NSƯT Khúc Hà Linh U80 vẫn 'tả xung hữu đột'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Am hiểu lĩnh vực âm nhạc, văn học, sân khấu, báo chí, truyền hình… nhưng NSƯT Khúc Hà Linh lại đắm đuối nhất với các làn điệu dân ca.

Soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh (giữa) trao đổi với các nghệ sĩ khi thể hiện bài hát của mình.
Soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh (giữa) trao đổi với các nghệ sĩ khi thể hiện bài hát của mình.

Cả cuộc đời hoạt động của mình, ông đã không ngừng nỗ lực để quảng bá, giới thiệu những loại hình nghệ thuật truyền thống, tìm tòi và “dựng” lại chân dung các nhà văn hóa lớn với đông đảo công chúng xa gần, với một thái độ làm việc nghiêm túc, chỉn chu.

Mùa Xuân ngọt ngào hoa trái

Dẫu biết tên tuổi của NSƯT Khúc Hà Linh từ lâu qua chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thế nhưng khi được quen biết ông, tôi vẫn rất bất ngờ về sự tài hoa của người nghệ sĩ này.

Bởi dù làm rất nhiều nghề một lúc nhưng nghề nào cũng mang lại cho ông những thành công nhất định. Nghệ sĩ Khúc Hà Linh dành tình yêu tha thiết nhất cho những làn điệu dân ca.

Không nỡ để những làn điệu cổ ấy bị lãng quên, ông soạn lời mới, mang đến một sức sống mới để kéo khán giả, nhất là khán giả trẻ, đến gần hơn với âm nhạc truyền thống. Ông viết ở nhiều thể loại, nhiều làn điệu và nhiều chủ đề khác nhau.

Lời ca trong các bài soạn lời mới của ông giản dị mà tinh tế, giàu nhạc điệu mà vẫn đậm hồn thơ, dễ hát, dễ thuộc… Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam từng nhận xét: “Khi Khúc Hà Linh viết về mùa Xuân thì tình xuân, ý xuân chan chứa.

Khi viết về tình yêu thì ngọt ngào, say đắm, da diết yêu thương. Khi Khúc Hà Linh viết về quê hương thì xúc cảm dạt dào… Là người yêu thơ, biết làm thơ và làm thơ rất hay nên trong lời ca trong các bài soạn lời của Khúc Hà Linh ý vị, tinh tế, đẹp vần, đúng vận”.

Những ngày đầu xuân Quý Mão này, chợt nhớ đến 2 album âm nhạc, “Ngọt ngào hoa trái” ra đời vào mùa Xuân Canh Tý năm 2020. Album được soạn giả Mai Văn Lạng tuyển chọn và viết lời giới thiệu có những bài quen thuộc từng được nhiều thế hệ khán, thính giả yêu thích như: “Ngọt ngào hoa trái”, “Bác Hồ - Nguyễn Trãi - Côn Sơn”, “Vời vợi trăng thu Kiếp Bạc”, “Đêm xuân hồ Gươm”…

Mùa Xuân cỏ cây đâm chồi nảy lộc, tốt tươi, lòng người hân hoan và lại thêm phần thú vị khi những lời ca đẹp về mùa Xuân của Khúc Hà Linh vang lên: “Chùm nhót chín như đèn khêu vừa tỏ/Trỏ lối vào từng ngõ đêm đêm/Vải Thanh Hà, mùa quả chín quê em/Ngọt lịm bờ môi, ửng hồng đôi má…” hay “Dưa hấu chứa mặt trời hồng/Mà sao ngọt mát trong lòng người ơi/Quả cau lơ lửng giữa trời/Trái tim nho nhỏ của người yêu thương/Ngọt ngào hoa trái quê hương/Đẹp trong câu hát, nẻo đường ta đi”.

Truyền thống quê hương vun đắp

Soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh trao đổi trên một chương trình truyền hình.

Soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh trao đổi trên một chương trình truyền hình.

NSƯT Khúc Hà Linh sinh ra và lớn trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Chí Linh (Hải Dương) – nơi sinh thành ra Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và cũng là nơi thầy giáo Chu Văn An tìm về ở ẩn.

Cha ông là con một nhà nho, am tường văn học cổ nên ông được thừa hưởng tình yêu văn học nghệ thuật, được tiếp xúc với vốn văn hóa nho học uyên thâm, sâu sắc nhưng cũng rất thi vị, tinh tế.

Thuở nhỏ, Khúc Hà Linh mê xem chèo. Những giai điệu, làn điệu chèo như “Luyện năm cung”, “Lới lơ”, “Quạt màn”… cứ neo mãi trong tâm hồn cậu bé Linh, để rồi sau này khi trưởng thành, ông quyết định bắt tay vào công việc viết lời mới cho dân ca và chèo.

Nhờ kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc cũng như không ngừng làm mới cho phù hợp với đời sống đương đại, ông đã viết được hàng trăm tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm đã gặt hái những thành công nhất định như vở chèo “Chuyện ven sông” - giải A Hội diễn không chuyên Bộ Giao thông - Vận tải năm 1996, vở chèo “Mở đường” - giải A Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2014, bài hát chèo “Mùa vải chín” - giải A của Đài Tiếng nói Việt Nam trong cuộc thi soạn lời mới cho dân ca năm 2002, đĩa CD ca nhạc “Mùa quả chín” - giải Khuyến khích giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn năm 2010…

Năm 2014, ông dành gần một năm viết vở chèo dài “Nàng Châu Long”, được Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng và phát sóng. Gần đây, ông tiếp tục cho ra mắt 2 CD âm nhạc: “Vời vợi trăng thu Kiếp Bạc” và “Nắng bừng Côn Sơn”… ca ngợi vùng đất và con người Hải Dương, được thính giả khắp nơi ủng hộ. Đó cũng là cách ông tri ân mảnh đất quê nhà và tri ân khán, thính giả cả nước đã yêu mến ông suốt nhiều năm qua.

Trong lĩnh vực văn học, Khúc Hà Linh là tác giả gần 20 đầu sách gồm nhiều thể loại như thơ, truyện lịch sử, dịch thơ Đường, truyện dài, truyện thiếu nhi… đặc biệt là thể loại khảo cứu.

Ông đã viết 3 cuốn sách về 3 nhà văn hóa lớn của nước ta đầu thế kỷ XX do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Đó là “Nguyễn Trường Tam, Nhất Linh – Ánh sáng và bóng tối”; “Phạm Quỳnh, con người và thời gian”; “Học giả Nguyễn Văn Vĩnh – chuyện nghiệp, chuyện đời”, với số lượng in nhiều nghìn bản, được tái bản nhiều lần.

Sở dĩ viết về 3 nhân vật này là bởi ông muốn bạn đọc đương đại có thêm những góc nhìn để có thể thấu hiểu, đánh giá chính xác hơn về họ. Quả ngọt dành cho những năm tháng nghiền ngẫm của ông, cuốn khảo cứu về tác giả Nguyễn Trường Tam đã nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn năm 2011 của UBND tỉnh Hải Dương.

Nhà báo tài hoa, sắc sảo

Soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh và vợ.

Soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh và vợ.

Vào trang Facebook của NSƯT Khúc Hà Linh lúc nào cũng thấy ông vui cười, lạc quan, yêu đời và dồi dào sức sáng tạo. Dịp Xuân này, ông nhận lời mời tham gia chương trình cho một số đài, rồi lại viết đến mấy chục bài viết, bút ký và cả câu đối trên các báo địa phương và Trung ương.

Ai cũng hiểu, ở tuổi này ông viết không phải vì đồng nhuận bút mà vì niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt. Có lẽ với ông, sáng tạo báo chí, nghệ thuật là nguồn sống, là tình yêu khó có thể cạn. Sự say mê đó truyền cho nhiều thế hệ nhà báo, nghệ sĩ trẻ tinh thần vươn lên, cống hiến không mệt mỏi.

Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Khúc Hà Linh mà không nói đến vai trò nhà báo của ông, với hàng nghìn bài báo đủ các thể loại bút ký, phóng sự ghi chép, tản văn, chính luận.

Ông đã từng giành Giải Báo chí Quốc gia và 2 lần giành Giải Báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặc dù viết báo không ít nhưng dường như ông luôn trung thành với thể loại bút ký chân dung về gương người tốt việc tốt. Bởi ông luôn quan niệm: “Khi nhân vật người tốt việc tốt đã xuất hiện trên trang viết, mặc nhiên họ thành người của công chúng. Ảnh hưởng của nhân vật được lan tỏa, có tác dụng giáo dục và định hướng đạo đức, nhân cách đối với con người trong xã hội”.

Chính vì vậy, những nhân vật trong các tác phẩm của Khúc Hà Linh là những người có đam mê, khát vọng, có ý chí, nghị lực và đang ngày càng nỗ lực để góp một “bông hoa nhỏ” trong “vườn hoa lớn” của xã hội.

Đọc những bài viết của ông, mỗi người sẽ thấy yêu thêm cuộc đời này, sống nhân văn, ý nghĩa hơn khi mà người ta biết rằng ở đâu đó có những con người, những số phận đang cần mẫn góp sức để xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ông cũng thổ lộ, viết về người tốt việc tốt không hẳn dễ như có người vẫn nghĩ. Nó vẫn cần có niềm say mê, cảm hứng và kỹ năng thực hiện. Nghệ thuật viết càng chân thực bao nhiêu, càng lay động độc giả bấy nhiêu.

Chưa hết, như chia sẻ của nghệ sĩ Khúc Hà Linh, ông còn là tác giả của 30 phóng sự truyền hình và đây cũng là lĩnh vực mang lại cho ông danh hiệu NSƯT.

Đặc biệt, trong thời gian giữ cương vị cố vấn cho kênh VTC10 - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, ông kiêm luôn cả đạo diễn, kịch bản và viết lời bình. Cũng chính trong khoảng thời gian này, ông đã thực hiện những bộ phim mang lại nhiều huy chương trong Liên hoan Truyền hình toàn quân.

Giờ đã bước sang tuổi 77 nhưng NSƯT Khúc Hà Linh vẫn “tả xung hữu đột” trên nhiều “mặt trận”. Đó là bản lĩnh mà ông có được từ kết quả của quá trình lao động miệt mài, không ngừng nghỉ trên cánh đồng chữ nghĩa trong ngót 10 năm sau khi nghỉ hưu.

Ông luôn giữ cho mình cường độ làm việc không thua kém những năm tháng còn đương chức. Chính vì vậy, trong số 14 Huy chươngVàng và bạc tại các kỳ liên hoan truyền hình toàn quân của ông, có tới 11 huy chương trao cho các tác phẩm ông sáng tác sau khi nghỉ hưu.

Nhìn vẻ nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh và đặc biệt là số lượng tác phẩm cũng như các giải thưởng mà ông đã gặt hái được có thể thấy, sức sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật trong ông chưa bao giờ dừng lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ