại cho bà Liên.

Ngày 21/11/2019, tại phiên xử sơ thẩm lần 3, TAND TPHCM buộc bà Quyên bồi thường cho bà Liên gần 11 tỷ đồng; buộc một số người liên quan nộp số tiền do Quyên phạm tội mà có để trả cho bà Liên…

Buộc bà Phùng Khánh N. nộp 1,2 tỷ đồng (tiền gốc do bà Quyên bỏ ra mua lô đất 805 m2). Sau đó, bà Liên kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng lô đất 805 m2.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bà Liên, giữ nguyên án sơ thẩm. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng cáo sửa án sơ thẩm, tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng lô đất 805 m2.

Theo tòa phúc thẩm, lô đất 805 m2 là tài sản do Quyên mua từ tiền do phạm tội mà có. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cho rằng giao dịch giữa Quyên và bà N. là ngay tình nên chỉ buộc bà N. giao nộp 1,2 tỷ đồng để bà Quyên bồi thường cho bà Liên, đồng thời tiếp tục duy trì lệnh kê biên lô đất đến khi bà N. nộp đủ tiền, trong khi lô đất đã được bà N. chuyển nhượng cho người khác. Nhận định này của tòa sơ thẩm là không phù hợp quy định pháp luật.

Do đó, tòa phúc thẩm dành quyền khởi kiện cho bà N. và người nhận chuyển nhượng từ bà N. bằng vụ kiện dân sự khác nếu có yêu cầu.

Ngoài ra, bà Quyên dùng 2,8 tỷ đồng lừa của bà Liên để đối trừ vào tiền nợ bà N. Tiền do bà Quyên phạm tội mà có phải thu hồi trả cho chủ sở hữu, khắc phục hậu quả. Việc tòa sơ thẩm không buộc bà N. nộp lại 2,8 tỷ đồng để bảo đảm thi hành án là không đúng quy định pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.