NSND Lê Chức: 'Quên tuổi' vì đam mê cống hiến

GD&TĐ - NSND Lê Chức sinh năm 1947 tại Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật.

NSND Lê Chức trong phòng thu.
NSND Lê Chức trong phòng thu.

“Nếu theo tuổi thì tôi nghỉ hưu năm 2007. Nhưng trước đó, năm 2005, tôi đã tham gia và được giao vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Nhưng tất cả những điều đó không quan trọng bằng việc tôi chưa từng cho mình một ngày nào nghỉ hưu đến tận bây giờ - ở tuổi 78. Bởi tôi không làm cái này thì làm cái khác”, NSND Lê Chức chia sẻ.

Như chưa từng biết đến tuổi già

NSND Lê Chức sinh năm 1947 tại Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha ông là nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh. Mẹ của ông tuy không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng có niềm đam mê đóng kịch và là người đầu tiên thể hiện thành công hình tượng Võ Thị Sáu trên sân khấu kịch Hải Phòng năm 1956.

Năm 1965, ông trở thành diễn viên chính của Đoàn kịch nói Hải Phòng. Năm 1987, ông tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Kiev (nay là Ukraine). Trong suốt 15 năm công tác tại Đoàn kịch nói Hải Phòng, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vai diễn như: Hoài “sữa” (Chiều cuối - đạo diễn Dương Ngọc Đức), Victor (Masa), Êdốp (Con cáo và chùm nho), vai bí thư Xôlômakhin (Biên bản một cuộc họp Đảng ủy), vai trung úy Nguyễn Thế Kỷ (Cửa mở hé)…

Sau đó, ông chuyển sang làm việc tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông cũng là người đạo diễn, biên kịch và đọc lời bình cho nhiều vở kịch, rối, múa và phim tài liệu nổi tiếng, như: “Hoa Lư - Thăng Long, bài ca dời đô”, “Định mệnh bất chợt”, “Thân phận nàng Kiều”, “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”, “Hào khí Bạch Đằng giang”…

Giọng đọc của nghệ sĩ Lê Chức đã chuyển tới công chúng nhiều tác phẩm văn học, chính luận nổi tiếng: Tuyên ngôn độc lập, Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ văn, Nhật ký trong tù, Đường Kách mệnh…

Ông quan niệm, những con chữ viết ra luôn luôn có chiều sâu tâm hồn và chiều rộng cảm xúc của chính tác giả, trách nhiệm của những người thể hiện con chữ đó bằng thanh âm là phải chạm tới “phần hồn” của con chữ, đưa lời đọc đạt tới độ biểu cảm cao nhất. Với chất giọng dày, ấm, lối biểu đạt tinh tế, biến hóa, ông đã làm sống dậy những con chữ, truyền tải được tâm huyết, khát vọng, niềm tin, tình yêu của tác giả và của cả dân tộc.

Với những cống hiến của mình, ông nhận danh hiệu NSƯT năm 1993. Năm 2007, ông nghỉ hưu. Và đến năm 2023, ông được tặng danh hiệu NSND.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại ở tuổi hưu, NSND Lê Chức thừa nhận: “Tôi chưa từng có ngày nào nghỉ hưu và bản thân tôi cũng tự tạo ra những điều kiện không nghỉ hưu. Nếu theo tuổi, tôi nghỉ hưu năm 2007. Nhưng năm 2003, tôi đã rời chức vụ Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn để sang làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Khi chuyển sang bên hội thì chuyển luôn tuổi nghỉ hưu về hành chính để sang công việc mới nên coi như nói theo ngôn ngữ điện ảnh là tôi có một động thái “mờ chồng” (chuyển từ cảnh này sang cảnh khác với mục đích thay đổi bối cảnh, thời gian, không gian, sự kiện... - PV) giữa nghỉ hưu hành chính và tiếp tục công việc ở một nơi được hiểu là không lấy tiêu chí nghỉ hưu làm yếu tố then chốt.

Vì thế, tôi đã ngồi vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từ 2005 “mờ chồng” động thái nghỉ hưu 2007 và nhận phụ cấp trách nhiệm của Phó Chủ tịch Thường trực (hệ số 5,6 - theo lương cơ bản).

Nhưng tất cả những điều đó không quan trọng bằng việc tôi chưa từng cho mình một ngày nào nghỉ hưu đến tận bây giờ - ở tuổi 78. Bởi tôi không làm cái này thì làm cái khác”.

“Không làm cái này thì làm cái khác” theo như ông nói là làm cố vấn nghệ thuật, viết kịch bản, dựng vở... Điển hình, sau hơn 20 năm ông trở lại sân khấu Lệ Ngọc với vai diễn trong vở “Vụ án người đốt đền” (2022), vai tướng Pháp DeCastries trong vở “Mệnh lệnh trái tim” (5/2024). Ngoài ra, ông còn đánh dấu sự trở lại trong vai trò đạo diễn khi tái hiện bi kịch “Mê Đê” trên sân khấu cải lương (4/2023).

Đặc biệt, theo NSND Lê Chức, ông gần như ngày nào cũng đôi ba lần có mặt ở phòng thu. Ông hài hước kể: “Nếu ngày nào không có lịch đến phòng thu thì hôm sau kiểu gì cũng gấp đôi việc lên. Điều này duy trì suốt từ 1987 đến nay”.

Hỏi vui ông rằng vì bận “chạy show” như thế nên người ta đồn NSND Lê Chức nhiều tiền lắm thì ông bật cười và chia sẻ: “Nói không giấu giếm thì có buổi đọc off 15 phút tôi nhận 2 triệu đồng, nhưng cũng có khi người ta đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, hoàn toàn không đòi hỏi. Thậm chí, đôi khi tôi còn làm free (miễn phí) cho những đơn vị khó khăn hoặc có khi đến cả tiền phòng thu tôi cũng ủng hộ”.

nsnd-le-chuc-quen-tuoi-vi-dam-me-cong-hien-1-386.png
NSND Lê Chức giới thiệu về bố - nhà viết kịch Lê Đại Thanh với niềm tự hào.

Bí quyết giữ giọng đọc huyền thoại

Cho đến hiện tại, điều khiến NSND Lê Chức tự hào nhất không phải là thu nhập mà là được mọi người nhớ đến với thương hiệu “Giọng đọc vàng”, “Giọng đọc huyền thoại trong ngành sân khấu”...

Ông càng thêm chiêm nghiệm với tự cảm: “Tôi không sợ cái nghèo mà chỉ sợ sự kém cỏi trong cuộc đời nghệ thuật của mình trước gia đình, đồng nghiệp cùng khán, thính giả mà tôi luôn trân trọng!”.

Cũng theo NSND Lê Chức, nghề đọc cho ông nhiều trải nghiệm thú vị. Ông kể, cách đây mấy năm, Bộ VH,TT&DL có mời ông tham gia giảng dạy cho lớp MC khoảng 100 người. Khi lớp học kết thúc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có đến hỏi thăm: “… Lớp kết thúc có được ai không?”. Ông thẳng thắn đáp: “Nếu anh hỏi thế thì tôi trả lời là không. Mặc dù ở đây rất nhiều học trò diễn viên của tôi có danh hiệu NSƯT, NSND”.

Bộ trưởng sửng sốt hỏi vì sao thì ông tiếp lời: “MC là công việc khác, nếu dịch theo nghĩa tiếng Anh là “Người làm chủ một cuộc vui”. Khi chúng ta chuyển theo nội dung MC là người dẫn chương trình thì nội hàm của nó lại khác. Anh giao cho tôi chọn trong số này 10 người thôi. Họ học tôi trong 6 tháng. Tôi sẽ giảng cho họ sự hiểu biết về ngôn ngữ tiếng Việt và tình yêu đối với nó, sau đó mới là tập luyện giọng đọc và giọng nói”.

Quê tổ dòng họ Lê của ông gốc ở Thanh Hóa, nhưng ông được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nơi người dân vẫn nói lẫn lộn giữa “n” và “l”. Dù vậy, gia đình ông 10 anh em cùng bố mẹ đều nói giọng chuẩn.

“Tôi họ Lê, quê tổ ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), nhưng được lớn lên ở một trung tâm lẫn lộn “n” và “l” là Hải Phòng. Vậy mà trong giọng và tiếng của tôi, tôi kiêu ngạo nói rằng không có một âm tiết nào của thổ âm 63 tỉnh, thành và 7.200 quận/huyện của đất nước thân yêu này lẫn vào giọng tôi. Vậy giọng tôi là giọng nào để nói tiếng Việt của chúng ta?

Như Lưu Quang Vũ nói “Ôi tiếng Việt muôn đời tôi mắc nợ”; Phạm Duy nói “Từ khi mới ra đời người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời “à ơi”. Bố mẹ tôi cũng không lẫn lộn “n”, “l”. 10 anh chị em tôi cũng thế. Nhưng đến đời cháu thì bị pha chút âm địa phương. Rất may, bà Lê Mai chuẩn tiếng Việt, ông Trần Tiến cũng chuẩn thanh niên Thủ đô nên Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy cũng không lẫn chút nào”, ông kể.

“Tôi thỉnh thoảng vẫn ngồi với mấy người bạn học cùng phổ thông ngày trước, có người còn lên đến chức vụ lãnh đạo cao nhất của thành phố Hải Phòng, nhưng họ vẫn nói lẫn lộn giữa “n” và “l”.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Bây giờ các ông vẫn thế này á?”. Họ đáp lại một câu rất hay: “Ông để cho chúng tôi nói tiếng địa phương. Địa phương chúng ta là thế. Hải Phòng đã sinh ra cho đất nước này một Lê Chức để “nói tiếng Việt” chuẩn là đủ”, NSND Lê Chức chia sẻ thêm.

Chia sẻ về bí quyết giữ giọng, NSND Lê Chức nói, ông không kiêng uống rượu, cũng không kiêng nước đá bởi ông có bí quyết. Nó là một thứ thuốc đặc biệt giá chỉ 1.000 đồng: “Tôi có nước muối - thứ nước muối nhạt tự pha từ muối biển, muối thô. Trước khi ngủ là vệ sinh răng miệng và uống 2 ly thuốc chữa vết thương cũ, sục nước muối rồi ngậm một viên Bảo Thanh đi ngủ. Và có một điểm chắc chắn không được quên là chân phải đi tất đủ cả bốn mùa. Thực tế, huyệt của tiếng nói nằm ở bàn chân nên lạnh chân là không được. Chỉ đơn giản thế thôi”, nghệ sĩ nói về bí kíp giữ giọng của ông.

Ông cũng nói thêm rằng: “Thực ra, ở tuổi này rồi như ngọn đèn trước gió, khó nói trước thế nào được. Đây là nhận định có tính quy luật, ai biết thế nào được giây phút sẽ ra đi. Chính vì thế nên nhiều người ngạc nhiên khi tôi từng nói bản thân không giữ được tiền trong người, làm nhiều nhưng tiền về xong tiền lại đi luôn. Tôi còn không có sổ tiết kiệm.

Con tôi cũng từng thắc mắc, bố làm nhiều mà không có sổ tiết kiệm thì lúc ốm đau thế nào? - Tôi hỏi ngược lại: “Các con tính thế nào?” - Con bảo: “Mừng nhất là bố chưa ốm! Tiền thì bao nhiêu cho vừa. Bố là ân đức đấng bề trên cho, gia tộc cho, chúng con được hưởng, được hưởng ngay không phải đợi đến đời cháu. May bố chưa ốm. Nhưng nếu chẳng may bố ốm, cùng lắm thì bán nhà cũng lo cho bố” - Tôi nói: “Bố cảm ơn!””.

Nghệ sĩ cũng tiết lộ là gần đây ông có 2 sổ tiết kiệm ở ngân hàng, trị giá 350 triệu đồng. “Thực sự đến lúc cũng cần có một khoản để phòng khi phải dùng đến, không cần nhờ vả con cháu”, NSND Lê Chức vui vẻ cho biết.

“78 tuổi vẫn được cống hiến là điều mừng lắm. Bây giờ 78, cố gắng giữ đến 80 giọng đọc vẫn được như này, vẫn tự mình kiếm được những đồng tiền sạch sẽ. Ngoài ra, tuần vài buổi chạy xe sang thăm bà Lê Mai nữa. Bà Mai cũng già rồi, cũng lẫn lẫn rồi nhưng có chị có em vẫn là hạnh phúc. Mỗi lần tôi qua chơi bà ấy đều rất vui”, NSND Lê Chức tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cực khoái có thể mang lại lợi ích cho làn da do phản ứng nội tiết tố và sinh lý mà chúng kích hoạt. (Ảnh: ITN)

Làn da rạng rỡ nhờ... 'lên đỉnh'

GD&TĐ - Đạt cực khoái mang lại cảm giác dễ chịu và có lợi cho làn da của bạn. Dưới đây là một số lợi ích của cực khoái đối với làn da.