Đó là trường hợp bệnh nhân tên Kim khiến Ths, bác sĩ Nguyễn Thị Vân (SN 1974), Trưởng khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I nhớ mãi.
BS Vân cho biết, bà Kim cũng là bác sĩ, công tác tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM.
Ths, bác sĩ Nguyễn Thị Vân. |
Kinh tế khá giả nhưng bà Kim chỉ sinh được một cậu con trai duy nhất. Lớn lên, người con này thi đỗ vào trường đại học danh tiếng tại Hà Nội nên ra thủ đô sống và học tập.
Bà Kim vẫn ở TP.HCM, hàng tháng bà đều ra Hà Nội với con, thăm nom và động viên con học tập.
Người con không phụ lòng mẹ. Sau khi tốt nghiệp, anh được tuyển thẳng vào một cơ quan nhà nước và kết hôn với một cô gái Hà Nội. Hai người được đánh giá là cặp đôi tài sắc vẹn toàn.
Cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc, 3 đứa trẻ lần lượt được ra đời. Kinh tế hai vợ chồng cũng khá giả nhờ năng lực của bản thân và sự trợ giúp của 2 bên gia đình.
Thế nhưng, kể từ sau khi sinh con thứ 3, con trai bà Kim bỗng thay đổi. Anh không chú tâm vào công việc và chăm lo cho gia đình như trước. Thay vào đó, anh ta mải mê với lô đề, cờ bạc, và cá độ bóng đá.
Tiền cá độ lên đến nhiều tỷ đồng khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Lúc này, bà Kim cũng đến tuổi nghỉ hưu nên quyết định ra Hà Nội sống cùng con để đỡ đần và động viên con trai tránh xa lỗi lầm.
‘Tuy nhiên, càng ngày, người con trai càng lún sâu vào tệ nạn. Bao nhiêu tiền bạc trong nhà đội nón ra đi", BS Vân kể lại.
Không chịu được cảnh nợ nần, chồng bỏ bê gia đình, tiền bạc đổ xuống sông xuống biển, con dâu bà Kim đề nghị được ly hôn.
Bà Kim muốn giữ cuộc hôn nhân của hai con nên quyết định rút toàn bộ tiền tiết kiệm và bán nhà ở TP.HCM để trả nợ và bù đắp cho con. Tuy nhiên, cậu con trai vẫn như bị bỏ ‘bùa mê thuốc lú’, không thoát được cảnh bài bạc khiến người vợ kiên quyết không thể sống chung.
‘Không chỉ ly hôn, cô vợ còn muốn nhận nuôi cả 3 con, đưa các con tránh xa người cha cờ bạc’, BS Vân nói tiếp.
Lời tuyên bố của con dâu như cú đánh trời giáng khiến bà Kim rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng, không thiết ăn, không thiết ngủ, cơ thể suy nhược …
‘Một lần, nhân lúc con cái không để ý, bà vơ cả vốc thuốc (vốn là thuốc bà vẫn dùng để điều trị tiểu đường, huyết áp) rồi uống bằng hết. Kết quả, bà phải vào viện cấp cứu vì trụy tim mạch. May mắn, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho bà.
Nhưng khi cơ thể vừa hồi phục, không biết bằng cách nào đó, bà Kim lại gom được một vốc thuốc huyết áp và tiểu đường khác rồi tự tử lần thứ hai’, BS Vân kể lại.
Theo lời BS Vân, vốn là một BS, bà Kim thừa biết, việc dùng thuốc như vậy sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, nó khiến bệnh nhân bị trụy tim mạch và không thể qua khỏi nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhưng có lẽ, sự thất vọng và những cú sốc tâm lý đã khiến bà Kim bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực và muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân mình.
Khu điều trị khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. |
Trong quá trình điều trị, BS Vân nói, chị còn gặp một người mẹ, vì không thể dạy bảo đứa con ngang bướng mà phải điều trị bệnh trầm cảm.
"Đó là một người mẹ ở Thường Tín (Hà Nội)", nữ BS cho biết.
Người mẹ này đã từng bị trầm cảm vì cú sốc chồng ngoại tình. Nhưng sau một thời gian được điều trị tích cực bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý, chị đã ổn định và trở lại công việc.
‘Khi con trai đến tuổi dậy thì, đứa trẻ trở nên ương bướng, luôn cãi lời bố mẹ. Người mẹ dạy con không được nên cảm thấy bất lực, chán nản, lo lắng khiến bệnh trầm cảm tái phát’, BS Vân nói.
Cùng với đó, BS Vân cũng cho biết, nhiều bà mẹ có con mắc chứng tâm thần. Sau một thời gian chăm sóc con, mẹ bị áp lực, mệt mỏi và tinh thần chán nản nên cũng dẫn đến trầm cảm.
Tuy vậy, nữ BS khẳng định, khi có bệnh nhân bị trầm cảm, người nhà không nên quá lo lắng vì đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. ‘Quan trọng là, người bệnh phải được phát hiện và điều trị sớm. Nếu không, hậu quả sẽ khó lường’, BS Vân nói.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.